Thủ Thiêm: Giải quyết cơ bản xong vào tháng 6-2021
Chiều 20-11, tổ đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM gồm các ông Trần Lưu Quang, Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM, Thiếu tướng Ngô Tuấn Nghĩa, nguyên Chính ủy Bộ tư lệnh TP.HCM và ông Lâm Đình Thắng, Bí thư Quận ủy quận 9, đã có buổi tiếp xúc với cử tri ba quận 1, 3 và 4 (TP.HCM), sau kỳ họp thứ 10 QH khóa XIV.
Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Trần Lưu Quang (phải) gặp cử tri chiều 20-11. Ảnh: TÁ LÂM
“Bà con hãy chờ đợi một thời gian nữa”
Tại buổi tiếp xúc, hầu hết cử tri ba quận này đều đánh giá cao kết quả kỳ họp thứ 10 QH khóa XIV, nhiều vấn đề thảo luận và chất vấn tại hội trường đã được các ĐB nói lên được nỗi lòng bức xúc của người dân. Ví dụ như vấn đề xây dựng các thủy điện nhỏ và vừa ở miền Trung, cử tri cho rằng đó là nguyên nhân gây sạt lở và lũ lụt. Hay vấn đề rừng tự nhiên của nước ta ngày càng hao hụt, trong khi tại các địa phương xuất hiện nhiều biệt phủ của các quan chức, tất cả đều xây dựng bằng gỗ quý.
Còn đối với vụ khiếu kiện ở khu đô thị mới Thủ Thiêm, ông Phú cho rằng đến nay đã có kết luận của Thanh tra Chính phủ rồi nhưng bà con Thủ Thiêm vẫn ra trung ương khiếu nại vì nhiều vấn đề giải quyết chưa xong.
Ông Nguyễn Hữu Châu (cử tri quận 3) đề nghị cần giải quyết dứt điểm những khiếu nại, khiếu kiện tại khu đô thị mới Thủ Thiêm để đảm bảo lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân, tạo điều kiện phát triển TP Thủ Đức.
Chia sẻ về vấn đề này, Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Trần Lưu Quang đã xin lỗi cử tri vì giải quyết những vấn đề Thủ Thiêm rất chậm. “Mong bà con cố gắng chờ đợi một thời gian nữa” - ông Quang nói và cho biết Ban chấp hành Đảng bộ TP đã có một nghị quyết chuyên đề về Thủ Thiêm và yêu cầu Ban cán sự Đảng UBND TP xây dựng kế hoạch chi tiết từng phần việc cụ thể.
Cụ thể như xử lý việc bồi thường bổ sung cho người dân khu vực 4,3 ha ở khu phố 1, phường Bình An (quận 2) được xác định ngoài ranh quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm. Hay việc trả lời dứt khoát với bà con về năm khu phố thuộc ba phường (gồm khu phố 1, phường Bình An; khu phố 5, 6, phường An Khánh và khu phố 1, 2, phường Bình Khánh) có nằm trong quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm hay không.
“Cùng với đó là một loạt vấn đề khác, phải làm sao giải quyết xong câu chuyện Thủ Thiêm để tiếp tục kêu gọi đầu tư để biến nơi đây thành một khu đô thị mới, một trung tâm hành chính mới, đáp ứng được nhu cầu và nguyện vọng phát triển của TP” - ông Quang nói và cho biết TP đã chốt thời hạn giải quyết cho người dân khu 4,3 ha vào cuối năm nay, còn các vấn đề còn lại cơ bản xong vào tháng 6-2021.
Giấy tờ hành chính sẽ nhanh, gọn dưới chính quyền đô thị
Tại buổi tiếp xúc, một vấn đề khác cũng được nhiều cử tri ba quận này quan tâm là việc QH vừa thông qua nghị quyết cho phép TP.HCM thực hiện mô hình tổ chức chính quyền đô thị.
Cử tri Nguyễn Văn Phú cho rằng khi vận hành mô hình này thì chính quyền sẽ tinh gọn và chặt chẽ, nâng thẩm quyền giám sát và nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước. Ông mong muốn nghị quyết này sớm đi vào cuộc sống. “Tuy nhiên, tôi muốn biết mô hình chính quyền đô thị sẽ đem lại lợi ích gì cho người dân. Bộ mặt khu dân cư, giao thông… phục vụ người dân có khác trước hay không” - ông Phú đặt câu hỏi.
Cử tri Nguyễn Hữu Châu cho rằng với nghị quyết này của QH hứa hẹn việc quản trị một đô thị đặc biệt như TP.HCM sẽ tích cực hơn, kinh tế - xã hội sẽ có điều kiện thúc đẩy phát triển với đích đến là cuộc sống người dân được tốt hơn. Tuy nhiên, ông đề nghị QH quan tâm giám sát việc thực hiện chính quyền đô thị ở TP.HCM để mục đích, yêu cầu đặt ra được đảm bảo.
Trả lời về vấn đề này, ông Trần Lưu Quang cho biết đề án này có ba vấn đề lớn: Áp dụng cơ chế, chính sách cho TP mà đã được thể hiện trong Nghị quyết 54 của QH; không tổ chức HĐND cấp quận, phường; tổ chức mô hình TP trong TP (tạm gọi là TP Thủ Đức).
“Người dân được lợi gì khi tổ chức chính quyền đô thị?”, trả lời câu hỏi này của cử tri, ông Trần Lưu Quang cho biết trước hết là giảm biên chế, tiết kiệm được ngân sách khoảng 1.200 tỉ đồng chi thường xuyên mỗi nhiệm kỳ năm năm, bên cạnh đó còn tiết kiệm được ngân sách xây trụ sở, phương tiện làm việc và các đầu tư khác cho hệ thống các cơ quan HĐND cấp quận, phường. Mặt khác, người dân sẽ thoải mái hơn, đơn giản hơn khi làm các dịch vụ hành chính công, bởi có những thủ tục sẽ lên thẳng UBND TP giải quyết hoặc chủ tịch UBND quận, phường quyết luôn mà không cần phải qua HĐND.
Ông Trần Lưu Quang tin rằng với việc được thực hiện mô hình tổ chức chính quyền đô thị, TP.HCM sẽ có những bước tiến mạnh hơn trong thời gian tới.•
Cử tri quan tâm vấn đề sách giáo khoa và Biển Đông Cũng tại buổi tiếp xúc, cử tri cũng đề cập đến nhiều vấn đề lớn của đất nước và TP.HCM. Cử tri Nguyễn Văn Hòe (quận 1) đề cập đến Biển Đông và tỏ thái độ lo lắng trước những hành động lấn tới của Trung Quốc.
Ông mong rằng QH sớm có nghị quyết liên quan đến vấn đề Biển Đông. Trả lời về vấn đề này, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Trần Lưu Quang đã ghi nhận và cho biết sẽ chuyển tải đến diễn đàn QH.
Cử tri Trần Ngọc Liên (quận 4) đề nghị QH phân bổ nhiều nguồn lực hơn cho TP.HCM để TP xây dựng đồng bộ các loại hình giao thông, tạo đà cho sự phát triển nhanh và bền vững hơn và tạo điều kiện thuận lợi cho kết nối vùng.
Bởi theo bà, mức đầu tư như thời gian qua còn hạn chế, dẫn đến nhiều dự án còn kéo dài như vành đai 2, vành đai 3, còn công trình chống ngập ngàn tỉ đồng thì còn dở dang.
Quan tâm đến sách giáo khoa lớp 1, cử tri Đặng Quốc Hùng (quận 1) cho rằng đây là tài liệu học tập quan trọng của học sinh đầu cấp, có lỗi thì phải sửa ngay chứ không chờ. Nhiều cử tri khác cũng cho rằng việc biên soạn sách giáo khoa phải khoa học hơn để không sai sót, từ đó tránh được tốn kém.