Thủ tướng: Ngân hàng đã chia sẻ khó khăn với dân thế nào?

“Năm nay, chia sẻ với người dân thế nào, giảm lãi suất làm sao, cho vay các đối tượng thế nào, chứ không phải lợi nhuận kếch xù bao nhiêu”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh ý này khi phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2021 sáng nay, 26-12.

Sau khi lắng nghe các báo cáo, phát biểu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, Thủ tướng đã phát biểu ghi nhận những thành tích của ngành ngân hàng trong 5 năm qua, đặc biệt trong giai đoạn COVID-19 diễn biến phức tạp từ đầu năm đến nay.

Thủ tướng phát biểu chỉ đạo ngành ngân hàng sáng 26-12, ông nhấn mạnh ngành ngân hàng phải chia sẻ với người dân, doanh nghiệp. Ảnh: VGP

Thủ tướng ghi nhận việc ngành ngân hàng nhiều lần giảm lãi suất từ đầu năm để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, góp phần duy trì ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Thủ tướng nói: “Đặc biệt, tôi đánh giá cao các đồng chí nhiều lần giảm lãi suất điều hành, từ đầu năm đến nay, ba lần giảm lãi suất điều hành, khoảng 1,5-2%/năm, giảm sâu nhất trong khu vực”. Tuy vậy, Thủ tướng nói những nỗ lực của ngành ngân hàng chưa đáp ứng được kỳ vọng của doanh nghiệp và người dân.

COVID-19 tạo nên nguy cơ nợ xấu, bởi vậy Thủ tướng đề nghị NHNN và các tổ chức tín dụng phải có các giải pháp xử lý và hạn chế nợ xấu mới phát sinh.

“Chúng ta đã đạt thành công lớn nhưng không được chủ quan. Các nhà nghiên cứu đều nói, tình hình tài chính, tiền tệ quốc tế có thể diễn biến phức tạp, đòi hỏi chúng ta phải tính toán kỹ, có những phương án, đối sách phù hợp kịp thời” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng yêu cầu NHNN có chiến lược, kế hoạch cụ thể để ứng phó trong tình trạng mới trên các lĩnh vực, nhất là tài chính, ngân hàng và cần tính toán tăng trưởng tín dụng năm 2021 là bao nhiêu để đóng góp vào tăng trưởng. Bởi vì với Việt Nam, tín dụng vẫn là một kênh quan trọng đối với sự phát triển. Cần tập trung hoàn thiện thể chế về tiền tệ, tín dụng, ngân hàng phù hợp với yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới

Thủ tướng cũng yêu cầu NHNN tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách khác để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

“Bài học kiểm soát lạm phát của nước ta thời gian qua cũng như thời gian đến là bài học xương máu, nếu để lạm phát tăng vọt lên thì trách nhiệm của chúng ta rất lớn”, Thủ tướng nói và nhấn mạnh thêm: “Dứt khoát ngành ngân hàng không để thiếu vốn tín dụng cho các cơ sở sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân, lĩnh vực xuất khẩu, công nghệ cao…”.

Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, Thủ tướng mong ngành ngân hàng chia sẻ với doanh nghiệp, người dân. Thủ tướng đặt ra câu hỏi với các lãnh đạo ngân hàng rằng: “Năm nay, ông chia sẻ với người dân thế nào, ông giảm lãi suất làm sao, cho vay các đối tượng thế nào chứ không phải lợi nhuận kếch xù bao nhiêu”.

Thủ tướng cũng đặt ra nhiệm vụ cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu của các ngân hàng yếu kém vừa bảo đảm hệ thống các tổ chức tín dụng và từng tổ chức phát triển ổn định, bền vững. Mục tiêu có một số ngân hàng thương mại lọt vào tốp đầu các ngân hàng lớn nhất, chất lượng tốt nhất, hiệu quả nhất trong khu vực cũng được Thủ tướng đề ra.

Về phía các cán bộ thuộc NHNN, Thủ tướng trích dẫn lời của Hồ Chủ tịch và căn dặn rằng: "Cán bộ Ngân hàng phải luôn luôn trau dồi đạo đức cách mạng, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, thấu suốt hơn nữa đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước”.

Thủ tướng trao phần thưởng cho các tập thể, cá nhân ngành ngân hàng vì những thành tích năm 2020. Ảnh: VGP

Trước đó, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng nhận định: chưa bao giờ Chính phủ, các cơ quan quản và ngân hàng trung ương các nước thực hiện biện pháp hỗ trợ chưa có tiền lệ để vực dậy nền kinh tế như năm 2020.

NHNN đã xác định việc hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do COVID-19, thiên tai là trọng tâm, đã tháo gỡ khó khăn về vốn, tín dụng, phí thanh toán.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng mong muốn Hội nghị phải tập trung làm rõ các vấn đề về điều hành chính sách tiền tệ, xử lý nợ xấu trong bối cảnh COVID-19 chưa có hồi kết. Bà cũng đề cập đến vấn đề ứng dụng công nghệ và phát triển dịch vụ thanh toán ngân hàng số ở Việt Nam, quá trình triển khai 3 trụ cột của Basel 2 và hoạt động kiểm soát nội bộ của các tổ chức tín dụng ra sao để hướng tới các chuẩn mực quốc tế…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm