TP.HCM xây dựng nguồn nhân lực quốc tế từ học sinh phổ thông

Sáng 16-10, vào ngày làm việc thứ hai của Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI, các đại biểu đã dành thời gian lắng nghe các tham luận.

Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM đã trình bày tham luận về Đào tạo nhân lực trình độ quốc tế và khuyến khích đại học chia sẻ giai đoạn 2020 - 2035.

le-hong-son-dai-hoi-tphcm

Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở Giáo dục&Đào tạo TP đã trình bày tham luận tại Đại hội. Ảnh: QUỐC THANH

Ông Lê Hồng Sơn đã đề xuất xây dựng một số nhóm giải pháp để đào tạo nguồn nhân lực trình độ quốc tế, trong đó có việc xây dựng nguồn nhân lực trình độ quốc tế từ giáo dục phổ thông.

Theo ông Sơn, TP.HCM đã sớm đưa mục tiêu “hội nhập” vào các cấp học phổ thông. Trong thời gian tới, giáo dục phổ thông sẽ tiếp tục phát triển theo hướng nâng cao trang bị các kiến thức, kỹ năng cần thiết cho học sinh sẵn sàng thích ứng, gia nhập vào quá trình toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Các chương trình chuẩn quốc tế về tiếng Anh, tin học được đưa vào nhà trường, giao lưu, trao đổi với giáo viên, học sinh quốc tế được tổ chức thường xuyên. Từ đó, giúp học sinh TP có hành trang vững chắc để hội nhập nền giáo dục tiên tiến trên thế giới, tham gia thị trường lao động toàn cầu.

TP.HCM cũng đã xây dựng Đề án “Giáo dục thông minh và học tập suốt đời giai đoạn 2020 - 2030”.

“Giáo dục TP sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện giáo dục STEM, STEAM trong nhà trường, tạo điều kiện để các em tham gia nghiên cứu khoa học; thí điểm đưa nội dung trí tuệ nhân tạo đến với học sinh các trường phổ thông” – ông Sơn nêu.

Đồng thời, TP.HCM cũng sẽ đưa các tiện ích ứng dụng từ những thành quả của khoa học và công nghệ vào nhà trường; đẩy mạnh hoạt động dạy và học trực tuyến để hình thành kho tài nguyên học liệu số, phục vụ việc tự học của học sinh, việc học tập suốt đời của người dân và xây dựng xã hội học tập thông minh…

Ông Lê Hồng Sơn cho biết, TP.HCM cũng sẽ triển khai đề án “Đào tạo nhân lực trình độ quốc tế giai đoạn 2020 - 2035 và đại học chia sẻ” với chín đề án thành phần.

“Đó là cơ sở để các trường đại học đào tạo nhân lực có trình độ quốc tế của tám ngành trong điểm gồm: Công nghệ thông tin - truyền thông, Cơ khí - tự động hóa, Trí tuệ nhân tạo, Quản trị doanh nghiệp, Tài chính - ngân hàng, Y tế, Du lịch, Quản lý đô thị và đề án đại học chia sẻ” – ông Sơn cho biết thêm.

Để thực hiện đề án này, theo ông Lê Hồng Sơn, những nhân lực trình độ quốc tế phải có môi trường để trao đổi thông tin, học tập lẫn nhau, không ngừng phát triển. Các trường phải đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học gắn với đời sống, hướng đến giải quyết những vấn đề phát sinh trong xã hội, hướng đến các chuẩn kiểm định chất lượng đào tạo của quốc tế.

Từ đó nâng tầm vị thế của các ngành đào tạo, của các trường từng bước trở thành trung tâm giáo dục – đào tạo của khu vực.

Theo Giám đốc Sở giáo dục & Đào tạo, TP.HCM sẽ giao Đại học Quốc gia TP xây dựng và triển khai thí điểm Mô hình đại học chia sẻ để làm cơ sở phát triển trong thời gian tới.

 

Hiện nay, giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông TP.HCM có 2.385 trường (tăng 453 trường so với đầu nhiệm kỳ). Gồm: 1.346 trường mầm non, 500 trường tiểu học, 280 trường trung học cơ sở, 199 trường trung học phổ thông, 32 cơ sở giáo dục chuyên biệt và 34 trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên.

Như vậy, so với năm học 2015 - 2016, đầu nhiệm kỳ, số trường học đã tăng 23,45%, số lớp học tăng 16,8% và số học sinh TP đã tăng 12,37%.

Về giáo dục đại học, TP có 54 trường đại học, học viện với hơn 200.000 sinh viên đang theo học với nhiều ngành nghề khác nhau. Có nhiều trường đại học, cao đẳng triển khai liên kết đào tạo với nước ngoài với hơn 170 chương trình, tạo điều kiện cho người học được tiếp cận các mô hình đào tạo tiên tiến của các nước trên thế giới, nâng cao năng lực cạnh tranh của người học trên thị trường lao động trong bối cảnh hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa.

(Theo ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm