Trung ương có Công điện ứng phó với bão RAI mạnh, di chuyển nhanh

Trưa nay, 16-12, Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai đã có công điện yêu cầu các bộ, ngành, địa phương ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang chủ động các biện pháp ứng phó với bão RAI.

Bão RAI đang duy trì cường độ rất mạnh, di chuyển nhanh.

Theo cập nhật từ Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, sáng nay, bão RAI cách bờ biển miền Trung của Philippines khoảng 300km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14, giật cấp 17.

Dự báo đến đêm 17-12, bão RAI sẽ đi vào Biển Đông trở thành cơn bão số 9 năm 2021. Sau khi vào Biển Đông, bão RAI duy trì cấp 12-13, giật cấp 16. Đáng lưu ý, khi vào sát bờ bão có thể đổi hướng.

Dự báo vị trí và đường đi của bão RAI. Ảnh: VNDMS

Để chủ động ứng phó với bão, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai - Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (Ban chỉ đạo) đề nghị Ban Chỉ huy PCTT & TKCN các địa phương ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang theo dõi chặt chẽ bản tin dự báo và diễn biến của bão.

Cụ thể, đối với tuyến biển, Ban chỉ đạo yêu cầu các địa phương tổ chức kiểm đếm, hướng dẫn tàu thuyền, gồm cả tàu cá, tàu vận tải, công trình di chuyển phòng tránh hoặc về nơi tránh trú an toàn. Các địa phương phải tạo điều kiện cho tàu cá và ngư dân các địa phương khác vào tránh trú.

Cùng với đó, sẵn sàng triển khai công tác đảm bảo an toàn về người và tài sản trên các đảo và lồng bè nuôi trồng thủy hải sản trên biển và ven biển.

Đối với đất liền, hải đảo, Ban chỉ đạo yêu cầu sẵn sàng triển khai phương án ứng phó với bão, mưa lũ, sạt lở phù hợp với điều kiện cụ thể tại địa phương, nhất là phương án di dời, sơ tán dân để đảm bảo an toàn, đồng thời phòng chống dịch Covid-19.

Chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm theo phương châm “bốn tại chỗ” để ứng phó với bão mạnh, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất khu vực miền núi, phương án cung cấp nhu yếu phẩm cho các đảo.

Ban chỉ đạo cũng yêu cầu các địa phương sẵn sàng triển khai các biện pháp bảo vệ sản xuất, phương án hộ đê. Đồng thời tổ chức vận hành phù hợp, bảo đảm an toàn hồ đập, bố trí lực lượng, vật tư, máy móc, thiết bị sẵn sàng ứng phó, xử lý khi có tình huống.

Các địa phương rà soát nhà ở không an toàn, có phương án hướng dẫn phân luồng giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, có phương án đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.

Chỉ đạo đài phát thanh, truyền hình và truyền thông cơ sở tăng cường thông tin về thiên tai, hướng dẫn kỹ năng ứng phó cho người dân, nhất là tại các thôn, bản.

Công điện yêu cầu các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long có phương án đảm bảo an toàn cho người dân tại khu vực nhà yếu; quản lý tàu thuyền neo đậu tránh bão tại các khu vực cửa sông, lạch; đảm bảo an toàn cho tuyến đê biển xung yếu để sẵn sàng ứng phó trong tình huống bão đổi hướng.

Các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Y tế, Uỷ ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao tổ chức phương án ứng phó với bão theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường thời lượng, đưa tin kịp thời diễn biến của bão và nguy cơ mưa lũ, công tác chỉ đạo ứng phó để người dân biết, chủ động phòng, tránh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm