Xử án không theo luật

Bảy năm trước, vợ chồng ông Nguyễn Đức Diệu và vợ chồng ông Nguyễn Đức Điền (ở thôn Phùng Lâm, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa) bị hai hộ liền kề là ông Hoàng Sơn và ông Hồ Ngọc Sơn chiếm dụng đất trái phép để xây nhà và trồng cà phê. Sau khi đòi lại đất không được, năm 2008 ông Diệu và ông Điền đã kiện ra TAND huyện Hướng Hóa.

Đầu năm 2010, TAND huyện đã mở xử sơ thẩm, nhưng sau đó bản án bị hủy. Đến ngày 3 và 4-4-2012, tòa mới xét xử lại.TAND huyện Hướng Hóa khẳng định việc ông Hoàng Sơn lấn chiếm đất của ông Nguyễn Đức Diệu là trái pháp luật, nên buộc ông Hoàng Sơn tháo dỡ phần diện tích xây dựng trái phép gồm một ngôi nhà và một bể nước, trả lại 3.860m2 đất lấn chiếm.

Tuy nhiên, một điều khó hiểu là tòa lại buộc ông Diệu phải hỗ trợ ông Hoàng Sơn số tiền 118.368.000 đồng (tương ứng 1.644 cây cà phê ông Sơn trồng trên diện tích đất bị lấn chiếm) tiền giống, tiền công chăm sóc số cây cà phê này.

Tại phiên tòa xử vụ tranh chấp giữa ông Nguyễn Đức Điền và ông Hồ Ngọc Sơn, TAND huyện cũng tuyên bản án tương tự, buộc ông Hồ Ngọc Sơn phải trả lại toàn bộ diện tích đất đã lấn chiếm. Tòa cũng không quên buộc ông Nguyễn Đức Điền phải hoàn lại giá trị cây cà phê trên đất cho ông Hồ Ngọc Sơn với số tiền 162.216.000 đồng.Sau khi hai bản án được tuyên, ông Diệu và ông Điền đã gửi đơn kháng cáo.

Ông Diệu bức xúc nói: “Không thể có chuyện người bị chiếm đất lại còn phải hỗ trợ lại tiền cho người chiếm đất như tòa án tuyên được”.Ngày 18-4, Viện KSND huyện Hướng Hóa đã ra quyết định kháng nghị hai bản án nói trên. Viện KSND huyện Hướng Hóa nhận định: “Theo quy định tại điều 256, khoản 1, điều 601 Bộ luật dân sự, người chiếm hữu, sử dụng tài sản là quyền sử dụng đất như ông Sơn không có căn cứ pháp luật và không ngay tình nên phải trả lại tài sản cho chủ sở hữu”.

Viện KSND huyện Hướng Hóa cũng cho rằng hai bản án của TAND huyện Hướng Hóa không thể hiện việc viện dẫn điều luật để áp dụng. Tòa lập luận nếu chặt phá cây cà phê để trả lại đất cho ông Diệu và ông Điền thì gây lãng phí tài sản để tuyên buộc ông Diệu và ông Điền phải hỗ trợ tiền cho ông Hoàng Sơn và ông Hồ Ngọc Sơn là tùy tiện, trái với quy định tại điều 256, khoản 1, điều 601 Bộ luật dân sự, vi phạm nghiêm trọng khoản 4 điều 238 Bộ luật tố tụng dân sự.

Bà Trương Thị Hồng, chánh án TAND huyện Hướng Hóa, thừa nhận TAND huyện xử vụ án trên không theo điều luật nào, chỉ áp dụng kiểu “pháp luật tương tự” để xử. Lý do để tuyên hai bản án trên là bởi nếu làm đúng theo luật, số lượng tài sản phải phá đi... quá lớn. “Đất này là đất trồng cà phê, ông Sơn trồng thì ông Diệu khỏi trồng. Nên buộc ông Diệu phải hỗ trợ lại cho ông Sơn số tiền tương ứng với giá trị cây cà phê là hợp lý” - bà Hồng nói.

 Chúng tôi hỏi: nếu ông Diệu và ông Điền không có nhu cầu sử dụng cây cà phê trên đất bị lấn chiếm đó nữa mà muốn trồng một loại cây khác, thì bà Hồng không trả lời.Bà Hồng cũng nói thêm rằng TAND huyện Hướng Hóa đang thụ lý thêm bảy vụ tranh chấp đất tương tự như hai vụ này và TAND huyện cũng dự kiến sẽ xử theo hướng như vậy.
Tòa huyện xử thiếu căn cứ

Ngày 9-8, TAND tỉnh Quảng Trị đã mở hai phiên xét xử phúc thẩm hai vụ kiện của ông Diệu và ông Điền. Tòa đã tuyên giữ nguyên phần buộc hai hộ ông Hoàng Sơn và Hồ Ngọc Sơn phải trả lại toàn bộ số đất đã lấn chiếm cho hai anh em ông Diệu, Điền. Tòa cũng tuyên hủy một phần án sơ thẩm do việc án sơ thẩm buộc hai ông Diệu và ông Điền phải bồi thường lại tổng số tiền gần 300 triệu đồng cho hai ông Hoàng Sơn và Hồ Ngọc Sơn là không có căn cứ.

Theo QUỐC NAM (TTO)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm