Thông điệp “lối sống” đi vào đề thi

Bước ra khỏi phòng thi, TS Sơn Anh (Ninh Bình) thi khối D đánh giá: “Đề về nghị luận xã hội khá hay, em có thể bộc lộ được quan điểm cá nhân của mình đối với một quan điểm khác. Tuy nhiên, em thấy yêu cầu này đối với bọn em mới học xong lớp 12 cũng hơi nặng nề”. TS Hoàng Hà Lan (Hà Nội) lại cho rằng: “Câu hỏi đó rất thú vị, ngay cả bọn em cũng thế, thi trường nào cũng do bố mẹ chọn sẵn đấy thôi. Nhưng nói phần lớn thì em không đồng ý. Em cũng đưa được nhiều dẫn chứng để chứng minh rằng nó không đúng”.

Với đề thi khối C, TS Trần Lan Anh (Thanh Hóa) nói: “Quan điểm đó không những ngày xưa mà bây giờ vẫn có nhưng để coi là văn hóa dân tộc thì hơi quá. Em đi vào việc phân tích rằng trong cuộc sống cũng cần khôn khéo nhưng coi đó là cách sống của mình thì không nên”.

Cô Ngô Ngọc Mai, giáo viên môn văn, nhận xét: “Khác với lối mòn trước đây, đề thi thường đưa ra hai đoạn thơ, đoạn văn trong các tác phẩm để so sánh. Về góc độ xã hội, cách nhìn nhận của đề thi không có gì mới nhưng dạng nghị luận xã hội về lối sống đưa vào đề thi năm nay hoàn toàn mới lạ”.

Dạng đề thi này học sinh có thể hiểu và cảm nhận cách lập luận đặt vấn đề nhưng lại loay hoay không biết phải thể hiện, triển khai như thế nào cho rành mạch để đưa ra chính kiến của bản thân. Với học sinh THPT, đề thi mở dạng này khá thú vị nhưng hơi “cao siêu”. Học sinh phải có sự trải nghiệm và hiểu rất sâu mới làm được bài thi dạng này một cách trọn vẹn.

VIẾT THỊNH - PHONG ĐIỀN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm