Chiều 18-8, tại họp báo thông tin về tình hình dịch COVID-19 và các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.HCM, ông Trương Tấn Sơn, Phó Chủ tịch UBND quận Tân Bình, đã thông tin về buổi tiếp công dân liên quan đến khu đất công trình công cộng ở phường 6 (còn gọi là vườn rau Lộc Hưng).
|
Ông Trương Tấn Sơn, Phó Chủ tịch UBND quận Tân Bình, thông tin tại họp báo. Ảnh: NGUYỄN NHÂN |
Theo ông Sơn, thực hiện chỉ đạo của UBND TP.HCM, ngày 8-8, UBND quận Tân Bình đã gửi thư mời đến 121 trường hợp được xác định trước đây có canh tác trực tiếp tại khu đất này. Trong đó, đề nghị người dân cử không quá năm người đại diện để trình bày các nội dung phản ánh, kiến nghị.
Sáng nay (18-8), Chủ tịch UBND quận Tân Bình đã chủ trì buổi tiếp này với sự tham dự của 94 người dân và năm luật sư, trợ giúp pháp lý.
Tại buổi tiếp, có bốn nội dung chính mà người dân kiến nghị. Gồm đề nghị giải quyết cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, phản ánh việc cưỡng chế công trình xây dựng là trái pháp luật, đề nghị được bồi thường thỏa đáng nếu thực hiện dự án, đề nghị công khai trình tự thủ tục thực hiện dự án theo quy định của pháp luật.
Ông Sơn khẳng định, UBND quận Tân Bình và các sở, ngành TP đã trả lời trực tiếp các nội dung này tại buổi tiếp công dân.
|
Toàn cảnh buổi tiếp công dân của UBND quận Tân Bình, sáng 18-8. Ảnh: UBND quận Tân Bình cung cấp |
Trong đó, đối với nội dung đề nghị được xác nhận quyền sử dụng đất hoặc cấp sổ hồng (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất), UBND quận Tân Bình lý giải: Phần đất khu vườn rau tại bãi anten Chí Hòa, phường 6, quận Tân Bình là đất chuyên dùng, trước đây chính quyền Pháp thuộc sử dụng làm bãi anten cho đài phát tín…
Sau ngày 30-4-1975, nhà nước trực tiếp quản lý khu đất này; đến năm 1985, UBND TP chuyển giao khu đất thành tài sản cố định của Trung tâm Viễn thông 3 và đến năm 1987 thì Bưu điện TP quản lý.
Như vậy, phần đất chuyên dùng này thuộc diện Nhà nước trực tiếp quản lý và điều phối sử dụng theo quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất của Nhà nước. Việc một số hộ gia đình, cá nhân tận dụng diện tích đất trống giữa các cột anten để khai thác trồng rau màu là không đủ điều kiện công nhận quyền sử dụng đất. Do đó các hộ dân chỉ được cơ quan chức năng của Nhà nước xác nhận quá trình sử dụng đất và xem xét hỗ trợ nếu không có tranh chấp.
Đối với nội dung đề nghị được bồi thường về tài sản, nhà cửa do bị cưỡng chế, đập phá không đúng pháp luật, sau khi phân tích các căn cứ theo luật định, UBND quận Tân Bình cho biết việc các hộ dân tự xây dựng nhà ở trên khu đất do nhà nước trực tiếp quản lý mà chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng là đã vi phạm pháp luật.
Do đó, việc chính quyền áp dụng biện pháp cưỡng chế, tháo dỡ đối với công trình xây dựng bất hợp pháp trên khu đất này là cần thiết và đúng pháp luật.
Đối với đề nghị được bồi thường thỏa đáng nếu thực hiện dự án, UBND quận Tân Bình thông tin UBND TP.HCM đã có văn bản đồng ý phương án giá đất để tính hỗ trợ cho các hộ dân bị ảnh hưởng trong dự án đầu tư là 7.055.000 đồng/m2. Ngoài ra, UBND quận Tân Bình có chính sách hỗ trợ thêm như hỗ trợ canh tác hoa màu là từ 4 đến 6 triệu đồng/tháng/hộ gia đình, đào tạo chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm, hỗ trợ vay vốn tại ngân hàng.
Đối với đề nghị dự án nào trên khu đất cũng phải thực hiện đúng quy định pháp luật, UBND quận Tân Bình đã thông tin năm dự án thành phần trên khu đất và khẳng định quận đang thực hiện các thủ tục pháp lý để triển khai đầu tư xây dựng dự án theo đúng quy định pháp luật trên khu đất cho nhà nước trực tiếp quản lý bằng vốn ngân sách nhà nước.
Ông Trương Tấn Sơn cho biết UBND quận Tân Bình sẽ báo cáo nội dung tiếp công dân lên UBND TP.HCM và tiếp tục ghi nhận các ý kiến khác của người dân liên quan đến khu đất này.