Những em nhỏ tới từ ngôi làng Genguan tại Bijie, tỉnh Quý Châu, Trung Quốc phải đi bộ dọc một con đường núi hẹp để tới được trường tiểu học Banpo nằm ở lưng chừng núi.
Một cậu bé tại Pintu Gabang, Indonesia đang phải bám vào sợi dây cáp để vượt sông tới trường. Được biết, những học sinh tại đây phải khéo léo di chuyển trên những sợi dây ở độ cao khoảng 9m và đi bộ 11km để tới được trường học.
Thầy giáo Li Guilin giúp học sinh của mình trèo lên một cái thang bằng gỗ để tới được ngôi trường nằm trên một vách đá cao 2.800m so với mặt nước biển tại huyện Gangluo, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Được biết, các em học sinh ở đây sẽ ở lại trường cả tuần trước khi lặp lại hành trình đầy nguy hiểm này để trở về nhà vào ngày nghỉ.
Cây cầu chỉ có 1 tấm ván ở giữa được các học sinh tại ngôi làng Suro và Plempungan tỉnh Java, Indonesia sử dụng như một lối tắt để tới trường nhanh hơn.
Một phụ nữ phải vác bàn trong khi bé gái đi sau cầm ghế để tới trường học tại Macheng, tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc), nơi các học sinh tiểu học phải tự mang theo bàn ghế đến lớp.
Zhao Jihong và cô con gái 4 tuổi Zi Yi phải vượt qua một cây cầu đã bị nghiêng hẳn sang một bên để tới được trường mầm non tại Dujiangyan, tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc). Cây cầu gỗ này là gắn kết duy nhất giữa ngôi làng Shawan với thế giới bên ngoài. Tuy nhiên nó đã bị phá hủy trong trận lũ và dân làng vẫn bất chấp nguy hiểm để đi qua.
Để tới trường mỗi ngày, những em nhỏ sống tại ngôi làng Decun ở tỉnh Quý Châu (Trung Quốc) phải vượt qua một thung lũng sâu hàng trăm mét trên chiếc cáp treo tự chế.
Cưỡi lừa băng qua những vách đá cheo leo, hiểm trở là hành trình tới trường quen thuộc của Shen Qicai, học sinh trường tiểu học Gulu (Trung Quốc). Đây có lẽ là ngôi trường hẻo lánh nhất trên thế giới bởi các em học sinh phải mất 5 tiếng đồng hồ để đi từ chân núi lên đến trường.
Theo Sầm Hoa (VNN / Telegraph)