Thủ môn Tấn Trường – tự mình giải thoát ám ảnh ‘tấn trò đời’

Suốt thời gian dài đằng đẵng này, thủ thành vùng đất Lai Vung (Đồng Tháp) – nơi nổi tiếng với quýt hồng và nem chua, sống trong ám ảnh “tấn trò đời” của dư luận dị nghị, dèm pha…

Tấn Trường đã tự mình giải thoát cho mình khỏi ám ảnh của bản thân, và có lẽ là “lật trang mới” trong tư duy của nhiều người hâm mộ về anh thời gian qua. Người ta dị nghị, nghi ngờ anh ở đâu thì Trường giải thoát và “thanh minh” cho bản thân ngay ở đó: Ngay trong khung thành, với những pha cứu thua xuất thần như tuổi đôi mươi chứ không ai nghĩ xuất hiện ở tuổi 35, trước chính đối thủ Malaysia!

Thủ môn người Đồng Tháp luôn thắng trong những pha không chiến và góp công cứu thua cho tuyển Việt Nam ở trận thắng Malaysia 2-1. Ảnh: ANH THỎA.

Trường từng có lúc tưởng không đứng dậy nổi trước áp lực, dị nghị. Nhưng anh đã đứng dậy, bước tiếp và có ngày hôm nay để tất cả lại tung hô. Rất sòng phẳng và đáng khi nhận ở cầu thủ “khổng lồ”, có trái tim hướng thiện (anh cùng mẹ và vợ thường tổ chức các hoạt động thiện nguyện ở quê nhà) và vô cùng yêu thương gia đình này.

Tôi biết Tấn Trường khoảng năm 2008 khi lần đầu tiên anh được HLV Mai Đức Chung gọi lên tuyển U-22 chuẩn bị cho Merdeka Cup (Việt Nam vô địch với cái tên chói sáng là Tấn Trường) còn rụt rè, hơi “lúa” nhưng thân thiện, vui vẻ (có lẽ vì thế anh hợp kinh doanh và gặt hái nhiều thành công). Từ bước đệm này, anh bắt chính ở tuyển U-23 và sau đó là tuyển Việt Nam dưới thời HLV Calisto.

Trường là cái tên rất được ông Calisto tin và thương. Ông Tô từng có ý định đưa Trường sang châu Âu thi đấu (Bồ Đào Nha) bởi trong mắt ông, thủ thành này là một cầu thủ thuộc hàng hiếm của Việt Nam với tầm vóc, sải tay dài, phán đoán nhanh nhạy, tư chất thủ lĩnh nơi hàng phòng ngự và những cú “chém” bóng phản công cực kỳ sắc bén (tương tự Phan Văn Santos lúc chơi cho ĐT Long An).

Thất bại ở SEA Games 2009 thật khó nuốt trôi với bóng đá Việt. Còn với bản thân Trường, đó là nỗi đau không thể tả từ thể xác (rạn xương vai) và tinh thần. Tấm ảnh ông Tô bóp cổ Trường sau trận trở thành đề tài bàn tán một thời và dai dẵng gần như suốt chục năm sau đó, cho dù anh có cố gắng giải thích rằng đó chỉ là hành động của HLV Calisto muốn anh phải tỉnh táo, phải đối diện thất bại. Đó là một thời điểm hỗn loạn, buồn bã của tuyển U-23 Việt Nam.

Sau giải, Trường ở Hà Nội điều trị chấn thương. Liên – bấy giờ là bạn gái, ra chăm sóc. Vết thương lành nhanh nhưng nỗi đau thất bại còn đeo bám mãi.

"Người nhện" Tấn Trường sau hơn 10 năm đã vượt qua "tấn trò đời" một cách thật ngoạn mục. Ảnh: ANH THỎA.

Thầy Tô đi, cùng dòng đời thay đổi, Trường cũng bước “ra đời” từ CLB Đồng Tháp quê hương lên Sài Gòn rồi xuống Bình Dương và nay là CLB Hà Nội. Với hình ảnh sau trận chung kết SEA Games 2009, dị nghị lại được đẩy lên nấc thang mới mỗi khi Trường mắc sai lầm khó hiểu. Một cái miệng không thể nói cho hết dư luận, đặc biệt trong thời đại bùng nổ thông tin và công nghệ truyền thông (chính thống và “hóng hớt”).

Chơi với nhau nhiều năm, trải qua nhiều sự kiện, tôi chưa lúc nào nghĩ Trường “có vấn đề tư tưởng” sau một vài tình huống thua như vậy. Trong bóng đá, việc mắc sai lầm là bình thường, đặc biệt lỗi của thủ môn lúc nào cũng trở nên nghiêm trọng trong mắt người hâm mộ. Nếu “có gì” thì chắc chắn Trường đã bị đào thải sớm chứ không thể là trụ cột của những đội bóng lớn tại V-League và nay là CLB Hà Nội.

Và niềm tin cũng tới từ hai người phụ nữ quan trọng nhất của đời Trường: Mẹ và vợ - hai người thân cũng là hai “khán giả” thường xuyên nhất của anh. Trường vô cùng thương mẹ - người phụ nữ tảo tần, vượt bao gian khó, miệng đời để nuôi các con trưởng thành, và chưa bao giờ làm bà phải buồn phiền, lo lắng. Trường rất yêu vợ - người gắn bó từ thuở còn là thiếu nữ cho tới nay (cũng tầm 15 năm!), cùng chia ngọt, sẻ bùi, vượt qua bao định kiến, dị nghị, quán xuyến tổ ấm nhỏ.

Một người đàn ông luôn có gia đình trong trái tim thường là một người rất cân nhắc mọi việc và biết lánh xa cái xấu…

Mừng cho người bạn Đồng Tháp!

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm