Từ mùa tuyển sinh đại học (ĐH) năm 2024 này, nhiều cơ sở đào tạo chính thức xóa tên gọi “chất lượng cao” trong các chương trình đào tạo. Tuy nhiên, Trường ĐH Luật TP.HCM vẫn tiếp tục đào tạo theo chương trình chất lượng cao (CLC) ở ba ngành, đó là ngành Luật, Quản trị Luật và Quản trị Kinh doanh.
Bộ GD&ĐT chỉ bãi bỏ tên gọi chung
Về vấn đề này, theo thông tin từ Bộ GD&ĐT, chương trình đào tạo CLC bậc ĐH được Bộ GD&ĐT ban hành quy định từ năm 2014 (Thông tư 23/2014), bên cạnh chương trình đào tạo đại trà và chương trình đào tạo nước ngoài.
Đây là chương trình được xây dựng và phát triển trên nền của chương trình đại trà của cơ sở đào tạo nhưng các tiêu chí thực hiện phải cao hơn, như chuẩn đầu ra, năng lực của giảng viên; điều kiện học tập, nghiên cứu, thực hành của sinh viên…
Tuy nhiên, từ khi Luật Giáo dục ĐH sửa đổi năm 2018 có hiệu lực, giữa năm 2023, Bộ GD& ĐT phải bãi bỏ Thông tư 23/2014 quy định về chương trình đào tạo CLC.
Bởi lẽ, Bộ GD&ĐT cho rằng, theo quy định của Luật Giáo dục ĐH 2018, khái niệm chương trình đào tạo CLC đã không còn tồn tại. Việc phát triển các loại chương trình đào tạo khác nhau thuộc quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục ĐH nhưng đảm bảo tuân thủ các quy định về chuẩn chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục ĐH quy định tại Thông tư số 17/2021 của Bộ GD&ĐT.
Bộ GD&ĐT nhấn mạnh: “Việc bãi bỏ này không có nghĩa là các cơ sở giáo dục ĐH không còn hay không được triển khai các “chương trình CLC”. Điều này cũng không ảnh hưởng tới việc tuyển sinh và đào tạo các chương trình đào tạo khác nhau của các cơ sở giáo dục ĐH”.
Đồng thời, Bộ vẫn khuyến khích các cơ sở giáo dục ĐH xây dựng và phát triển các chương trình đào tạo có các yêu cầu về chuẩn đầu vào, chuẩn đầu ra cao hơn so với chuẩn do Bộ GD&ĐT quy định. Các cơ sở giáo dục ĐH có trách nhiệm công khai, minh bạch thông tin đối với các chương trình đào tạo do trường cung cấp, cam kết với người học về tuyên bố chất lượng đầu ra của các chương trình đào tạo này, đồng thời thực hiện trách nhiệm giải trình đối với các bên liên quan cũng như toàn xã hội.
Gần 20 khóa sinh viên được cấp bằng cử nhân Luật CLC
Từ chủ trương của Bộ GD&ĐT, phía Trường ĐH Luật TP.HCM cho biết, trường đã xây dựng chương trình đào tạo CLC từ những năm 2003 và khẳng định sẽ tiếp tục tuyển sinh, đào tạo từ năm 2024 này.
Theo nhà trường, đối tượng tham gia chương trình phải trúng tuyển vào trường ở chương trình chuẩn đại trà và được sàng lọc về trình độ ngoại ngữ.
Ưu điểm và khác biệt của chương trình này là các môn học được giảng dạy bằng ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nhật) chiếm tỉ trọng từ 20-90% khối lượng học tập của chương trình đào tạo.
Trong suốt quá trình học tập, sinh viên được trao đổi, thảo luận với đội ngũ giảng viên trong và ngoài nước, có học hàm, học vị cao, có bề dày kinh nghiệm trong công tác nghiên cứu, giảng dạy.
Cạnh đó, sinh viên có điều kiện học tốt hơn, được phát triển kỹ năng ngoại ngữ pháp lý chuyên sâu, tin học văn phòng theo chuẩn quốc tế và thực hành nghề nghiệp. Người học sớm có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp và có cơ hội học tập, giao lưu quốc tế qua chương trình “ASEAN Study Tour”, trao đổi sinh viên với các trường ĐH liên kết được tổ chức hằng năm…
Trường thông tin thêm, qua hơn 21 triển khai, hiện trường có hệ thống chương trình đào tạo CLC đa dạng về ngành học.
Cụ thể như với ngành Luật, Trường ĐH Luật TP.HCM đã cấp bằng cử nhân Luật CLC cho gần 20 khóa sinh viên.
Hiện nay, ngành này có 5 mảng đào tạo CLC. Bao gồm: CLC ngành Luật (giảng dạy bằng tiếng Anh, định hướng Luật Thương mại - Luật Dân sự - Luật Quốc tế); CLC ngành Luật (tăng cường tiếng Anh, định hướng Luật Thương mại - Luật Dân sự - Luật Quốc tế);CLC ngành Luật (tăng cường tiếng Anh, định hướng Luật Hành chính - Tư pháp); CLC ngành Luật (tăng cường tiếng Pháp); CLC ngành Luật (tăng cường tiếng Nhật);
Chương trình được xây dựng theo hướng trang bị cho sinh viên nhiều hơn về kỹ năng, hiểu biết sâu về các mảng pháp luật quan trọng của pháp luật nước ngoài. Sinh viên được đi kiến tập ngay từ học kỳ thứ 5 (học kỳ 1 năm thứ 3) ở các tòa án, doanh nghiệp, công ty luật, văn phòng công chứng...
Trường muốn hướng đến việc rèn luyện cho sinh viên kỹ năng xử lý các vụ việc thực tiễn như: phát hiện vấn đề, tìm kiếm các quy định của pháp luật, làm việc nhóm, tư vấn pháp luật…
Trong đó, trường đặc biệt chú trọng vào kỹ năng tranh luận, bởi vì kỹ năng thuyết trình và tranh luận là kỹ năng quan trọng của người hành nghề luật.
Còn chương trình CLC ngành Quản trị - Luật sẽ trang bị cho sinh viên khối kiến thức của cả ngành Quản trị kinh doanh và ngành Luật. Các em được trau dồi tiếng Anh pháp lý và tiếng Anh thương mại.
Với sĩ số không quá 50 sinh viên/lớp sẽ giúp sinh viên có cơ hội được tiếp xúc và giải đáp thắc mắc với giảng viên một cách dễ dàng. Ngoài ra, sinh viên còn được học những khóa ngắn hạn với các giáo sư đến từ các nước phát triển như Anh, Mỹ, Nhật, Pháp, Úc, Singapore…; và ưu tiên tham dự các hội thảo, các chuyến đi trao đổi với những trường ĐH nước ngoài.
Hay như với chương trình đào tạo CLC ngành Quản trị kinh doanh, sinh viên sẽ nắm vững kiến thức chung về quản trị kinh doanh và nắm chắc những kiến thức mới về quản trị kinh doanh ở các quốc gia phát triển để có thể vận dụng vào thực tiễn.
Hơn nữa, sinh viên được tăng cường thêm về tiếng Anh, được rèn luyện các kỹ năng cần thiết, có thể giải quyết nhanh chóng và hiệu quả công việc với tư duy logic, sáng tạo, thích ứng nhanh với môi trường công việc trong nước và quốc tế luôn có nhiều biến động.
Sẽ không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo
Tiến sĩ Lê Trường Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM khẳng định: “Với uy tín và giá trị thương hiệu đã được định vị của Trường ĐH Luật TP.HCM, chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển và không ngừng nâng cao chất lượng các chương trình đào tạo, đặc biệt là các chương trình đào tạo chất lượng cao, đào tạo quốc tế để cung ứng nguồn nhân lực chất lượng, tài năng cho thị trường lao động đang không ngừng phát triển của đất nước”.