Thu nhập bao nhiêu tiền một tháng thì có thể sử dụng ôtô?

Thu nhập bao nhiêu tiền một tháng thì có thể sử dụng ôtô? ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: save.ca)

Khảo sát thực tế của Autocar Vietnam cho thấy rằng chỉ cần mỗi tháng bạn tiết kiệm được khoảng trên 4 triệu VND/tháng (dành riêng cho xe) là đã có thể “nuôi” một chiếc ôtô rồi, vấn đề là xe nào mà thôi.
Vậy thực tế là những người sử dụng ôtô đang phải chịu những khoản chi phí gì? Và với khả năng tiết kiệm của mình thì bạn sẽ chọn “nuôi” dòng xe nào?
Câu chuyện về việc chọn nhầm xe
Anh Nguyễn Hải Bằng công tác tại một tập đoàn truyền thông nổi tiếng tại Hà Nội với khả năng tiết kiệm khoảng 10 triệu VND/tháng (sau khi đã trừ hết các khoản chi tiêu của gia đình).
Ba năm trước, anh đã quyết định dồn hết số tiền tích lũy bao nhiêu năm để mua một chiếc BMW X5 đã qua sử dụng do một người quen bán lại với giá 800 triệu VND.
Anh vô cùng hãnh diện, bởi mình được sở hữu một chiếc xe danh tiếng được nhiều cầu thủ bóng đá thế giới ưa chuộng, với giá bán của mẫu tương tự đời mới lên tới hơn 3 tỷ VND.
Nhưng hạnh phúc chẳng tày gang, chỉ sau hơn 1 tháng, hệ thống phanh báo lỗi. Mang đến gara để kiểm tra toàn bộ, anh thật sự choáng váng khi cầm phiếu báo giá.
Chỉ riêng bộ má phanh trước đã hơn 8 triệu VND, và bộ lốp cũng đã mòn chạm vạch chỉ báo, hỏi ra mới biết thay bộ lốp 4 chiếc cũng mất hơn 30 triệu VND, đồng nghĩa với việc anh sẽ phải tiết kiệm 4 tháng nữa mới đủ để thay thế riêng hai mục phụ tùng này, trong khi còn một số hạng mục khác với những con số mà anh không thể nghĩ tới.
Kết cục cho chiếc xế hộp đỉnh cao là bị ông chủ chia tay vội vã. Và đây cũng chỉ là một ví dụ tiêu biểu về trường hợp mua xe không phù hợp với thu nhập.
Chi phí sở hữu và sử dụng ôtô
Để được sở hữu và lưu hành một chiếc xe ôtô mới dưới 10 chỗ ngồi không kinh doanh vận tải, người mua xe hiện nay sẽ phải nộp phí trước bạ 10% – 15% (tùy địa phương), phí đăng ký và cấp biển số (khoảng 20 triệu đồng), bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe ôtô (1 lần/năm, khoảng 380.000 đồng), lệ phí đăng kiểm định kỳ (tùy đời xe), phí bảo trì đường bộ (1 lần/năm, hiện tại là 1,56 triệu đồng).
Ngoài ra, để đề phòng những trường hợp rủi ro, người sở hữu xe ôtô còn có thể mua các gói bảo hiểm tự nguyện như bảo hiểm thân vỏ, bảo hiểm thủy kích, bảo hiểm mất cắp toàn bộ, bảo hiểm mất cắp bộ phận xe,…
Trong quá trình sử dụng, các loại chi phí cho chiếc xe gồm có chi phí nhiên liệu, chi phí bảo dưỡng định kỳ, chi phí gửi xe hằng tháng hoặc hằng ngày, chi phí sửa chữa phụ tùng hỏng hóc sau khi hết bảo hành,…
Với giá nhiên liệu ở mức cao như hiện nay, mức tiêu thụ nhiên liệu sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chi phí sử dụng một chiếc ôtô. Còn chi phí bảo dưỡng và sửa chữa sẽ tùy thuộc thương hiệu, dòng xe, đời xe và thậm chí là từng chi tiết phụ tùng.
Các chuyên gia trong lĩnh vực này cho biết rằng chi phí phụ tùng thông thường tỷ lệ thuận với đẳng cấp của xe và giá xe mới do nhà sản xuất công bố, nên những chiếc xe phổ thông giá rẻ cũng thường có chi phí bảo dưỡng và sửa chữa thấp, và ngược lại.
Cũng có những trường hợp ngoại lệ, nghĩa là xe phổ thông nhưng chi phí sửa chữa cao, và xe cao cấp nhưng chi phí sửa chữa lại thấp, nhưng các trường hợp này không phổ biến.
Lịch bảo dưỡng định kỳ sẽ căn cứ trên đồng hồ và điều kiện sử dụng. Hầu hết các nhà sản xuất khuyến cáo khoảng 8.000 – 10.000km thì thay dầu một lần. Tuy nhiên, chủ xe cần căn cứ vào điều kiện sử dụng của mình mà điều chỉnh giảm xuống, chẳng hạn nếu thường xuyên đi trong thành phố, tắc đường liên tục thì có thể chỉ 5.000km đã phải thay dầu.
Cứ hai lần thay dầu thì một lần thay lọc dầu (một số hãng thì khuyến cáo nên thay lọc dầu mỗi lần thay dầu).
Để một chiếc xe luôn trong điều kiện tốt nhất, các nhà sản xuất cũng đưa ra các gói bảo dưỡng theo mức độ sử dụng xe.
Sau khoảng 20.000km hoặc 60.000km thì xe cần được bảo dưỡng cấp 1 (với phụ tùng thay mới gồm dầu động cơ, lọc dầu, lọc gió điều hòa). Sau khoảng 40.000km hoặc 80.000km, chiếc xe cần được bảo dưỡng tổng thể cấp 2 với vài chục hạng mục công việc, trong đó phụ tùng thay mới gồm tất cả các loại dầu (như dầu động cơ, dầu hộp số, dầu cầu, dầu phanh, dầu côn, dầu trợ lực lái), lọc dầu động cơ, lọc nhiên liệu, lọc gió động cơ, lọc gió điều hòa và thay nước làm mát.
Về các chi phí khác, sau khoảng 30.000km (tùy điều kiện sử dụng), má phanh đã có thể phải thay, sau 40.000 – 50.000km có thể phải thay toàn bộ lốp (không kể các trường hợp bất thường như nổ lốp, thủng lốp, rách lốp,…)./.

Theo AUTOCARVIETNAM/VIETNAM+

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm