4 'nỗi khổ' khi đi xe sang tại Việt Nam

1. “Sểnh” ra là mất đồ

Xe xịn, đồng nghĩa với đắt tiền. Đắt từ đầu chí cuối, từ cái đèn chiếu hậu, đôi gương hai bên. Chiếc ôtô của bạn trở thành “miếng mồi ngon” di động mà các tên trộm đều có thể ngó tới.

autodaily-sieuxe-(2)-2.jpgMột chiếc siêu xe đỗ trên phố luôn khiến chủ nhân phải lo ngay ngáy

Chỉ đôi chút sao nhãng, vào nhà lấy cái áo, quay ra chiếc gương, cái logo xe đã không cánh mà bay.

2. Thiếu phụ tùng thay thế

Chỉ cần một vết xước nhỏ cũng đủ để bạn đưa xe vào gara, kiểm tra màu sơn gốc, chế biến pha trộn để tìm được màu sơn đó, cũng đã rất mất công rồi, chưa kể đến những hỏng hóc nghiêm trọng hơn.

Dẫu biết đi xe xịn cũng còn gặp nhiều khó khăn là vậy, thế nhưng các thế hệ “siêu xe” cập cảng Việt Nam không vì thế mà giảm đi. Các chủ xe vẫn thường bảo nhau đã chơi là phải chơi xe thật “xịn” đừng chơi xe nửa vời. Cho bõ với những vất vả mà mình sẽ phải đối mặt sau này.

Khổ này nối tiếp khổ khác. Vì là xe độc, nên phụ tùng thay thế đi kèm cũng là của độc. Các đại lý gara chả nơi nào sẵn có. Các khổ chủ chỉ còn biết đặt hàng từ nước ngoài nhờ chuyển về rồi thay. Tiền phụ tùng đắt là một chuyện, nhưng thiệt hại hơn là xe mà thiếu gương thì không thể đi được. Thế là đành phải cất xe trong nhờ hai tuần cho có đồ thay thế mới lấy ra đi.

Đấy là còn may. Đồ chuyển về lắp một lần được ngay. Chứ không ít trường hợp dở khóc dở cười, vì là hàng hiếm, nên các anh thợ nhà ta không biết lắp, lớ ngớ thế nào lại làm hỏng. Thế là xong, chả biết lúc này nên phải làm sao? “Chả nhẽ bán quách ôtô đi xe buýt cho rồi”.

3. “Nghiến răng” đi bảo dưỡng

Chủ sở hữu của xe đắt tiền, thì chắc chắn phải nhiều tiền, xe càng đắt thì lại càng chăm chút. Nắm bắt được tâm lý đó của các chủ xe không ít các chủ gara đã bắt chẹt, lấy giá cắt cổ. Chỉ thay dầu đơn thuần cũng lên đến tiền triệu.

0031409-33-421.jpgChuyện bảo dưỡng xe sang ở Việt Nam cũng là vấn đề khiến chủ nhân đau đầu

Chính vì vậy, trước khi mua xe, các chủ xe thường phải kết thân với một gara nào đó, để mỗi lần sửa chửa, bảo dưỡng, mang tới là xe của mình sẽ dành được sự ưu tiên chăm sóc đặc biệt hơn so với những người khác. Có như vậy, mới có thể yên tâm mỗi lần đi bảo dưỡng, xe sẽ chỉ tốt hơn chứ không xấu đi (trong trường hợp các gara ăn trộm đồ của xe thay vào đồ dởm).

4. “Mối nguy” từ đường phố Việt

Phải công nhận một điều rằng ý thức chấp hành luật lệ giao thông của người Việt ta còn thấp, cộng thêm phương tiện giao thông đa dạng. Ô tô, xe buýt, xe máy, xe đạp có đủ cả, nên dễ xảy ra tình trạng xe nhỏ chen vào giữa hai xe lớn lúc gặp tắc.

Đường xá cũng không phải là điều kiện tốt để ôtô đi lại. Nhiều đoạn đường hẹp mà lưu lượng người qua lại thì đông đặc biệt là vào giờ tan tầm. Nên chiếc xế xịn của bạn khó tránh khỏi việc va chạm trên đường.

Không khó khăn gì để bắt gặp một cảnh cãi vã trên đường chỉ vì hai ôtô “chạm nhẹ” vào nhau, thậm chí có thể dẫn tới ẩu đả. Đó mới chỉ là những chiếc xe có giá tầm tầm. Việc sửa chữa sau khi va chạm là chưa nhiều mà đã vậy. Thử hỏi nếu chiếc xe hàng độc mà bị đâm rồi xước sơn thì sẽ ra sao? Các chủ xe sẽ còn phản ứng tới mức độ nào?

Theo Anh Đức (TTTĐ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm