Riêng các chiến sĩ biên phòng phải đối đầu với cuộc chiến mới, ngăn chặn kẻ xấu biến vùng này thành vùng trung chuyển thuốc phiện về xuôi.
Biết tôi có ý định về Mường Lát, người bạn tôi bảo rằng không nên đi vào mùa này, chỉ cần một cơn mưa rừng đã không thể di chuyển được. Hơn nữa, mùa này vùng cực tây Thanh Hóa rất nguy hiểm bởi tình trạng sạt lở đất diễn ra thường xuyên, nếu sơ xẩy có thể bị vùi lấp, thậm chí người và xe lao xuống sông Mã như chơi.
Từ TP Thanh Hóa, chúng tôi ngược theo quốc lộ 45 về thị trấn Hồi Xuân, sau đó đi theo quốc lộ 15A đi Hiền Kiệt (Quan Hóa). Dọc hai bên đường là những ngôi nhà xiêu vẹo, chênh vênh giữa núi rừng trầm mặc. Hiền Kiệt vẫn còn hai bản là bản Cháo, bản Ho chưa có điện sáng, chưa có đường đi lại và sóng truyền hình. So với đồng bào ở Mường Lát thì cái nghèo, cái khổ nơi này chưa thấm vào đâu. Mặc dù được Nhà nước đầu tư ưu đãi hàng ngàn tỉ đồng nhưng nơi đây vẫn chưa thể thoát khỏi nghèo đói, lạc hậu.
Gian nan chống thuốc phiện
Khoảng năm 1985, đồng bào Mông ở phía Bắc bắt đầu di dân theo đường biên tìm về Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa, với khoảng 196 km đường biên giới giáp tỉnh Hủa Phăn của nước bạn Lào. Người Mông sống chủ yếu trên núi cao, đường đi lại cực kỳ khó khăn bởi nếu mở một con đường tạm đi được cũng phải mất tới hàng trăm tỉ đồng.
Một góc trung tâm xã Pù Nhi từng được cho là “thủ phủ thuốc phiện”.
Ông Lương Văn Xích, Chủ tịch UBND xã Pù Nhi, cho biết khoảng đầu năm 1993, ở vùng đất này vẫn còn hàng ngàn hecta rừng bị phá để trồng thuốc phiện. Người ta trồng thuốc phiện bạt ngàn như trồng ngô, trồng lúa nên vùng này gọi là “thủ phủ thuốc phiện”.
Anh Hà Văn Tho, người đi cùng để phiên dịch tiếng Mông cho chúng tôi, thổ lộ trước đây anh từng theo cha mẹ và anh em đi trồng thuốc phiện. Cứ mỗi năm, từ người già đến trẻ nhỏ lại dắt díu nhau vào rừng phá rẫy. Vào đầu tháng 2, tháng 3 âm lịch, đồng bào sẽ đi thu hoạch nhựa từ quả thuốc phiện, sau đó đổ vào bát nhỏ phơi dưới trời nắng 3-4 ngày cho nhựa khô cứng và bán cho con buôn. Lúc này, tư thương từ khắp nơi lặn lội về đến tận rẫy của bà con để mua thuốc, gom hàng mang đi nơi khác bán. Người Mông trong quá khứ từng có câu nói: “Không biết trồng cây thuốc phiện, hút thuốc phiện thì không phải trai Mông”.
Năm 1993, để giúp đồng bào thoát khỏi nghèo đói, Nhà nước ra chỉ thị phá bỏ cây thuốc phiện. Cuộc chiến với thuốc phiện diễn ra rất gian nan. Ông Lương Văn Xích nhắc lại lời của nguyên Chủ tịch UBND xã Pù Nhi lúc bấy giờ là anh Thao Văn Lênh: “Với tôi, cuộc chiến dẹp bỏ cây thuốc phiện mất nhiều công sức, sức khỏe hơn cả những năm tháng chiến đấu với giặc Mỹ, không làm không được, không thuyết phục được đồng bào bỏ trồng cây thuốc phiện thì mình có lỗi với đồng bào, dân tộc mình, vì thế cứ phải kiên quyết làm đến cùng”. Ông Xích bảo lúc đó mình đang còn nhỏ nhưng khi nghe cán bộ khuyên bỏ cây thuốc phiện thì mới no cái bụng được, vậy mà dần dà đồng bào đã dần từ bỏ thói quen trồng cây thuốc phiện.
Nói là vậy nhưng đến năm 2000, một số đồng bào vẫn lén lút trồng cây anh túc để sử dụng. Hiện tại trong vùng không còn ai trồng nhưng người ta đồn rằng vẫn còn vài người đi trồng thuốc phiện ở những nơi xa vài ngày đường bằng đường mòn và trên núi cao. Theo ông Xích, đến nay nhiều bà con đã có xe máy đi, biết trồng ngô sắn, đưa con đến trường. Bên cạnh đó, việc đầu tư, mở rộng đường và cây cầu mới bắc nối giữa quốc lộ 15A với các bản trong xã sẽ là cơ hội đưa đồng bào thoát nghèo.
Cụ Hơ Chá Rế gần 60 năm sống mòn vì thuốc phiện đen. Ảnh trong bài: ĐẶNG TRUNG
Thuốc phiện và sống mòn
Ở vùng đất Pù Nhi, việc trồng thuốc phiện đã từng là tập quán của người Mông. Trong tất cả lễ hội đình đám, nếu không có thuốc phiện thì như thiếu một nửa cuộc vui. Dù vùng đất Pù Nhi đã thực sự bỏ cây thuốc phiện, từ bỏ cái phong tục lạ kỳ nhưng đến nay, trên địa bàn xã còn khoảng 30 đối tượng nghiện hút (thống kê của xã). Tuy nhiên, ông Xích lý giải đây chỉ là con số được báo cáo lên xã để theo dõi, còn thực tế số người nghiện trên địa bàn cũng khó để nắm được chính xác là bao nhiêu.
Đến bản Cơm, chúng tôi tới nhà cụ Hơ Chá Rế (75 tuổi) - người còn sót lại trong số nhiều người đã sử dụng thuốc phiện như một thói quen khó bỏ. Căn nhà cụ Rế tuềnh toàng, lụp xụp nằm ở nơi cao nhất của bản. Trong nhà không có tài sản nào quý giá ngoài vài cái nồi đen như than và một cái bếp đặt ngay giữa nhà. Phía góc nhà, cụ Rế nằm bất động, chân co tận đầu chỉ còn lại da bọc xương, phải gọi vài lần mới sực tỉnh dậy. Theo anh Chính (trưởng bản), có lẽ cụ mới dùng thuốc xong.
Cụ Rế kể ngày trước già làng, trưởng bản xem thuốc phiện như một dược liệu quý, trong tất cả hoạt động như cưới hỏi, đình đám, ma chay, khi có khách quý đều mang thuốc phiện đen ra mời. Thường thì mỗi người hút ba lần, sau đó mới bắt đầu bàn công việc hệ trọng. Ngoài ra, thuốc phiện còn được xem như một loại thuốc quý chữa các bệnh về đau bụng, rắn cắn… Nhưng chính thuốc phiện đã khiến không ít người rơi vào cảnh khốn cùng. Bản thân cụ Rế nghiện nặng đến mức mỗi ngày phải sử dụng từ bảy đến tám lần. Gần 60 năm sống chung với thuốc phiện, cụ Rế bảo rằng ăn cũng nghĩ đến, ngủ cũng mơ thấy, tỉnh dậy là nhớ, cả ngày như thế không làm được việc gì ngoài nằm hít thuốc.
Đi về phía đầu giường, sau những lớp quần áo được quấn to như quả bóng, cụ Rế bất ngờ lấy ra một chiếc chén nhỏ với hơn phân nửa chén là thuốc phiện đen cô đặc đưa khoe với chúng tôi. Cụ Rế bảo: “Ở đất này chỉ có ta có thôi, không ai có đâu”. “Cụ trồng được à?”. “Không, ta… qua Lào mua!”. “Cụ yếu thế sao đi được?”. “Ờ, vợ ta đi mua”. Tôi không tin câu trả lời của cụ cho lắm. Nhưng một cán bộ đi cùng bảo rằng ở đây hiện không còn phát hiện đồng bào trồng cây thuốc phiện nữa, nếu có trồng lén lút thì ở đâu đó rất xa, thường phải cả chục kilomet đường rừng hoặc sát biên giới Việt-Lào khiến cán bộ rất khó phát hiện vì “họ đi đêm, về đêm”.
Mở đường để cai nghiện Súng trở thành niềm tự hào của thanh niên trong xã Pù Nhi sau khi tự cai nghiện thành công bằng một phương pháp kỳ lạ, không giống ai. Tuổi thơ Chá Văn Súng là những ngày băng rừng lội suối theo cha vào rừng săn bắn hái lượm từ khi biết chạy, biết nói. Sau một lần bị ngã nặng xuống vách núi, thấy con đau đớn, người cha quyết định cho con uống thuốc đen để giảm cơn đau và Súng thành nô lệ của thuốc phiện. Đời Súng cứ thế trôi bồng bềnh như những lớp sương mây mù không có điểm dừng cho đến khi thấy con cái nghèo đói, bệnh tật quá khổ sở mà quyết tâm cai nghiện. Súng kể: “Khi bắt đầu công việc mở đường để cai nghiện, tôi gặp rất nhiều khó khăn, nhà có mấy cây cuốc đều bị hư hết, thậm chí đến cơm ăn cũng thiếu. Có lần lên cơn thèm thuốc, bụng đói meo, tôi đến nhà dân bản xin cơm và mượn luôn công cụ đi phá đường từ giữa buổi sáng đến tận khuya mới trở về nhà”. Sau gần ba năm, Súng đã ngắt được cơn nghiện và mở được gần 6 km đường. Anh Chá Chá Pó, Trưởng bản Hua Pù, cho biết anh Súng đã mở hai con đường từ Hua Pù đi bản Cá Nọi và đi Tén Tằn. Trong quá trình mở đường gặp tảng đá quá lớn, Súng chạy về gọi bà con trong bản đến di chuyển đá đi. Lúc đầu, ai cũng nghĩ Súng bị hâm, bị khùng mới làm như thế. Nhưng khi đường mở xong thì ai cũng mừng vì bà con có thể sử dụng xe máy xuôi ngược về chợ xã buôn bán ngô lúa, gà lợn. Trước đây, bà con đi chợ phải mất cả ngày mới về tới nhà thì bây giờ có thể đi về trong buổi. |
ĐẶNG TRUNG
Bài 2: HIV ở Sài Khao