‘Thủ phủ’ tôm hùm miền Trung điêu đứng

Những ngày qua, cứ sáng sớm, nhiều người dân khu phố Phước Lý, phường Xuân Yên, thị xã Sông Cầu lại ra bãi biển, thẫn thờ nhìn ra vịnh Xuân Đài - nơi được mệnh danh là thủ phủ tôm hùm của miền Trung. Cả một vùng vịnh rộng lớn vốn dày đặc lồng bè nuôi tôm hùm giờ tan hoang, xơ xác.

Qua một đêm mất 3 tỉ, dân đổ bệnh

Trước đây, bãi biển ở khu phố Phước Lý luôn nhộn nhịp người ra vào cho tôm ăn, thương lái đến hỏi mua, giờ chỉ còn những khuôn mặt lo âu, mệt mỏi. “Nhớ tôm quá, xót xa quá thì ra thăm bè chứ đâu còn gì ngoài đó!”. Vừa đi xuồng vào bờ, ông Trần Văn Thuận (ngụ khu phố Phước Lý) nói nghẹn ngào. Gia đình ông Thuận nuôi 180 lồng với hơn 30.000 con tôm hùm đang chuẩn bị kêu thương lái đến bán, giờ gom hết lại còn chưa được 700 con đưa ra vùng nước xa gửi cho người khác. Chỉ sau một đêm, gia đình ông Thuận mất trắng trên 3 tỉ đồng. Không chỉ mất sạch toàn bộ vốn liếng tích lũy hàng chục năm nay, gia đình ông Thuận còn nợ mấy trăm triệu đồng tiền thức ăn cho tôm. Quá đau đớn, hoảng loạn, vợ ông Thuận đổ bệnh mấy ngày nay.

Chậm rãi gỡ từng mảnh vỏ ốc chết dính dày đặc trên chiếc lồng nằm chỏng chơ trên bờ, bà Lê Thị Loan (ngụ khu phố Phước Lý) nói với giọng chán nản: “Giờ cả nhà tôi không biết làm gì, không biết lấy tiền đâu để trả nợ. Nằm lên nằm xuống thì cứ suy nghĩ lung tung nên ra bãi biển ngồi gỡ mấy cái lồng nhưng cũng không biết gỡ để làm gì!”. Sáng sớm cách đây mấy ngày, chồng bà Loan ra thăm bè thì hơn 20.000 con tôm hùm của gia đình nuôi bỗng dưng chết sạch. Vừa khóc chồng bà Loan vừa vội vàng vớt tôm lên, chạy hỏi khắp nơi nhưng không có người mua. Sau khi bán đổ bán tháo, gia đình mất trắng 1,3 tỉ đồng. Ngoài 600 triệu đồng vay ngân hàng và của người thân góp vốn, vợ chồng bà Loan còn nợ mấy triệu đồng tiền thức ăn cho tôm mua cả năm nay, định đến khi bán tôm sẽ trả.

Từ ngày tôm hùm chết hàng loạt, cả khu phố Phước Lý - nơi vốn rất sầm uất với nhiều gia đình giàu có - đã chìm trong bầu không khí u uất của đại họa. Ông Nguyễn Văn Sáng (ngụ khu phố Phước Lý) cho hay chỉ riêng bà con dòng họ của ông chưa đến 10 hộ mà đã thiệt hại hơn 20 tỉ đồng.

Không ít gia đình đang nợ hàng tỉ đồng. Bà Lê Thị Loan cho biết nhiều phụ nữ ở địa phương đã đổ bệnh, nhập viện vì quá đau xót, lo lắng.

Theo ông Nguyễn Văn Thi, Chủ tịch UBND phường Xuân Yên, trong 337 hộ ở địa phương này bị thiệt hại do tôm hùm chết, có đến gần 80% số hộ bị mất trắng. Trong tổng số hộ bị thiệt hại ở phường Xuân Yên, riêng khu phố Phước Lý chiếm đến trên 70%. Ông Phạm Kiên, Chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu, nhận định: “Chưa bao giờ người nuôi tôm hùm ở vịnh Xuân Đài bị thiệt hại nặng nề như hiện nay. Rất nhiều hộ trắng tay sẽ trở thành hộ nghèo hoặc tái nghèo. Không chỉ mất tôm, hàng ngàn người đang mất việc làm”.

Khi nói về thiệt hại do tôm hùm chết ở vịnh Xuân Đài, ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, khái quát: “Thiệt hại quá khủng khiếp!”.

Người dân ở “thủ phủ” tôm hùm điêu đứng vì tôm hùm đến kỳ thu hoạch bị chết hàng loạt. Ảnh: NC

Gia đình ông Nguyễn Văn Hải (ngụ khu phố Phước Lý, phường Xuân Yên, thị xã Sông Cầu, Phú Yên) kéo những chiếc lồng trống trơn vô bờ. Ảnh: TẤN LỘC

Đến giờ vẫn chưa rõ nguyên nhân?

Trước đó, sau khi tôm hùm chết hàng loạt, nhiều ngày liền hàng trăm người dân bức xúc tập trung tại nhà máy chế biến thủy hải sản của Công ty TNHH Nguyễn Hưng (gọi tắt là Nhà máy Nguyễn Hưng) yêu cầu phải bồi thường vì cho rằng nhà máy xả thải chưa qua xử lý ra môi trường làm tôm chết.

Tại cuộc họp báo về tình hình tôm hùm chết ở vịnh Xuân Đài do UBND tỉnh Phú Yên tổ chức ngày 2-6, bà Lê Đào An Xuân, Phó Giám đốc Sở TN&MT, cho biết kết quả kiểm tra cho thấy từ cuối tháng 3-2017 hệ thống xử lý nước thải của Nhà máy Nguyễn Hưng bị hỏng, cụ thể là hồ xử lý nước thải bị nứt. “Doanh nghiệp này đã tự thay đổi hệ thống xử lý nhưng chưa thông báo và không được sự chấp thuận của cơ quan chức năng. Cụ thể là thay vì xử lý tại chỗ, Nhà máy Nguyễn Hưng chuyển nước thải đến xử lý tại một cơ sở khác nhưng không báo cáo cơ quan chức năng. Trong khi đó, theo quy định, bất cứ sự thay đổi nào về môi trường, xử lý nước thải thì doanh nghiệp phải báo cáo cho cơ quan nhà nước” - bà Xuân nói.

Ông Võ Văn Vân, cán bộ quản lý phòng máy và xử lý môi trường Công ty Nguyễn Hưng, cho rằng khoảng hai tháng nay do khắc phục bể khử trùng, bể lắng và nâng cấp hệ thống xử lý nước thải của nhà máy nên chỉ xử lý nước thải công đoạn đầu. Sau đó công ty dùng xe bồn vận chuyển lượng nước thải này đến nhà máy bột cá Phú Bình (cũng là cơ sở sản xuất của Công ty TNHH Nguyễn Hưng, ở xã Xuân Cảnh, thị xã Sông Cầu) để tiếp tục xử lý.

Trong khi đó, trong một lần trả lời báo chí, bà Nguyễn Thị Hoa, Phó Giám đốc Công ty Nguyễn Hưng, cho biết hệ thống xử lý nước thải của Nhà máy Nguyễn Hưng có công suất 80 m3/ngày. Bà Hoa thừa nhận công ty chưa báo cáo các cơ quan chức năng việc vận chuyển nước thải từ xã Xuân Phương đến xử lý tại xã Xuân Cảnh. “Việc tôm, cá ở vịnh Xuân Đài bị chết trong thời gian qua đã có cơ quan chức năng kết luận. Vấn đề bà con nghi ngờ nhà máy xả thải ra môi trường, cơ quan chức năng cần vào cuộc làm rõ. Nếu kết luận công ty vi phạm, chúng tôi chấp nhận bị xử lý theo quy định” - ông Nguyễn Hưng Hòa, Giám đốc Công ty TNHH Nguyễn Hưng, nói trên báo Phú Yên.

Ông Phạm Kiên cho biết thêm từ khi người dân tập trung phản ứng, UBND thị xã Sông Cầu đã yêu cầu Nhà máy Nguyễn Hưng tạm ngừng hoạt động để chờ kết luận của các cơ quan chức năng. Theo ông Trần Hữu Thế, nhiều cơ quan đã lấy mẫu nhiều nơi khác nhau, trong đó có khu vực Nhà máy Nguyễn Hưng cùng các nguồn xả thải khác để kiểm nghiệm, xác định nguyên nhân tôm hùm chết.

Trao đổi với PV chiều 7-6, ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Phú Yên, cho biết hiện vẫn chưa xác định được nguyên nhân tôm hùm chết hàng loạt do chưa có kết quả kiểm nghiệm, kết luận từ các đoàn kiểm tra, trong đó có các bộ NN&PTNT, TN&MT. “Để kiểm tra kỹ thêm một số chỉ tiêu nên phải gửi mẫu đến các trung tâm kiểm nghiệm đủ năng lực để làm. Do đó phải 7-10 ngày sau khi gửi mẫu mới có kết quả được” - ông Phương nói.

Tôm chết quá đột ngột

Hầu hết người nuôi tôm hùm ở phường Xuân Yên, xã Xuân Phương (thị xã Sông Cầu) đều nói rằng chưa bao giờ loài hải sản này bị chết quá đột ngột với số lượng quá khủng khiếp như vừa qua. Ông Nguyễn Văn Sáng nói: “Ngày hôm trước tôm còn ăn bình thường. Sáng hôm sau tôm bỗng chết kín lồng. Những năm trước, khi có dịch bệnh, tôm còn có triệu chứng, chúng tôi còn kịp có biện pháp xử lý. Còn lần này tôm hầu như không có triệu chứng gì nên không ai kịp trở tay”. Ông Trần Văn Thuận nói thêm: “Những năm trước, thỉnh thoảng tôm hùm cũng bị chết do dịch bệnh, nhất là bệnh sữa. Tuy nhiên, chưa bao giờ tôm bị sạch lồng chỉ trong thời gian rất ngắn như vừa rồi”.

Môi trường nước bị ô nhiễm trầm trọng

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Tri Phương, kết quả quan trắc, phân tích môi trường nước vùng nuôi tôm vịnh Xuân Đài từ ngày 11 đến 26-5 có nhiều chỉ tiêu vượt ngưỡng cho phép đối với môi trường nuôi thủy sản. Cụ thể, nước có mùi hôi tanh, màu chuyển sang nâu không bình thường, độ trong thấp, hàm lượng ôxy hòa tan rất thấp, nhiệt độ nước cao, hàm lượng PO4-P vượt ngưỡng cho phép, hàm lượng chất hữu cơ trong mẫu trầm tích cao, mật độ vi khuẩn Vibrio vượt giá trị giới hạn cho phép…

Một lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh Phú Yên khẳng định kết quả phân tích này cho thấy môi trường nước vịnh Xuân Đài bị ô nhiễm trầm trọng, rất bất lợi đối với nuôi thủy sản. Còn vì sao môi trường nước bị ô nhiễm phải chờ xác định của cơ quan môi trường.

____________________________

1,4 triệu, đó là số tôm hùm chết trong hai tuần qua.  Theo thống kê của Trạm Chăn nuôi-Thú y Sông Cầu đến chiều 6-6 (tôm bắt đầu chết từ ngày 25-5), đã có đến hơn 1,4 triệu con tôm hùm nuôi chuẩn bị thu hoạch ở vịnh Xuân Đài của 690 hộ bị chết. Hiện chưa thể thống kê giá trị thiệt hại do người nuôi tôm hùm chưa báo cáo hết, các cơ quan chức năng vẫn đang tiếp tục thống kê, điều tra.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới