Tại Phòng săn sóc đặc biệt, Khoa tim mạch, BV Nhi đồng 1 (TP.HCM), ở một góc phòng, người phụ nữ trẻ đang chăm chú cho một bé gái bú bình sữa. Khi bình sữa sắp cạn, bé gái nhăn mặt tỏ ý không muốn bú nữa, xem chừng đã no.
Ngưng tim để… sửa chữa
Nhìn bé gái bé xíu, không ai nghĩ bé vừa trải qua ca mổ tim lớn cách đây chỉ sáu ngày. Bé bất đắc dĩ trở thành ca bệnh nhi nhỏ nhất được phẫu thuật tim hở đóng lỗ thông liên thất tại BV Nhi đồng 1 khi cân nặng của bé chỉ vỏn vẹn 1,6 kg.
Bé là một trong hai bé gái song sinh của vợ chồng anh Trần Đại Cương (25 tuổi) và chị Lê Ngọc Anh Thư (18 tuổi, ngụ huyện Gò Công, Tiền Giang), được sinh non khi chỉ 30 tuần tuổi tại BV Từ Dũ. Khi sinh bé chỉ cân nặng 1 kg. Đến ngày thứ 13, bé được phát hiện có dị tật ống động mạch lớn 6 mm (PDA) và lỗ thông liên thất lớn 7 mm (VSD), hai dị tật nặng nề có thể gây suy hô hấp, suy tim, tử vong. Bé được chuyển về BV Nhi đồng 1 điều trị cột ống động mạch vào lúc 37 ngày tuổi, khi đạt được cân nặng 1,3 kg, chờ đủ sức để phẫu thuật đóng lỗ thông liên thất.
Trực tiếp tham gia ca phẫu thuật tim cho bệnh nhi, BS Nguyễn Đức Tuấn, Trưởng đơn vị phẫu thuật tim, cho hay: Thông thường trẻ sẽ được cho xuất viện và bổ sung dinh dưỡng, chờ đến khi cân nặng tương đối lớn thì mới phẫu thuật đóng lỗ thông liên thất. Nhưng tình trạng của bé không thể chờ lâu thêm được vì bé bị viêm phổi, nhiễm trùng huyết, suy tim không cải thiện. Đặc biệt, cho bé về nhà thì bắt buộc bé phải sử dụng thuốc chống suy tim, rất dễ gây ngộ độc và đẩy bé vào chỗ chết.
Do đó, các bác sĩ đã hội chẩn đánh giá tình trạng của bé cần phải phẫu thuật ngay, dù biết ca phẫu thuật khó khăn. Tuy nhiên, bằng kinh nghiệm nhiều năm phẫu thuật tim hở trên trẻ nhẹ cân, các bác sĩ tự tin có thể kiểm soát ca mổ.
Ca phẫu thuật thành công là kết quả phối hợp nhịp nhàng của êkíp phẫu thuật, chạy tuần hoàn ngoài cơ thể và hồi sức ngoại sau phẫu thuật. “Lồng ngực em bé chỉ gấp rưỡi cổ tay người lớn; trái tim thì còn nhỏ hơn, chỉ gấp đôi ngón tay cái. Trong lúc sửa chữa trái tim cho bé, bắt buộc trái tim của bé phải ngưng đập và nối với hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể chằng chịt làm chức năng thay trái tim. Do đó, việc bộc lộ động mạch, chọn lựa ống nội khí quản, kiểm soát đường thở, chạy tuần hoàn ngoài cơ thể cho bé... khiến cả êkíp căng thẳng” - BS Tuấn chia sẻ.
Lồng ngực bé gái chỉ gấp đôi cổ tay người lớn. Ảnh: BVCC
Bé gái hiện sức khỏe ổn định, bú tốt. Ảnh: HL
Nhiều dự liệu rủi ro
Ngoài ra, điều làm bác sĩ phẫu thuật lo sợ nữa là thao tác trên trái tim vô cùng nhỏ bé. “Khi bộc lộ lồng ngực, mạch máu tim của bé rất mỏng manh, bóc tách lỡ rách để lại di chứng thì xem như thất bại. Cơ tim của bé cực kỳ mỏng, khâu không cẩn thận có thể xé mô tim, hoặc sau khi mổ xong rồi mà mô tim đập trong một thời gian rồi rách cũng coi như thất bại. Do đó, việc chọn chỉ khâu, vị trí đặt ống dẫn với hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể phải thuận lợi để bác sĩ phẫu thuật dễ dàng thao tác. Còn nữa là khi phẫu thuật phải cho ngưng tim nhưng lỡ khâu trúng thần kinh dẫn truyền trong tim, khi cho tim đập lại mà tim không chịu đập, đứng đờ cũng coi như thất bại. Rất may mắn là siêu âm sau phẫu thuật không thấy vị trí khâu bị xì dò” - BS Tuấn kể lại.
Vào sáng 1-7, bé cân nặng 1,7 kg, tăng được hơn 100 g sau một tuần phẫu thuật, bú được 40 ml sữa một lần, ngày bú được tám cữ trong niềm hạnh phúc của người nhà và bác sĩ. Dự kiến bé gái sẽ được xuất viện sau một tuần nữa. |
Trước đây BV Nhi đồng 1 từng phẫu thuật tim kín cho một bệnh nhi nặng 900 g nhưng lần này phẫu thuật tim hở cho bệnh nhi nặng hơn vẫn khiến các bác sĩ căng thẳng. BS Nguyễn Quý Hợp, Trưởng đơn vị chạy tuần hoàn ngoài cơ thể, cho biết phẫu thuật tim kín dành cho dị tật ở ngoài tim, không cần can thiệp bên trong nên không cần hỗ trợ tuần hoàn ngoài cơ thể thì đơn giản hơn nhiều.
Sau 3,5 giờ đồng hồ căng thẳng, ca phẫu thuật kết thúc với việc đóng hoàn chỉnh lỗ thông liên thất. 30 giờ sau phẫu thuật, bé đã cai hoàn toàn máy thở, có thể tự thở bình thường.
Hai chị em sắp được gần nhau Nhờ em gái chăm sóc con ở bệnh viện để về lo công việc, anh Cương (cha của bé gái) chia sẻ: Ba tháng qua, anh mất ăn mất ngủ vì lo sợ có chuyện không hay xảy ra với con gái. Anh Cương cho hay hai bé song sinh là con đầu lòng của anh chị. Khi mang thai, vợ anh đi khám thai vẫn nhận kết quả siêu âm bình thường và chỉ chuẩn bị tâm lý sẽ sinh non. Vợ anh nhiều lần khóc cạn nước mắt sau cánh cửa phòng mổ. “Giờ thì gia đình chúng tôi sắp được đoàn tụ, hai chị em các con tôi sắp ở gần nhau rồi” - anh Cường xúc động nói. |