Trẻ mắc bệnh tim chết mòn vì cơ chế

Trẻ mắc bệnh tim chết mòn vì cơ chế ảnh 1
Nhiều bệnh nhi khác đang sống lay lắt chờ mổ tim

Bác sĩ mổ tim... rất rảnh

Ngày 25/11, Khoa Tim mạch Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 TP.HCM không có lịch mổ. Một bác sĩ (BS) giải thích: “BV có năm BS mổ tim nhưng tất cả... đều rảnh vì hết giường hồi sức sau mổ. Đôi lúc lịch mổ đã lên nhưng đến ngày hôm sau mới biết hết giường, khiến BS rất bị động. Chuyện BS không có ca mổ diễn ra thường xuyên, dù danh sách trẻ bị tim bẩm sinh đang chờ lịch mổ của BV lên tới 2.000 ca.

Trong đó, có đến 150 trẻ sống dặt dẹo vì viêm phổi, suy tim... phải nhập viện điều trị nội trú. Bệnh nhân nghèo rất đông, chúng tôi phải đẩy họ đi đâu? Trong khi, một ca mổ tim ở BV tư từ 100 - 150 triệu đồng, còn ở BV công chỉ khoảng 40 triệu đồng (chưa tính bảo hiểm y tế thanh toán)”.

PGS-TS-BS Vũ Minh Phúc, Chủ tịch Hội Tim mạch nhi và tim bẩm sinh TP.HCM, Trưởng khoa Tim mạch, BV Nhi Đồng 1 chia sẻ: “Nhiều ca mổ tim bẩm sinh tại BV Nhi Đồng 1 không thực hiện được. Nguyên nhân do thiếu cơ chế chứ không phải thiếu tiền”. Trẻ bị tim bẩm sinh thuộc diện nghèo, cận nghèo... được Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo các tỉnh, các nhà hảo tâm và BV hỗ trợ chi phí mổ. Riêng với những trẻ không được hỗ trợ thì sau khi thanh toán bảo hiểm y tế, viện phí sau mổ tim chỉ khoảng 10 triệu đồng.

Tuy nhiên, tất cả các trường hợp này dù có tiền vẫn khó đến lượt mổ, kể cả mổ dịch vụ. “BS mổ thì có mà không có giường hồi sức sau mổ. Hiện BV Nhi Đồng 1 chỉ có năm giường hồi sức tim. Sau phẫu thuật, nếu ca nhẹ thì nằm lại một ngày, còn ca nặng phải nằm đến một tuần. Chúng tôi đã xin mở rộng khu vực hồi sức tim nhưng không được vì theo quy định, các BV nội thành không được mở rộng, không được xây thêm”, PGS-TS-BS Vũ Minh Phúc trăn trở.

Song song với việc tăng thêm giường là tăng số lượng trang thiết bị y tế. Một giường hồi sức phải có máy thở, máy bơm tim tự động, nhưng phải chờ đấu thầu tập trung tại Sở Y tế. “Chúng tôi đã báo động từ nhiều năm nay, nhưng ngành y tế bảo chờ đến khi thành lập BV Nhi Đồng 3. Và, BV mới này còn phải chờ đến bao lâu khi mỗi tháng trôi qua đã lấy đi sinh mạng của nhiều trẻ?”, BS Phúc đặt câu hỏi. Thấy con lâu đến lượt phẫu thuật, chờ hàng tháng trời, nhiều cha mẹ cứ đi theo nài nỉ BS. Còn các BS dù xót xa nhưng cũng đành “bó tay”. Nhiều trường hợp đến ngày mổ, nhân viên y tế liên hệ với gia đình thì biết bệnh nhi đã chết. Lúc đó, các BS chỉ biết xin lỗi, dù đó không phải lỗi của mình.

Tương tự, ở BV Nhi Đồng 2, mỗi ngày các BS chỉ mổ một - hai ca tim bẩm sinh vì thiếu phòng mổ, thiếu giường hồi sức... Theo ThS-BS Phan Kim Phương, Giám đốc Viện Tim TP.HCM, Viện Tim có hai phòng mổ và 15 giường hồi sức, chủ yếu mổ tim người lớn; một năm mổ cho 1.200 - 1.300 ca bệnh tim, trẻ sơ sinh chỉ có 20 ca. Trong khi đó, các BV khác chưa phẫu thuật được tim bẩm sinh vì thiếu BS mổ tim, BS sơ sinh...

Tháo “vòng kim cô” sẽ mổ được 2.000 ca/năm

Với trẻ bị tim bẩm sinh, ngoại trừ TP.HCM thì cả khu vực phía Nam chỉ có tỉnh Kiên Giang mổ được cho trẻ cân nặng trên 10kg (khoảng từ một-bốn tuổi, bệnh tim thường khiến trẻ suy dinh dưỡng). Còn các tỉnh/thành khác phải đổ dồn những ca cấp cứu về BV Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2, Viện Tim TP.HCM. Riêng ở BV Nhi Đồng 1, số bệnh nhi chờ mổ bị ách tắc khoảng 2.000 ca; trong khi mỗi ngày BV này chỉ mổ được cho một-hai ca và một năm khoảng 300 ca. Hiện BV Nhi Đồng 1 chỉ có một phòng mổ, nếu được trang bị thêm hai phòng mổ, đầy đủ giường hồi sức, các BS mổ được ba ca/ngày; mổ dịch vụ sau giờ hành chính sẽ tăng thêm ba ca/ngày. Một năm, mỗi BV có thể mổ được cho hơn 2.000 ca.

Mỗi năm, Việt Nam có thêm 10.000 trẻ bị tim bẩm sinh chào đời. Theo khảo sát của BV Nhi Đồng 1, có đến 80% bệnh nhi đến BV này mổ tim vì không đủ kinh phí sang các BV tư.

Theo các BS, nếu cơ chế chưa được tháo gỡ thì ngành y tế cũng nên tạo điều kiện cho BS được phối hợp với các BV để mổ tim, không thể vô cảm nhìn những đứa trẻ vô tội chết dần vì chờ “xếp lịch mổ”. Ở các nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Ấn Độ, Malaysia... các BV ký kết với BS theo diện hợp đồng, chứ không phải biên chế. Thời gian không làm việc, BS có thể ký hợp đồng ở BV khác để mổ cho người bệnh.

Còn tại Việt Nam, BS bị trói buộc theo giờ hành chính, dù không có việc làm vẫn được hưởng lương. Mặt khác, quy định khống chế số lượng ca mổ dịch vụ không quá 30% so với số ca mổ thường khiến số trẻ có cơ hội được phẫu thuật tim càng thêm ít ỏi. Các BS đề nghị, cần thành lập một trung tâm, viện tim chuyên về nhi khoa có đầy đủ bác sĩ gây mê, chuyên sơ sinh, chuyên nhi... để việc mổ tim không bị ách tắc như hiện nay.

Theo quyết định số 55a/2013/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ phẫu thuật tim cho trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh thì trẻ phải có thẻ BHYT, đồng thời thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo, diện hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng theo quy định pháp luật.

Trong mỗi đợt khám, phẫu thuật tim, trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh sẽ được hỗ trợ chi phí khám bệnh có liên quan đến phẫu thuật tim, chi phí phẫu thuật tim. Ngoài ra, trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh còn được hỗ trợ tiền ăn (50.000đ/trẻ em/ngày), tiền đi lại trong mỗi đợt khám, phẫu thuật tim. Nguồn kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ được lấy từ Quỹ bảo hiểm y tế; ngân sách Nhà nước; Quỹ bảo trợ trẻ em, Quỹ khám, chữa bệnh cho người nghèo; hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; các nguồn kinh phí hợp pháp khác.


 Theo Văn Thanh (Phụ nữ TPHCM)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm