Thứ trưởng Bộ Y tế: 2 tuần tới là cơ hội lớn để TP.HCM dập dịch

Chiều 16-6, trên cương vị là trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế để hỗ trợ chống dịch COVID-19 (lần hai) tại TP.HCM, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã có những đánh giá xoay quanh khả năng dập dịch của TP.HCM trong vòng hai tuần thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 và các biện pháp triển khai dập dịch của TP.HCM.

Cơ hội dập dịch lớn

Theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, hai tuần thực hiện giãn cách là thách thức nhưng cũng là cơ hội để TP.HCM khống chế dịch bệnh. “Nếu thực hiện nghiêm giãn cách và các quy định giãn cách một cách tuyệt đối là cơ hội để TP.HCM hạn chế lây lan dịch COVID-19 trong cộng đồng và đây là cơ hội tiên quyết để hoàn tất công tác khống chế dịch. Mặt khác, nếu trong hai tuần, TP không tận dụng cơ hội, vẫn để người tiếp xúc với người, không có khoảng cách, tụ tập đám đông... thì nguy cơ càng cao hơn nữa, cơ hội sẽ qua. Và TP sẽ đứng trước những thách thức rất lớn đối với việc đối phó với dịch COVID-19” - Thứ trưởng Trường Sơn nhận định.

Thứ trưởng Trường Sơn hy vọng với sự nỗ lực của chính quyền; hỗ trợ của các cơ quan, bộ, ngành; chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; cùng sự đồng lòng, quyết tâm của người dân thì hai tuần tới, TP sẽ cơ bản kiểm soát được dịch.

Người dân tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Viện Pasteur TP.HCM.
Ảnh: NGUYỆT NHI

Khoanh vùng, xét nghiệm đang đi đúng hướng

Đánh giá về tình hình khoanh vùng, dập dịch của TP.HCM, Thứ trưởng Trường Sơn cho rằng TP.HCM đang đi đúng hướng khoanh vùng, xét nghiệm ở vùng nguy cơ và mở rộng ra địa bàn khu dân cư là biện pháp mới.

Bên cạnh đó, TP.HCM cũng kết hợp nhiều biện pháp xét nghiệm như xét nghiệm nhanh chỉ mất 2-3 tiếng, xét nghiệm mẫu gộp, xét nghiệm PCR, xét nghiệm kháng thể (xem người đó đã từng mắc bệnh hay chưa), xét nghiệm tải lượng virus (khả năng lây lan của virus)... Các biện pháp này giúp TP.HCM có thể phát hiện ra F0 nhanh hơn so với trước đây, trong tình hình biến chủng virus Delta có khả năng lây nhanh.

Đối với các ổ dịch ở cộng đồng, Thứ trưởng đánh giá biện pháp truy vết sớm, khoanh vùng nhỏ từng thôn, xóm, khu nhà đang đáp ứng và chưa cần áp dụng biện pháp mạnh như Chỉ thị 16. “Với nhiều địa phương thì Chỉ thị 16 không ảnh hưởng nhiều nhưng với riêng TP.HCM, việc áp dụng Chỉ thị 16 để lại hậu quả rất lớn. Chúng ta đang làm theo hướng khoanh vùng rộng, sau đó ép nhỏ lại và làm sao để hạn chế tối đa ảnh hưởng đến đời sống người dân” - Thứ trưởng Trường Sơn nói.

Về khả năng các ca bệnh nặng tăng lên, Thứ trưởng Trường Sơn tin tưởng với kế hoạch tổ chức cơ sở vật chất thu dung điều trị người bệnh, TP hoàn toàn đáp ứng.

Thêm 423 ca mắc mới, TP.HCM 99 ca

Tối 16-6, Bộ Y tế cho biết tính từ 12 giờ đến 18 giờ ngày 16-6, có 155 ca mắc mới (BN11481-11635), gồm sáu ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh và 149 ca ghi nhận trong nước: Bắc Giang (90), TP.HCM (45), Bắc Ninh (10), Nghệ An (2), Hà Nam (1), Bắc Kạn (1). Như vậy, trong ngày 16-6 có đến 423 ca mắc COVID-19 mới. Riêng TP.HCM 99 ca, cao nhất từ trước đến nay.

HÀ PHƯỢNG 

Có thể tiêm hết 800.000 liều vaccine/tuần

Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết trong đợt dịch này, TP.HCM được Chính phủ ưu tiên về vaccine và phân bổ 800.000 liều, bên cạnh những đối tượng theo Nghị quyết 21 thì công nhân ở các khu công nghiệp, lực lượng sản xuất tạo ra của cải vật chất cho xã hội là đối tượng cần bảo vệ và ưu tiên tiêm vaccine.

Thứ trưởng hy vọng TP.HCM sớm xây dựng kế hoạch để tiếp nhận, triển khai việc tiêm vaccine và đặc biệt cho các đối tượng ưu tiên.

Thứ trưởng Trường Sơn đánh giá TP.HCM là một địa phương có năng lực tiếp nhận vaccine ở mức độ cao nhất trên cả nước. “Hiện giờ, với 800.000 liều vaccine thì Viện Pasteur TP.HCM với các kho chứa hoàn toàn có khả năng đảm nhận được việc tiếp nhận. Còn việc tổ chức tiêm chủng thì không chỉ là các đơn vị cơ sở y tế, mà chúng tôi cũng đã huy động toàn bộ lực lượng, kể cả quân đội và các trường đại học, các bệnh viện từ trung ương đến địa phương cho tới trạm y tế xã sẽ tổ chức các kíp đội để đảm bảo tiêu chí. Còn về địa điểm, chúng ta cũng đã sẵn sàng tổ chức những điểm tiêm lưu động để có thể thực hiện được chiến dịch vaccine, tiêm đủ số lượng vaccine mà Chính phủ đã phân bổ cho TP.HCM trong thời gian ngắn nhất” - Thứ trưởng Trường Sơn nêu.

Liên quan vấn đề này, GS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, cũng cho hay TP.HCM có thể xây dựng các kịch bản triển khai tiêm 200.000 mũi vaccine trong một ngày. “Với 800.000 liều thì trong vòng một tuần, TP có thể sẽ chích ngừa xong. Chúng ta nên tiêm càng sớm càng tốt” - GS Phan Trọng Lân khẳng định.

Mới đây, TP.HCM đã được Chính phủ đồng ý tự chủ nhập vaccine, Thứ trưởng Trường Sơn cho rằng các doanh nghiệp có nhu cầu hoặc ý định nhập vaccine vào Việt Nam phải tuân thủ theo quy định của pháp luật Việt Nam (bao gồm đảm bảo chất lượng vaccine, kho lưu trữ, kế hoạch tiêm chủng, đối tượng tiêm chủng). “Tôi nghĩ đây là một vấn đề nếu chúng ta giải quyết trên một địa bàn hay một TP hoặc một tỉnh thì chúng ta có thể làm được. Nhưng nếu trên địa bàn toàn quốc vẫn phải thông qua sự điều phối của Bộ Y tế là cần thiết” - Thứ trưởng Bộ Y tế nêu quan điểm.

Sẽ thí điểm cách ly F1 tại nhà

Trước vấn đề số ca F0 ở TP.HCM còn gia tăng và các khu cách ly bắt đầu quá tải khi cách ly F1, Sở Y tế đang tính toán việc cho cách ly F1 ở nhà, Thứ trưởng Bộ Y tế tán thành với ý tưởng này.

Theo Thứ trưởng Trường Sơn, trước tình hình F1 tăng cao ở TP.HCM, sắp tới cách ly tại nhà F1 sẽ được thí điểm ở một số nơi tại TP.HCM. Người cách ly tại nhà cũng phải được xét nghiệm nghiêm chỉnh. Hiện Bộ Y tế đang giao cho Cục Quản lý môi trường xây dựng tiêu chí đánh giá cơ sở cách ly tại nhà cho phù hợp. “Nếu F1 cách ly ở nhà trọ hoặc nhà ống có người đi qua đi lại thường xuyên sẽ không được” - Thứ trưởng Trường Sơn nêu ví dụ. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm