Ngày 23-2, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm "Ngành y vượt khó" nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam.
Thay mặt lãnh đạo Bộ Y tế, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên trân trọng cảm ơn và gửi lời tri ân tới tất cả thầy thuốc đã thực hiện tốt công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Đặc biệt trong công cuộc phòng, chống dịch COVID-19, cán bộ, công nhân viên chức ngành y tế đã không quản ngại khó khăn với tinh thần chống dịch như chống giặc, lấy người bệnh là trên hết, trước hết và sẵn sàng hy sinh cả tính mạng của mình để tham gia làm tốt công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân cũng như cứu sống người bệnh.
"Với tinh thần như vậy, dù đứng trước nhiều khó khăn, thách thức đặt ra trước mắt, chúng ta quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân và thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ: Lương y phải như từ mẫu", Thứ trưởng bày tỏ.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên (giữa) cùng các khách mời tại tọa đàm. Ảnh: VGP/Quang Thương |
Tham gia tọa đàm, TS. Bùi Sỹ Lợi kiến nghị Đảng và Nhà nước tiếp tục chia sẻ, quan tâm hơn nữa đối với ngành y tế. “Chúng ta cùng đồng hành, đồng lòng để giải quyết nhiệm vụ cực kỳ quan trọng là chăm sóc sức khỏe nhân dân, để đất nước chúng ta có một nền y tế vừa hiện đại, vừa nhân văn và mang đầy bản sắc dân tộc”, ông nói.
GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết ông rất vui khi Quốc hội đã thông qua Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi) có hiệu lực từ 1-1-2024. Trong nội dung có rất nhiều điểm thay đổi để có thể hướng tới hoạt động của các cơ sở y tế được tốt hơn, thông thoáng hơn, phục vụ tốt việc chăm sóc người bệnh.
"Tôi rất mong có sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan có thẩm quyền, trong đó Bộ Y tế là cơ quan chủ đạo, cùng các bộ, ngành khác để ban hành các văn bản, nghị định, thông tư để từ 1-1-2024, Luật sẽ đi vào cuộc sống. Từ đó, giúp các thầy thuốc, nhân viên y tế và cơ sở y tế trong toàn quốc có hành lang pháp lý chuẩn mực để có thể thực hiện nhiệm vụ của mình", GS.TS Trần Bình Giang cho hay.
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết, việc ban hành luật vừa rồi tiếp tục thể chế hóa kịp thời chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tăng cường bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.
Thứ hai, thể hiện tinh thần lấy người bệnh làm trung tâm trong mọi hoạt động, trong khám chữa bệnh. Trên cơ sở đó tạo điều kiện cho người bệnh tiếp xúc dịch vụ khám chữa bệnh chất lượng cao hơn và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Thứ ba là tiếp tục thực hiện xã hội hóa, đa dạng hóa các hình thức dịch vụ y tế. Vấn đề xã hội hóa trong dịch vụ y tế hết sức quan trọng để làm sao người bệnh tiếp cận một cách công bằng các dịch vụ y tế tại cơ sở y tế công lập và ngoài công lập.
Thứ tư là bảo đảm cơ chế quyền của người bệnh và gắn với trách nhiệm của cơ sở khám chữa bệnh.
Thứ năm, trong luật thể hiện được là tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh, đặc biệt bây giờ chúng ta đang thực hiện Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Tiếp theo là bảo đảm tính hợp hiến, hợp nhất và đồng bộ, khả thi, phù hợp với chuẩn mực quốc tế trong khám chữa bệnh và bảo đảm bình đẳng giới.
“Để sớm đưa Luật vào cuộc sống, tôi trân trọng đề nghị các bộ, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế để tham mưu cho Chính phủ sớm banh hành các nghị định, quy định. Với trách nhiệm phía Bộ Y tế, chúng tôi quyết tâm ban hành các thông tư hướng dẫn sớm nhất, nhanh nhất để Luật được triển khai thực hiện đồng bộ nhất từ 1-1-2024”, ông nói.