Thủ tướng Ấn Độ quyết thuyết phục Tổng thống Trump

Ngày 26-6 (giờ Mỹ), Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi có cuộc gặp trực tiếp đầu tiên với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Hãng tin CNBC nhận định cả hai nhà lãnh đạo sẽ buộc phải nỗ lực xây dựng niềm tin và thắt chặt hợp tác, bằng không Mỹ-Ấn sẽ đánh mất hàng tỉ USD.

Bảo vệ “chiếc đũa thần”

Theo CNBC, vấn đề lớn nhất mà cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Ấn lần này đối mặt sẽ là chính sách nhập cư của chính phủ Trump và chương trình thị thực việc làm H1B. Ấn Độ hiện đang là bên hưởng lợi hàng đầu từ chương trình thị thực này. New Delhi xem đây là cánh cửa để các nhân tài công nghệ thông tin nước mình bước chân vào Thung lũng Silicon và gia nhập các gã khổng lồ như Apple, Google hay Facebook.

“Chiếc đũa thần” này đang bị chủ trương “nước Mỹ trước tiên” và sáng kiến “thuê người Mỹ, mua hàng Mỹ” của Tổng thống Trump xét lại trong vòng ba tháng qua. Những thay đổi lớn đối với chương trình H1B có thể làm tổn hại đến ngành công nghiệp “xuất khẩu” nhân tài công nghệ của Ấn Độ, vốn là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước.

Để bảo vệ chương trình này, “món quà” ông Modi chuẩn bị để thuyết phục Tổng thống Trump chính là “việc làm”. Theo tiết lộ từ một quan chức cấp cao của Ấn Độ cho CNBC, ông Modi sẽ nhấn mạnh giá trị của cộng đồng gốc Ấn đối với nền kinh tế Mỹ, tạo ra gần 64.000 việc làm. Thủ tướng Ấn Độ cũng có thể sử dụng hãng công nghệ Infosys của nước mình để lấy lòng ông Trump. Hãng này mới đây đã công bố kế hoạch thuê gần 10.000 lao động Mỹ trong vòng hai năm tới.

Ông Modi từng gặt hái nhiều thành công trong chuyến công du đến Mỹ tháng 6-2016, khi Tổng thống Barack Obama còn đương chức. Ảnh: REUTERS

Để lời thuyết phục thêm nặng ký, có khả năng ông Modi sẽ bày tỏ ý định mua thêm vũ khí từ Mỹ, đặc biệt là các máy bay không người lái công nghệ cao để tuần tra tại Ấn Độ Dương. Đề xuất này có thể hấp dẫn tổng thống Mỹ vốn đang muốn đẩy mạnh xuất khẩu cho nền thương mại còn nhiều thâm hụt.

Cần thực dụng

Hai nhà lãnh đạo có nhiều điểm khá tương đồng cả trong cá tính và chính sách. Cả hai chính trị gia đều theo đuổi hình ảnh nhà lãnh đạo mạnh mẽ, đậm chủ nghĩa dân tộc và ủng hộ doanh nghiệp. Trong cuộc gặp gỡ với cộng đồng người Mỹ gốc Ấn ở Virginia ngày 25-6, ông Modi cũng nhấn mạnh lập trường cứng rắn với chủ nghĩa khủng bố: “20 năm trước, khi Ấn Độ nói về khủng bố, nhiều nước không hiểu và nói rằng đó chỉ là vấn đề nhỏ về thực thi pháp luật. Giờ đây khủng bố đã thay chúng tôi giải thích về chủ nghĩa khủng bố”.

Tuy nhiên, theo tờ The Washington Post, chuyến đi này của thủ tướng Ấn Độ vẫn ẩn chứa nhiều thử thách trước một tổng thống Mỹ quá khó lường. Ông Modi cũng cần thực dụng hơn và hướng ông Trump quan tâm trở lại mối quan hệ Mỹ-Ấn đang bị ngó lơ gần năm tháng qua.

Đó là chưa kể đến lập trường thay đổi chóng mặt của ông Trump đối với Trung Quốc - đối trọng tại châu Á của Ấn Độ. Ngày 14-5, Mỹ cũng đã cử đại diện đến dự diễn đàn về sáng kiến “Một vành đai, một con đường” tại Bắc Kinh bị New Dehli tẩy chay.

Những chỉ trích trước đó của ông Trump đối với thâm hụt thương mại Mỹ-Ấn, những lợi ích không bình đẳng của Ấn Độ trong thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, hay lao động gốc Ấn tại Mỹ báo hiệu các bất đồng đầy rủi ro.

Lãnh đạo trên mạng xã hội

Cả Thủ tướng Modi và Tổng thống Trump đều tận dụng rất tốt sức mạnh của mạng xã hội. Nếu như ông Trump đang là nhà lãnh đạo có đến 33 triệu người theo dõi trên Twitter - nhiều nhất thế giới thì ông Modi cũng không kém cạnh khi xếp ngay sau với 30 triệu người theo dõi.

__________________________

Quốc phòng là chủ đề mà Mỹ và Ấn Độ có thể tìm thấy điểm chung.

DAVID YERGIN, Phó Chủ tịch hãng phân tích năng lượng và chính trị IHS Markit, trả lời CNBC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm