Thủ tướng: Bộ LĐ-TB&XH cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực phát triển đất nước

(PLO)-  Theo Thủ tướng, thị trường lao động Việt Nam phát triển không đồng đều, chưa đáp ứng nhu cầu của một thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 14-1, tại lễ tổng kết ngành LĐ-TB&XH, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh trong năm 2022, công tác an sinh xã hội, hỗ trợ ảnh hưởng dịch COVID-19 được Bộ LĐ-TB&XH triển khai hiệu quả, với tổng số tiền hỗ trợ giải ngân đạt trên 100.000 tỉ đồng.

“Nước ta còn nghèo, không thể hỗ trợ tất cả mọi người như các nước phát triển, nên phải lựa chọn hỗ trợ những người cần nhất. Việc triển khai chính sách hỗ trợ an sinh hậu dịch COVID-19 tới gần 69 triệu lượt người, trên 1,4 triệu lượt doanh nghiệp là nỗ lực rất lớn của ngành”- Thủ tướng nói.

Thủ tướng dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: V.LONG

Thủ tướng dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: V.LONG

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, bất cập cần khắc phục trong năm 2023 cũng như thời gian tới. Đó là thị trường lao động phát triển không đồng đều, chưa đáp ứng nhu cầu của một thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập. Tỉ lệ thất nghiệp của thanh niên vẫn còn khá cao. Cơ cấu, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu, tiếp tục là điểm nghẽn cho phát triển việc làm và nâng cao năng suất lao động.

Cạnh đó, tình trạng bạo lực với phụ nữ và trẻ em có chiều hướng tăng, còn xảy ra các vụ việc xâm hại trẻ em nghiêm trọng gây bức xúc xã hội…

Thủ tướng yêu cầu trong thời gian tới về phát triển thị trường lao động cần gắn kết cung - cầu lao động, nhất là giữa cơ sở đào tạo nghề với các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Ông kể: Làm việc với nhiều nhà đầu tư, đối tác, hầu hết họ chỉ có hai băn khoăn là hạ tầng và nguồn lao động. Intel vào Việt Nam chỉ hỏi vào đầu tư thì trong 48 giờ có thể đưa sản phẩm đi đến đâu, cần xây dựng nhà máy thì bao lâu có đủ nhân lực để vận hành.

“Tôi đã thăm trung tâm đổi mới và sáng tạo của nước ngoài, chỉ 500 ha mà tạo ra giá trị tăng trưởng rất lớn khi tập trung nguồn nhân lực chất lượng cao nhất ở đó” – Thủ tướng liên hệ khi nói về chiến lược phát triển nguồn nhân lực của Việt Nam.

Cuối cùng, Thủ tướng nhắc nhở ngành về việc cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực đội ngũ công chức, viên chức. Tập trung xử lý những vấn đề xã hội bức xúc, quan tâm, tạo sự chuyển biến rõ rệt về việc xác nhận, công nhận người có công; tình trạng bạo lực, xâm hại, buôn bán trẻ em, phụ nữ; tình trạng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài vi phạm hợp đồng; quản lý lao động người nước ngoài ở Việt Nam…

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo trên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết năm 2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính không chỉ dành nhiều thời gian mà còn trực tiếp chỉ đạo nhiều lĩnh vực, việc thực hiện các chính sách, nhất là các chính sách hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động để cùng ngành vượt qua thời điểm khó khăn.

Bộ trưởng khẳng định nghiêm túc tiếp thu năm quan điểm, 11 nhiệm vụ mà Thủ tướng đã chỉ đạo tại hội nghị để thực hiện thắng lợi kế hoạch năm 2023.

Hết năm 2022, tỉ lệ lao động thất nghiệp khu vực thành thị giảm còn gần 2,8% tổng lực lượng lao động trong độ tuổi; tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 67% lực lượng lao động; tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm khoảng 1,2% so với năm 2021; năm vừa qua đã đưa trên 142 nghìn người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (vượt hơn 58% kế hoạch năm).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm