Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, những năm gần đây, bùn cát từ thượng nguồn về ngày càng giảm. Trong khi đó, khai thác cát sỏi lòng sông phục vụ hoạt động phát triển cơ sở hạ tầng, việc xây dựng nhà cửa trong lòng sông, bãi sông, đường giao thông sát bờ sông, kênh rạch ngày càng gia tăng. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu làm nước biển, sóng gió, thủy triều tăng, thay đổi lớn về dòng chảy thượng nguồn. Những yếu tố trên đã và đang làm cho tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển tại ĐBSCL ngày càng phức tạp.
Sạt lở bờ biển từ trước năm 2010 đến nay diễn biến ngày càng phức tạp và có mức độ gia tăng cả về phạm vi, mức độ nghiêm trọng, uy hiếp trực tiếp đến tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân. Sạt lở bờ sông đến nay cũng diễn biến nguy hiểm không kém.
Thời gian qua, các bộ, ngành, trung ương, địa phương đã có nhiều nỗ lực trong công tác phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển bằng nhiều phương thức… Tuy nhiên, tình hình sạt lở vẫn diễn ra rất nhanh, hằng ngày, hằng giờ và vẫn chưa dừng lại.
Về sản xuất mùa vụ đông xuân năm nay, theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, mùa mưa trên thượng nguồn sông Mekong gần kết thúc, song lượng mưa đạt trị số rất thấp. Với tình hình mưa và dòng chảy sông Mekong có thể xảy ra hạn hán xâm nhập mặn mùa khô 2019-2020 ở mức sớm và nặng hơn so với trung bình nhiều năm. Dự báo với tình hình trên, xâm nhập mặn có khả năng sẽ ảnh hưởng đến 100.000 ha lúa vụ đông xuân 2019-2020 ở các địa phương ven biển với khoảng 50.000 hộ dân bị ảnh hưởng thiếu nước.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: ĐBSCL là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Trong đó, tình hình sạt lở bờ sông, kênh rạch, bờ biển đe dọa trực tiếp đến an toàn của nhiều khu dân cư, công trình hạ tầng ven sông, ven biển. Việc tập trung các nguồn lực để xử lý một bước là điều hết sức cần thiết và cần làm sớm để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân.
Thủ tướng cũng khẳng định Đảng, Nhà nước sẽ làm hết sức mình để cùng ĐBSCL phát triển bền vững. Chính phủ cần kiến nghị Quốc hội bố trí đủ vốn khoảng 3.000 tỉ đồng để hỗ trợ ĐBSCL xử lý dứt điểm tình trạng sạt lở trong hai năm 2019-2020. Trong đó, Chính phủ sẽ xuất ngân sách dự phòng trung ương năm 2019, bố trí 1.000 tỉ đồng bằng vốn đầu tư trung hạn và một số nguồn ODA khác để đủ 3.000 tỉ đồng.
Thủ tướng giao cho các bộ NN&PTNT, Tài chính, KH&ĐT, TN&MT cùng các cơ quan có liên quan sớm tham mưu cho Chính phủ. Trong đó, nền tảng quan trọng là Bộ NN&PTNT đã khảo sát số liệu chứng minh và đi kiểm tra hiện trường. Bộ KH&ĐT xem xét, trình Thủ tướng chậm nhất tháng 10 năm nay.
“Đây là một quyết sách thể hiện trách nhiệm của Chính phủ đối với ĐBSCL. Các địa phương phải sử dụng một cách hiệu quả nhất. Cần chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực đối với việc chống sạt lở này để cùng vượt qua thiên tai khắc nghiệt này” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Bộ NN&PTNT, trong vòng 10 năm gần đây, ngân sách đã bố trí trên 16.000 tỉ đồng để xây dựng công trình phòng, chống sạt lở. Trong đó, hai năm (2018, 2019) đã bố trí trên 4.000 tỉ đồng, đang rà soát tiếp tục hỗ trợ 4.412 tỉ đồng. |