Thủ tướng chưa xem xét phê duyệt “siêu dự án sông Hồng”

Liên quan đến chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tuyến giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng kết hợp thủy điện theo hình thức BOO (dự án), Thủ tướng Chính phủ vừa có văn bản nêu rõ: Thủ tướng Chính phủ chưa xem xét việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án vì chưa đủ căn cứ, cơ sở theo quy định của pháp luật.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành tổ chức xây dựng Quy hoạch tổng thể khai thác sông Hồng để đảm bảo phát triển bền vững, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Việc xây dựng Quy hoạch nêu trên phải được thực hiện một cách kỹ lưỡng, khoa học và phải có sự tham gia của các địa phương liên quan, các nhà khoa học, các cơ quan nghiên cứu, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị, xã hội khác là đại diện cho lợi ích của người dân trong lưu vực đồng bằng sông Hồng.

Trước đó, nhưPháp Luật TP.HCM đã đưa tin, Dự án giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng kết hợp thủy điện theo hình thức BOO (xây dựng - sở hữu - vận hành) với tổng vốn đầu từ hơn 24.500 tỉ đồng đã được Tập đoàn Xuân Thành đề xuất gửi Bộ KH&ĐT.

Và Bộ KH&ĐT cũng có văn bản đề xuất Thủ tướng xem xét, thông qua chủ trương đầu tư dự án này. Theo đó, dự án có mục tiêu kép là nâng cấp tuyến vận tải đường thủy dọc sông Hồng trên cơ sở kết nối hai tuyến vận tải thủy lớn là Hải Phòng - Việt Trì và Hà Nội - Lạch Giang; cung cấp lượng điện năng lên tới 0,91 tỉ kWh/năm.

Cụ thể, chủ đầu tư sẽ xây dựng sáu đập dâng nước và âu tàu, nạo vét 288 km luồng sông Hồng đoạn từ Việt Trì lên Lào Cai đạt tiêu chuẩn sông cấp III; kết hợp xây dựng sáu nhà máy thủy điện nhỏ (cấp II) kiểu tuabin trục ngang cột nước thấp với tổng công suất thiết kế khoảng 228 MW (mỗi nhà máy thủy điện khoảng hơn 30 MW); xây dựng bảy cảng dọc tuyến từ Hà Nội lên tới Lào Cai.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến chuyên gia đã nhấn mạnh “xin đừng băm nát sông Hồng” khi nói về dự án này. Theo các chuyên gia, đồng bằng sông Hồng cũng là vựa lúa của miền Bắc và cả nước, là nguồn sống của cả vùng rộng lớn. Sông Hồng còn mang giá trị văn hóa, lịch sử của nền văn minh lúa nước. Nếu chúng ta làm thủy điện trên sông Hồng thì đồng nghĩa sẽ đánh đổi cả một nền văn hóa, đời sống của dân để lấy thủy điện và giao thông thủy; việc xây dựng thủy điện trên 30 MW vắt ngang qua sông sẽ gây nhiều ảnh hưởng đến nguồn nước. Bên cạnh đó, khi dự án được triển khai còn ảnh hưởng đến lòng sông, môi trường rừng…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới