Sáng 9-5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đi kiểm tra công tác phòng chống dịch tại các tỉnh biên giới Tây Nam và triệu tập cuộc họp trực tuyến khẩn cấp với lãnh đạo sáu tỉnh biên giới phía Tây Nam từ đầu cầu UBND tỉnh An Giang.
Tại cuộc họp, Thủ tướng đánh giá cao và biểu dương tinh thần trách nhiệm và bám việc của bí thư, chủ tịch UBND các tỉnh khi người đứng đầu đều tham dự họp và sẵn sàng tham gia chống dịch.
Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra công tác phòng chống dịch COVID-19 trên tuyến biên giới Tây Nam, khu vực đồn Biên phòng Vĩnh Ngươn, An Giang. Ảnh: VGP
Nguy cơ dịch bệnh lây lan ra toàn quốc đã hiện hữu
Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá trong 10 ngày qua, tốc độ lây nhiễm dịch bệnh rất nhanh, rất khó lường.
Theo Thủ tướng, có bốn nguyên nhân:
Thứ nhất, do dịch bệnh lây lan từ người nhập cảnh vào cộng đồng với tâm lý lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, thậm chí không tuân thủ quy định về hoạt động của “tổ năm người” (gồm lãnh đạo năm bộ Quốc phòng, Ngoại giao, Công an, Y tế, GTVT); thực hiện phòng chống dịch không đúng quy chế, không đúng quy trình, không đúng nguyên tắc, chưa nói đến tiêu cực có thể xảy ra, “nay mai phải xác định rõ địa chỉ, rõ người để kiểm điểm trách nhiệm” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Thứ hai, đa nguồn lây, đa ổ dịch, biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây lây nhiễm rất nhanh, khó lường, xảy ra trên diện rộng. Thủ tướng nhấn mạnh: Nguy cơ dịch trên toàn quốc đã hiện hữu lắm rồi. Chúng ta phải triển khai các biện pháp cứng rắn hơn, mạnh mẽ hơn, tích cực hơn, bám sát tình hình thực tế hơn để ngăn chặn dịch bệnh.
Thứ ba, các doanh nghiệp, địa phương, cơ quan, đơn vị mời chuyên gia nước ngoài vào nhưng chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, không thực hiện nghiêm quy định của Ban chỉ đạo quốc gia, của Bộ Y tế dẫn tới “bị thủng lưới”.
Thứ tư, tình hình dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp ở các nước láng giềng gây áp lực, nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào nước ta là rất lớn. Việc kiểm soát đường biên giới rất khó khăn vì điều kiện đường biên giới khu vực Tây Nam dễ tạo điều kiện cho người qua lại trái phép nên nguy cơ dịch bệnh xâm nhập qua biên giới rất lớn.
92
là tổng số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong ngày 9-5. 92 ca này được ghi nhận tại BV Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở Đông Anh (6), Đắk Lắk (1), Hà Nam (1), Lạng Sơn (2), Bắc Giang (31), Bắc Ninh (15), Hà Nội (11), Hưng Yên (2), Hòa Bình (2), Đà Nẵng (17), Huế (2), Quảng Nam (1), Quảng Trị (1).
Tám nhiệm vụ trọng tâm
Theo Thủ tướng, bài học kinh nghiệm tại các địa phương, bệnh viện xảy ra ổ dịch cho thấy vẫn lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, thực hiện không đúng quy trình, quy định, đặc biệt chưa chuẩn bị đầy đủ cho chống dịch theo phương châm “bốn tại chỗ”.
Cán bộ, nhất là người đứng đầu còn có những lúc lơ là, chủ quan, thậm chí phân công nhiệm vụ, trách nhiệm không rõ ràng. Đến khi có dịch thì lúng túng, hốt hoảng, lo sợ, mất bình tĩnh, mất bản lĩnh, áp dụng các biện pháp cực đoan làm cho nhân dân hoang mang, sản xuất kinh doanh trì trệ. Thủ tướng yêu cầu “phải rút kinh nghiệm, chấn chỉnh ngay”.
Thủ tướng nhận định tình hình rất phức tạp, nguy cơ lây nhiễm trên toàn quốc rất cao, có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Nhìn chung chúng ta đang kiểm soát tốt nhưng nếu không chủ động, cảnh giác, không có các biện pháp ứng phó, không huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, sức mạnh toàn dân thì chúng ta sẽ thất bại.
Thủ tướng nhấn mạnh nếu dịch xảy ra trên phạm vi cả nước (hiện đã có ca bệnh ở 26 tỉnh, thành) thì ảnh hưởng đến ổn định chính trị, sức khỏe nhân dân, cuộc bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp, việc kết thúc năm học 2020-2021 thì hậu quả sẽ khôn lường. Vì vậy, các địa phương tiếp tục phòng chống dịch, khắc phục hậu quả, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội với tư tưởng chỉ đạo “thần tốc, thần tốc hơn nữa; tích cực, tích cực hơn nữa; quyết liệt, quyết liệt hơn nữa; hiệu quả, hiệu quả hơn nữa; thành công, thành công hơn nữa”.
Thứ hai, các địa phương đặc biệt không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, phát hiện sớm, xét nghiệm diện rộng, truy vết thần tốc, cách ly thật nhanh, điều trị tích cực, bàn giao, quản lý sau điều trị chặt chẽ, giải quyết dứt điểm các ổ dịch…
Thứ ba, các lực lượng chức năng kiểm soát chặt chẽ việc nhập cảnh, nhất là nhập cảnh và cư trú trái phép, xử lý đối tượng cư trú trái phép, chống buôn lậu và nhập khẩu qua biên giới…
Thứ tư là phải chuẩn bị cho kịch bản cả nước có 30.000 người nhiễm và điều trị trên toàn quốc, dịch bệnh đã hiện hữu, không còn là dự báo.
Thứ năm, Bộ Y tế, các địa phương, cơ quan đơn vị đề xuất khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân thực hiện tốt, có hiệu quả, xả thân vì công tác chống dịch; đồng thời phải kiểm điểm, rút kinh nghiệm xử lý nghiêm các trường hợp lơ là, mất cảnh giác, thiếu trách nhiệm, để xảy ra hậu quả nghiêm trọng, “vừa có tính chất động viên, truyền cảm hứng nhưng đồng thời cũng xử lý nghiêm minh có tính răn đe, có vậy sự lãnh đạo, chỉ đạo mới có hiệu quả”.
Thứ sáu, Bộ Y tế tiếp tục nhập vaccine, thúc đẩy sản xuất vaccine trong nước, tuyên truyền, giải thích cụ thể về tiêm vaccine không để cho các thế lực thù địch, phần tử xấu lợi dụng, xuyên tạc, chống phá.
Thứ bảy, lãnh đạo các địa phương phải tích cực vào cuộc, tập trung cao nhất cho phòng chống dịch, phát triển kinh tế - xã hội theo chỉ đạo của Thường trực Ban bí thư.
“Nơi nào để xảy ra dịch bệnh diện rộng, không thể tổ chức bầu cử, trì trệ kinh tế - xã hội do nguyên nhân chủ quan, dứt khoát phải xử lý người đứng đầu các cấp. Lơ là, chủ quan, mất cảnh giác là trả giá đắt cho xã hội, cho hệ thống chính trị, sức khỏe người dân, cho lợi ích quốc gia, dân tộc và người có trách nhiệm cũng phải trả giá” - Thủ tướng nêu rõ.
Thứ tám, Thủ tướng yêu cầu các địa phương có kịch bản đảm bảo cuộc bầu cử Quốc hội, HĐND các cấp; kết thúc năm học 2020-2021 đúng luật, có hiệu quả; nhanh chóng ổn định tình hình, tập trung cho sản xuất, kinh doanh, ổn định đời sống của nhân dân.
Các bộ, ngành, địa phương rà soát tác động của các đối tượng bị ảnh hưởng do dịch bệnh, trên cơ sở đó có giải pháp hỗ trợ, khuyến khích phù hợp đảm bảo sản xuất kinh doanh và cuộc sống của người dân.
Thủ tướng lưu ý các phương tiện bốc dỡ hàng hóa tại các cảng, nhất là tàu thuyền đến từ các nơi có ổ dịch phải khẩn trương giải quyết nhanh các thủ tục xuất cảng, xuất cảnh đảm bảo an toàn.
Cùng vào cuộc với tinh thần tấn công
Chúng ta tiếp tục kêu gọi toàn dân không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác để phải trả giá đắt nhưng cũng không hốt hoảng, lo sợ, mất bình tĩnh, phải tỉnh táo, sáng suốt, sáng tạo, bản lĩnh, kiên trì cùng với các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, đoàn thể chính trị phòng chống dịch cho tốt. Mỗi người dân vì chính mình cũng là vì cộng đồng, vì lợi ích quốc gia, dân tộc.
Đề nghị các tỉnh biên giới, bộ, ngành tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Y tế tăng cường lực lượng, cơ sở vật chất dự trữ, hỗ trợ các tỉnh biên giới, nhất là các tỉnh biên giới phía Nam để phòng chống dịch chủ động, hiệu quả.
Bộ GTVT chỉ đạo việc điều hành chuyến bay, chuyến tàu, phương tiện vận tải hợp lý, không trì trệ, ách tắc, phù hợp với tình hình phòng chống dịch hiện nay.
Bộ Xây dựng chỉ đạo nghiên cứu sử dụng công nghệ, vật liệu mới để triển khai nhanh việc xây dựng các khu nhà, bệnh viện dã chiến khi có tình huống.
Các cơ quan báo chí, tuyên truyền cũng phải vào cuộc với tinh thần tấn công, “thần tốc, thần tốc hơn nữa, hiệu quả, hiệu quả hơn nữa, thành công, thành công hơn nữa”.
Không hoảng hốt, không lo sợ, hết sức tỉnh táo, thông minh, sáng tạo, bản lĩnh trong phòng chống dịch.
(PLO)- Vận dụng bài học kinh nghiệm từ những đợt dịch trước, bảo vệ an toàn cho các cơ sở y tế, khoanh vùng, cách ly triệt để dù chỉ một ca mắc… là những mũi chủ công quan trọng thời điểm này giúp Việt Nam chiến thắng đại dịch COVID-19.