Thủ tướng đối thoại với nông dân: Hơn 3.000 ý kiến đóng góp để tăng tốc nông nghiệp

(PLO)- Trong đối thoại với nông dân, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết cần phải cầu thị, lắng nghe nhau, chung sức, chung lòng phát triển đất nước.

Sáng ngày 31-12, Hội nghị trực tuyến Thủ tướng chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2024 đã diễn ra tại Hà Nội với chủ đề “Khơi dậy khát vọng làm giàu để phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, vững tin bước vào kỷ nguyên mới”.

Hội nghị do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì tổ chức dưới hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến. Tại điểm cầu TP.HCM, Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan chủ trì hội nghị.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị đối thoại với nông dân - Ảnh VGP

Nông nghiệp đạt kỷ lục mới

Phát biểu định hướng, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, trong năm 2024 lĩnh vực nông nghiệp đã có thành tích rất ấn tượng, xuất nhập khẩu đạt kỷ lục khoảng 62,5 tỉ USD, cao hơn mục tiêu 55 tỉ USD mà Thủ tướng giao. Điều này khẳng định vị thế, vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong sự phát triển chung của đất nước.

Đánh giá cao chủ đề đối thoại, Thủ tướng đề nghị các đại biểu bám sát chủ đề để phát biểu, chia sẻ, cùng cầu thị lắng nghe, chung tay, chung sức đồng lòng để phát triển đất nước.

"Tôi đề nghị, trong Hội nghị hôm nay, chúng ta có cảm xúc, ấn tượng gì về thành tựu nông nghiệp 2024, có trăn trở, băn khoăn gì để nâng cao đời sống. Có góp ý gì cho Đảng, Nhà nước, cấp ủy chính quyền các cấp làm tốt hơn mục tiêu xây dựng nông nghiệp nông thôn?

Chúng ta ở đây là để chia sẻ với nhau những kinh nghiệm hay những bài học quý. Ngoài ra có thêm bất cứ chia sẻ, băn khoăn gì về các vấn đề khác thì chúng ta mạnh dạn nói ra để cùng nhau xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh" - Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng chỉ đạo, trong năm 2025 cần tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, mạnh mẽ, tự tin hơn để bước vào kỷ nguyên mới. Bên cạnh đó phải nắm chắc, bám sát tình hình tình hình thế giới và khu vực, không để bị động, bất ngờ về chiến lược, không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, tình hình tốt không quá lạc quan, tình hình xấu cũng không quá bi quan.

2025 cũng là năm phải tăng tốc, bứt phá để kết thúc thắng lợi nhiệm kỳ Đại hội XIII, ngành nông nghiệp, phát triển nông thôn, nỗ lực của người nông dân cũng phải tăng tốc bứt phá. Nhất là khi chúng ta phấn đấu tăng trưởng GDP ít nhất 8%, cao hơn chỉ tiêu Trung ương, Quốc hội đã đề ra để tạo đà, tạo lực cho tăng trưởng 2 con số những năm tới.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2024 - Ảnh VGP

Hơn 3000 ý kiến đóng góp cho ngành từ các nông dân, HTX, doanh nghiệp

Cũng tại hội nghị, ông Lương Quốc Đoàn, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội nông dân Việt Nam cho biết, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã tiếp nhận gần 3.000 ý kiến, kiến nghị trong việc tháo gỡ, thúc đẩy ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn.... Trong đó tập trung vào 6 nhóm vấn đề chính sau:

Thứ nhất, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách mạnh mẽ hơn để thúc đẩy và phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp.

Thứ hai, Chính phủ cần sớm ban hành giải pháp, chính sách đồng bộ nhằm đẩy mạnh thi hành Luật Đất đai 2024 đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 01-8-2024. Trong đó đặc biệt là các giải pháp về tập trung, tích tụ đất đai nhằm khơi thông nguồn lực đất đai, phục vụ sản xuất nông nghiệp, phát triển nông thôn và nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Thứ ba, Chính phủ quan tâm, nghiên cứu ban hành các giải pháp, chính sách nhằm sớm phát huy hiệu quả chương trình xây dựng thí điểm 5 vùng nguyên liệu tập trung, tiến tới tiếp tục mở rộng các vùng nguyên liệu khác. Từ đó hình thành các khu sản xuất tập trung theo hướng chất lượng cao, giảm phát thải và bảo vệ môi trường.

Thứ tư, Nhà nước cần ban hành cơ chế, chính sách đủ mạnh để khơi thông dòng vốn tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ khôi phục, phục hồi sản xuất nông nghiệp do tác động tiêu cực từ thiên tai, bão lũ, biến đổi khí hậu; triển khai, mở rộng có hiệu quả chính sách về bảo hiểm nông nghiệp.

Thứ năm, Nhà nước cần ban hành các giải pháp, biện pháp cụ thể nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn đáp ứng với yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao về trình độ, chất lượng của lao động nông thôn, thích ứng với quá trình chuyển đổi số trong nông nghiệp.

Cuối cùng là các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để triển khai nhanh, hiệu quả các mục tiêu được nêu tại Nghị quyết số 69 / NQ-CP ngày 11 / 5 / 2024 của Chính phủ về ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 46-NQ / TW ngày 20 / 12 / 2023 của Bộ Chính trị về đổi mới nâng cao chất lượng hoạt động của Hội NDVN đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến tại hội nghị cũng cho rằng nhà nước cần tăng gấp đôi đầu tư cho nông nghiệp, nhất là vấn đề chế biến sâu, các giải pháp chống biến đổi khí hậu cho ngành nông nghiệp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới