Thủ tướng Đức Angela Merkel và chính sách nhập cư của bà đang phải đối mặt với áp lực rất lớn từ các đảng phái đối lập và cả một bộ phận người dân, sau hàng loạt vụ tấn công khủng bố gần đây ở Đức.
Trong một tuần nước Đức đã xảy ra bốn vụ tấn công. Một vụ tấn công bằng rìu, một vụ xả súng, một vụ tấn công bằng dao và một vụ đánh bom tự sát. Tổng cộng 13 người chết, trong đó có ba kẻ tấn công và hàng chục người bị thương.
Các phe đối lập chỉ trích bà Merkel đã đưa nước Đức vào rủi ro không thể chấp nhận khi ba trong bốn kẻ tấn công là người nhập cư đang xin quyền tị nạn.
Tuy nhiên Thủ tướng Merkel đã không chịu thua áp lực, cương quyết bác đề nghị thay đổi chính sách cởi mở với người tị nạn.
“Chúng tôi từ chối làm thế”, Reuters (Mỹ) dẫn lời bà Merkel nói trong một cuộc họp báo ngày 28-7 tại Berlin sau khi cắt ngắn kỳ nghỉ hè vì hàng loạt sự cố an ninh trong nước liên quan đến người nhập cư.
Đức sẽ không quay lưng với người tị nạn, Thủ tướng Đức Merkel khẳng định trong cuộc họp báo ngày 28-7. (Ảnh: REUTERS)
“Những kẻ tấn công muốn hủy hoại tình cảm cộng đồng, sự cởi mở và thiện chí giúp đỡ người hoạn nạn của chúng ta.” Theo bà, bốn cuộc tấn công chỉ trong một tuần đúng là quá sốc và đau buồn nhưng đó không phải là dấu hiệu thể hiện chính phủ đã mất kiểm soát.
“Đến hôm nay tôi vẫn tin rằng chúng ta có thể làm được điều này - đây là nhiệm vụ lịch sử của chúng ta và là một thách thức lịch sử trong thời kỳ toàn cầu hóa.” Thủ tướng Merkel nhắc lại lời bà đã nói năm ngoái khi quyết định mở cửa biên giới đón người tị nạn chiến tranh từ Bắc Phi và Trung Đông, chủ yếu từ Syria.
Đức đã đón 1,1 triệu người tị nạn trong năm 2015, là nước nhận nhiều người tị nạn nhất châu Âu.
Bà Merkel tuyên bố sẽ không để lẽ phải và lòng trắc ẩn của chính phủ và người dân Đức bị bạo lực và khủng bố vùi dập. “Các quyết định chính trị sẽ không thể bị lèo lái bằng nỗi sợ hãi.”
Thay vì sửa đổi chính sách nhập cư, Thủ tướng Merkel đề ra hàng loạt biện pháp an ninh mới. Như cải thiện hệ thống cảnh báo sớm nhằm phát hiện sớm các phần tử cực đoan trong số người tị nạn, huấn luyện quân đội phản ứng tốt với các cuộc tấn công, tăng hợp tác tình báo với các đồng minh, đẩy nhanh tiến trình trục xuất người nhập cư bị từ chối quyền tị nạn.
Trong số các thủ phạm thực hiện các tấn công vừa rồi có một thanh niên nhập cư bị từ chối quyền tị nạn, Đức đã hai lần yêu cầu trục xuất nhưng tên này vẫn lần lữa chưa rời đi, rồi sau đó đánh bom tự sát.