Thủ tướng gặp mặt, tri ân lực lượng tuyến đầu chống dịch

Chiều 18-10, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, đã gặp mặt đại diện lực lượng y tế tuyến đầu tiêu biểu trong công tác phòng chống dịch COVID-19.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt đại diện lực lượng y tế tuyến đầu
chống dịch. Ảnh: VGP

Cả dân tộc dần đi qua dịch bệnh

Tại buổi gặp mặt, Thủ tướng đánh giá gần hai năm qua, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, thách thức hệ thống y tế nước ta cũng như nhiều nước trên thế giới.

Theo ông, đó là cuộc chiến chống lại “kẻ thù virus” vô hình nguy hiểm, luôn biến hình, biến dạng để chống lại sự nỗ lực của loài người. Đó là thời điểm khan hiếm vaccine toàn cầu và việc này trở nên khó khăn hơn khi Việt Nam là đất nước đông dân, quy mô nền kinh tế còn khiêm tốn. Đó là thực trạng hệ thống y tế của đất nước ta còn nhiều hạn chế, khó khăn về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, kinh nghiệm chống dịch và vật lực y tế, việc chống dịch chưa có tiền lệ, vừa làm vừa rút kinh nghiệm… Dịch bệnh từ đầu năm 2020 nên đến đợt dịch lần thứ tư, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân đã bị tác động tiêu cực trong thời gian dài.

“Gần hai năm qua, cả dân tộc ta đã dần đi qua dịch bệnh một cách kiên cường” - Thủ tướng nói.

Thủ tướng khẳng định đến nay, dịch bệnh ở nước ta cơ bản đã được kiểm soát và đang thực hiện lộ trình thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh, vừa phòng chống dịch bệnh thành công vừa khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội.

“Trong hành trình của gần 600 ngày chống dịch, chúng ta đã sống trong sức mạnh của sự đoàn kết, sự đồng lòng của mọi tầng lớp nhân dân với sự quyết liệt, quyết tâm của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị, của sự chia sẻ, của tình yêu thương và nhân ái…” - Thủ tướng nói tiếp.

Điều đặc biệt, theo người đứng đầu Chính phủ, chúng ta đã chứng kiến những nghĩa cử cao cả, đẹp đẽ, những đức hy sinh, những trái tim nhiệt huyết, những tấm lòng nhân ái tỏa sáng… của đội ngũ bác sĩ, cán bộ và nhân viên y tế, thầy thuốc trên cả nước.

“Chúng ta tự hào về những điều này” - Thủ tướng nói và dẫn lại câu tục ngữ “Sinh ra trong cõi hồng trần/ Đời người phải lấy chữ nhân làm đầu”.

2.300

nhân viên y tế bị lây nhiễm, trong đó có hai điều dưỡng và một bác sĩ ra đi mãi mãi. Tổng nhân lực y tế tham gia hỗ trợ chống dịch tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam là hơn 24.000 người. 

Hơn 24.000 “bông hoa đẹp”

Thủ tướng đánh giá ngành y tế đã và đang khẳng định được tâm thế, vị trí, vai trò, trách nhiệm của mình trước tính mệnh và sức khỏe của người dân. Trong thời gian ngắn, chúng ta triển khai hàng chục bệnh viện (BV) dã chiến, hàng trăm trạm y tế lưu động để thu dung, điều trị bệnh nhân, giảm chuyển nặng, giảm tử vong, trong khi nếu điều kiện bình thường sẽ mất rất nhiều thời gian để thực hiện.

“Chúng ta trân trọng những gì đã làm được tốt nhất có thể trong điều kiện hết sức khó khăn” - Thủ tướng nói và ví von hơn 24.000 người thuộc ngành y tham gia chống dịch là hơn 24.000 bông hoa đẹp, truyền cảm hứng về đức hy sinh, về trách nhiệm với đồng bào, truyền niềm tin để vượt lên nghịch cảnh, truyền năng lượng tích cực để đi qua những ngày khó khăn của dịch bệnh…

Tại cuộc gặp mặt, người đứng đầu Chính phủ nhắc tới câu chuyện lùi, hoãn kết hôn của nữ điều dưỡng Ngọc Diệp (BV Bạch Mai), BS Đình Hoàng (BV Hùng Vương, Phú Thọ); hay vợ chồng BS Nguyễn Thị Giang - Ðỗ Ngọc Anh (BV Kiến An, Hải Phòng) gửi lại con thơ để xung phong lên đường chống dịch...

Nhiều bác sĩ, tình nguyện viên đã gần như không nghỉ, liên tục chi viện từ vùng dịch này sang vùng dịch khác, như “bác sĩ 91” Trần Thanh Linh (BV Chợ Rẫy) vừa trở về từ Khu công nghiệp Bắc Giang lại bắt tay ngay vào cứu chữa bệnh nhân tại BV hồi sức COVID-19 TP.HCM…

“Nhân dịp này, tôi cũng chia sẻ, đánh giá cao và cám ơn người thân, gia đình của các y bác sĩ, nhân viên y tế thời gian qua đã luôn là chỗ dựa tinh thần, là hậu phương vững chắc để mỗi nhân viên y tế nơi tuyến đầu yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ cao cả của mình” - Thủ tướng cho biết.

Không được phép quên dịch COVID-19 vẫn còn

Tại buổi gặp mặt, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhắc nhở “không được phép quên dịch COVID-19 vẫn đang còn” và “không được phép lơ là, mất cảnh giác”.

“Đây là lúc đội ngũ thầy thuốc cần đúc rút những kinh nghiệm quý báu đã có được từ thực tế chống dịch để tăng cường năng lực, chuyên môn. Đồng thời, phối hợp với các cấp, các ngành thực hiện tốt các hoạt động sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh, hướng dẫn người dân chấp hành các quy định phòng dịch và xây dựng những thói quen có lợi cho sức khỏe” - ông Long nói. 

“Mong các đồng chí chia sẻ, cảm thông”

Người đứng đầu Chính phủ cũng khẳng định để thực hiện thành công chủ trương “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, vừa bảo vệ sức khỏe nhân dân vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới, vai trò của lực lượng tuyến đầu vẫn là thường trực, thường xuyên.

“Thời gian qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân đã rất biết ơn và quan tâm đến đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế, dù chưa được trọn vẹn. Mong các đồng chí chia sẻ, cảm thông” - Thủ tướng nói tiếp và cho hay Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương hoàn chỉnh các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho lực lượng tuyến đầu, nhất là lực lượng y tế, bảo đảm công bằng, bình đẳng.

Dự báo tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến khó lường, nguy cơ xuất hiện biến chủng mới lây lan nhanh hơn, phức tạp và có thể nguy hiểm hơn, Thủ tướng dự báo đội ngũ cán bộ y tế sẽ còn rất nhiều gian nan, vất vả.

Thủ tướng đề nghị đội ngũ y bác sĩ qua thực tiễn công tác, kinh nghiệm của mình tham mưu các cấp, các địa phương thực hiện nghiêm túc và kiến nghị xử lý, giải quyết những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện Nghị quyết 128 và hướng dẫn của Bộ Y tế về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Trên cơ sở đó ngày càng hoàn chỉnh các biện pháp phòng chống dịch và khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội.

“Tôi kêu gọi đồng bào, đồng chí, các cấp, các ngành tiếp tục ủng hộ, đoàn kết, đề cao tính chủ động, ý thức trách nhiệm, tự giác thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, coi đó là hành động thiết thực tri ân lực lượng tuyến đầu…” - Thủ tướng nói.

Dịp này, 138 thầy thuốc tiêu biểu xuất sắc của ngành y tế, quân đội và công an trong công tác phòng chống dịch COVID-19 tại đợt dịch lần thứ tư đã được tặng bằng khen của Thủ tướng.

 

Không sợ COVID-19 là cách sống mới, cần chấp nhận

Phát biểu tại buổi gặp mặt đại diện lực lượng y tế tuyến đầu tiêu biểu, BS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc BV ĐH Y Hà Nội, Giám đốc BV Hồi sức cấp cứu Bình Dương (nơi có tỉ lệ mắc bệnh hơn 10% dân số), nói: Qua dịch COVID-19, chúng ta đã thấy được những giá trị cốt lõi của con người, đó chính là sự đùm bọc, che chở nhau trong hoạn nạn và cả những tấm gương hy sinh vì dân khiến không ai trong chúng ta không trân trọng và cảm phục.

BS Hiếu đã có các đề xuất đáng chú ý. Xóa bỏ các khu cách ly tập trung, các BV dã chiến. Hình thành mạng lưới chăm sóc bệnh nhân tại nhà theo cấp phường, xã. Người nhiễm COVID-19 được tự chăm sóc theo bộ tiêu chí đã được Bộ Y tế ban hành. Khu vực bị nhiễm có thể cách ly hẹp. Các ca tăng nặng, bệnh nền không ổn định hay người chưa tiêm có thể đưa sớm vào BV điều trị. Chiến lược này có thể áp dụng cho tất cả địa phương tỉ lệ tiêm chủng cao như TP.HCM, Bình Dương, Hà Nội...

Tách đôi BV với hai lối đi riêng biệt cho người nhiễm hoặc không nhiễm COVID-19. Xác định bằng test nhanh sàng lọc. Người nghi nhiễm cần khẳng định bằng PCR ở vùng đệm. Nếu chắc chắn âm tính sẽ đưa vào khu điều trị thông thường.

Khu điều trị COVID-19 nên chia làm ba: Hồi sức cấp cứu, điều trị bệnh mức độ vừa và khu hậu COVID-19. Khu điều trị cần đảm bảo có đầy đủ ôxy hóa lỏng, trang thiết bị, thuốc, vật tư và nhân lực. Đây là việc cần làm lâu dài không chỉ dưới hình thức tạm bợ, dã chiến.

Cần đưa y tế tư nhân vào cuộc. Cho phép BV tư thu phí dịch vụ như TP.HCM đã triển khai. Quản lý người nhiễm theo các bác sĩ phòng mạch. Thành lập các chuyên khoa như COVID-19 sản khoa, nhi khoa, lão khoa... để y tế tư nhân phát triển, tạo thương hiệu của chính mình.

Rà soát việc tiêm vaccine. Sẵn sàng có kế hoạch tiêm cho trẻ 12-18 tuổi khi được hướng dẫn. Tiêm cho các công nhân, người lao động phổ thông nếu đến sống, làm việc tại Bình Dương.

Tổ chức lại khu nhà ở cho công nhân và người lao động nhập cư... Khuyến khích tự test để phát hiện sớm, bảo đảm sức khỏe của mình và cộng đồng.

“Không sợ COVID-19 là cách sống mới mà chúng ta cần chấp nhận. Nếu tỉ lệ tử vong trong số người đã tiêm phòng như cúm mùa vậy sao ta phải sợ. Giảm tối đa các ca tử vong là nhiệm vụ của chúng tôi” - BS Hiếu nói.

BS Hiếu cho hay sau những ngày vừa qua, bài học lớn nhất ông rút ra là phải nâng cao chất lượng y tế cơ sở.

“Trước đây, chúng ta chú trọng phát triển các kỹ thuật cao ở BV trung ương, tuyến tỉnh” - BS Hiếu nhấn mạnh và cho rằng trong đại dịch mới thấy hệ thống y tế cơ sở, đặc biệt là tuyến huyện còn một số bất cập, cụ thể là nhân lực và cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc men...

ĐỨC MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm