Thủ tướng: Giảm thấp nhất số ca tử vong là ưu tiên hàng đầu

Ngày 11-9, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng đánh giá công tác phòng, chống dịch trong tuần qua đã có những kết quả tích cực. Trong số 23 địa phương thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội, đến nay, có tám địa phương kiểm soát dịch tốt gồm Hậu Giang, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Phú Yên, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau.

12/23 địa phương gồm Cần Thơ, Long An, Tiền Giang, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hà Nội, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Tây Ninh, Bình Phước, An Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu đang tiếp tục lộ trình thực hiện đạt các tiêu chí kiểm soát dịch. TP.HCM, Bình Dương cũng đã có nhiều cố gắng, tình hình đang chuyển biến theo hướng tích cực.

Riêng tại Kiên Giang tình hình lại diễn biến phức tạp hơn. Do đó, Thủ tướng yêu cầu tỉnh cần nỗ lực hơn, thực hiện nghiêm, hiệu quả các biện pháp chòng chống dịch, nhất là trong quản lý di chuyển, cách ly, chấp hành giãn cách xã hội.

Thủ tướng nêu rõ việc giảm thấp nhất số ca tử vong là ưu tiên hàng đầu trong thời gian tới. Ảnh: VGP

Thủ tướng cũng nêu rõ mục tiêu trong thời gian tới việc giảm thấp nhất số ca tử vong là ưu tiên hàng đầu, nhanh chóng kiểm soát được tình hình dịch bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế trong thời gian giãn cách.

“Không có người dân nào an toàn khi vẫn còn người dân khác mắc bệnh COVID-19, không có địa phương nào an toàn nếu địa phương khác còn phải chống dịch” – Thủ tướng nhấn mạnh đồng thời yêu cầu phải tránh hai khuynh hướng.

Cụ thể là lơ là, mất cảnh giác khi phòng, chống dịch khi mới đạt được kết quả ban đầu và khi đã giãn cách trong thời gian dài. Bên cạnh đó cũng cần tránh chủ quan, nóng vội muốn mở lại ngay các hoạt động sản xuất, kinh doanh, khi chưa chuẩn bị tốt, chưa an toàn đã nới lỏng các biện pháp chống dịch. Đây là bài học từ thực tiễn trong nước và ngoài nước.

Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương tiếp tục quán triệt và triển khai hiệu quả công tác phòng, chống dịch ngay tại xã, phường, thị trấn. Tăng cường kiểm tra, giám sát, phải lấy hiệu quả để đánh giá. Cùng với đó là đẩy mạnh triển khai các hoạt động đảm bảo an sinh xã hội; rà soát và đánh giá việc triển khai Nghị quyết số 68; tiếp tục vận động, huy động các nguồn lực xã hội tham gia đóng góp cho công tác chăm lo an sinh xã hội.

"Tăng cường hợp tác công tư trong phòng, chống dịch về xét nghiệm, cách ly, tiêm chủng, điều trị..." - Thủ tướng yêu cầu.

Nhấn mạnh việc thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch, Thủ tướng giao Bộ TT&TT chính thức công bố và triển khai các nền tảng công nghệ bắt buộc dùng chung toàn quốc trong phòng, chống dịch COVID-19 (Sổ sức khỏe điện tử, Khai báo y tế, QR Code, Xét nghiệm…); kết nối, liên thông các cơ sở dữ liệu hiện có, đặc biệt là dữ liệu dân cư. Thủ tướng yêu cầu thống nhất một app (ứng dụng) trong phòng chống dịch để thuận tiện nhất cho người dân…

Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu các địa phương khi ban hành theo thẩm quyền các quy định về phòng, chống dịch, nhất là vấn đề đi lại của người dân, giao thông, lưu thông hàng hóa, cần cân nhắc kỹ lưỡng cách làm, thời điểm thực hiện, đánh giá tác động, chuẩn bị truyền thông… phải bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với yêu cầu phòng, chống dịch trên địa bàn. Trường hợp cần thiết báo cáo xin ý kiến Ban chỉ  đạo phòng, chống dịch cấp trên trực tiếp.

Ngoài ra, các địa phương cần nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo, khoa học, toàn diện xuất phát từ thực tế để có các nhiệm vụ, giải pháp thích ứng an toàn với mọi diễn biến của dịch bệnh, khôi phục và phát triển kinh tế, thực hiện hiệu quả mục tiêu kép.

Thủ tướng giao Bộ Y tế hoàn thiện Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch trong tình hình mới, tập trung vào vaccine, xét nghiệm và điều trị. Tập trung nâng cao năng lực hệ thống đáp ứng để trở lại trạng thái bình thường mới vào năm 2022. Chủ trì, xây dựng hướng dẫn triển khai các biện pháp nới lỏng và khôi phục các hoạt động theo nguyên tắc mở cửa có lộ trình, từng bước có kiểm soát và liên tục đánh giá để kịp thời điều chỉnh phù hợp…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới