Thủ tướng giao nhiệm vụ cho chủ đầu tư dự án liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội, cao tốc Sơn La

(PLO)-  Thủ tướng yêu cầu chính quyền tỉnh Hòa Bình sau lễ khởi công dự án liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội, cao tốc Sơn La phải chỉ đạo các đơn vị thi công ngay, tránh tình trạng khởi công rầm rộ rồi im ắng.

Sáng 26-2, đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La dài 50 km, do tỉnh Hòa Bình làm chủ đầu tư đã được khởi công.

Dự án có đoạn đầu hơn 31 km từ thị trấn Bo (Kim Bôi) đến cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình; đoạn hai hơn 19 km, từ phường Kỳ Sơn (TP Hòa Bình) đến nút giao quy hoạch cao tốc Hà Nội - Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên.

Tổng mức đầu tư dự án là 4.100 tỉ đồng, gồm cả vốn trung ương và địa phương. Trong đó, giai đoạn 1 khoảng 1.829 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành năm 2027.

Dự án sẽ ảnh hưởng đến 470 hộ, trong đó 300 hộ cần tái định cư. Khi hoàn thành, tuyến đường sẽ rút ngắn thời gian di chuyển theo hướng Hà Nội - TP Hòa Bình - Kim Bôi; tăng khả năng giao thương giữa Hà Nam, Hòa Bình, Phú Thọ, Sơn La.

Thủ tướng xem bản đồ quy hoạch liên kết giao thông vùng Hà Nội -Hòa Bình trong buổi lễ khởi công. Ảnh: VGP

Phát biểu tại lễ khởi công, Thủ tướng đề nghị các đơn vị triển khai ngay những công việc sau lễ khởi công, tránh tình trạng một số dự án đã gặp phải là khởi công rầm rộ, hoành tráng nhưng sau lễ khởi công lại chuyển máy móc, con người đi nơi khác, mọi việc lại im ắng.

Thủ tướng cũng đề nghị tỉnh Hòa Bình, các đơn vị liên quan, tư vấn phải nghiêm túc xem xét, tính toán lại một số nội dung. Trong đó có việc thiết kế dự án giai đoạn 1 chỉ có 2 làn xe nhưng tốc độ 80 km có thể không khả thi.

Mặt khác, tổng dự toán giai đoạn 1 là 1.829 tỉ đồng, trong đó chi phí xây lắp khoảng 1.500 tỉ đồng còn chi phí khác lên tới hơn 300 tỉ đồng. Dự án kéo dài trong 5 năm có khả năng dẫn tới đội vốn, lãng phí, nên cần nghiên cứu lại tiến độ thi công, phấn đấu triển khai trong 3 năm, nỗ lực tiết kiệm khoản 300 tỉ đồng kinh phí dự phòng.

Người đứng đầu Chính phủ cũng cho rằng dự án chỉ có 300 hộ dân tái định cư, nhưng đây là việc rất khó, là khâu khó khăn nhất để triển khai dự án, vì vậy tỉnh cần huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc.

Tỉnh không được "khoán trắng" cho huyện và Ban Quản lý dự án; tập trung quan tâm chăm lo, bảo đảm ổn định đời sống, công việc và điều kiện ăn ở cho đồng bào đã bàn giao mặt bằng.

"Nếu người dân chưa di dời, dù chỉ còn 1 hộ dân thôi cũng phải tìm hiểu, kể cả Bí thư Tỉnh ủy cũng cần sẵn sàng xuống tìm hiểu, làm sao để bà con đồng thuận về tư tưởng vì cái chung"- Thủ tướng chỉ đạo.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới