Chiều 12-8, tại Cần Thơ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị về công tác khắc phục sạt lở bờ sông, bờ biển vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng đánh giá tình hình sạt lở trên cả nước hiện diễn ra nhanh, khó lường, ảnh hưởng người và tài sản của người dân. Ông cho biết hai ngày nay Đoàn công tác của Chính phủ đã đi khảo sát tình hình xâm nhập mặn, sụt lún và sạt lở ở một số tỉnh ĐBSCL.
Theo Thủ tướng, qua khảo sát thấy rằng các hố xoáy rất lớn, cần sớm có giải pháp xử lý nếu không nó sẽ ngày càng to hơn và khi đó một số địa phương sẽ mất đi dãy đất rất quan trọng như Vĩnh Long, Đồng Tháp.
"Phải có giải pháp khắc phục sớm để dòng chảy hiền hoà hơn, đi đúng hướng hơn mang lại hiệu quả cho người dân, nông nghiệp... ” - Thủ tướng yêu cầu.
Thủ tướng cũng biểu dương tỉnh Cà Mau đã kiên trì nghiên cứu giải pháp, huy động mọi nguồn lực để chống sạt lở bờ biển.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị về công tác khắc phục sạt lở bờ sông, bờ biển vùng ĐBSCL. |
Báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho hay những năm qua, do diễn biến bất thường của thời tiết, nhất là ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tác động của phát triển thiếu bền vững về kinh tế - xã hội tại các quốc gia vùng thượng nguồn và nội vùng ĐBSCL, tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển vùng ĐBSCL đã, đang có diễn biến rất phức tạp.
Việc này đã uy hiếp nghiêm trọng đến tính mạng, tài sản của Nhà nước và Nhân dân, các công trình phòng chống thiên tai, cơ sở hạ tầng vùng ven sông, ven biển và ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái.
Theo báo cáo của các địa phương, từ năm 2016 đến nay, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã xuất hiện tổng số 779 điểm sạt lở với tổng chiều dài 1.134 km (bờ sông là 666 điểm/744 km; bờ biển là 113 điểm/390 km).
Trong đó, sạt lở đặc biệt nguy hiểm (cần phải xây dựng công trình để bảo vệ) là 281 điểm/528 km (bờ sông: 192 điểm/260 km; bờ biển: 89 điểm/268 km).
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp phát biểu tại buổi làm việc. |
Hiện ĐBSCL còn 561 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển, với tổng chiều dài khoảng 810 km (bờ sông 513 điểm/602 km). Trong đó, sạt lở đặc biệt nguy hiểm cần phải xử lý 63 điểm/204 km (bờ sông 39 điểm/118 km), với tổng kinh phí khoảng 13.648 tỉ đồng.
Nói về nguyên nhân, Thứ trưởng Hiệp cho biết tình trạng sạt lở bờ sông, kênh rạch hầu hết xảy ra mạnh, phổ biến ở những vị trí đỉnh các khúc sông cong, vị trí phần nhập lưu, đầu các cù lao, khu vực đông dân cư sinh sống...
Tình hình sạt lở sông kênh rạch ĐBSCL ngày một gia tăng cả về số điểm, quy mô, tốc độ, phạm vi của các đợt sạt lở ở khu vực phía thượng nguồn thường lớn hơn hạ nguồn sông (An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long).
Sạt lở bờ sông tại tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: HD |
Với tình trạng xói lở bờ biển thì hiện tượng xói lở, bồi lắng bờ biển phụ thuộc thời kỳ mùa lũ, mùa kiệt sông Cửu Long và thời kỳ có gió mùa Đông Bắc hoặc vào thời kỳ có gió mùa Tây Nam tùy từng khu vực, đoạn bờ cụ thể.
Trước tình hình sạt lở, nhiều năm qua hàng loạt công trình bảo vệ bờ đã được xây dựng nhằm giảm bớt thiệt hại do sạt lở bờ gây ra.
Cụ thể từ năm 2016 đến nay, Trung ương đã đầu tư và có kế hoạch đầu tư cho các tỉnh vùng ĐBSCL với kinh phí 16.223 tỉ đồng để xây dựng 218 công trình kè chống sạt lở, với chiều dài 324 km.