Sáng 7-10, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 trực tuyến với 63 địa phương.
Phiên họp tập trung thảo luận về công tác chỉ đạo, điều hành, tình hình kinh tế - xã hội quý III, chín tháng và các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tháng 10, quý IV-2024 và thời gian tới để phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Tháng sau tốt hơn tháng trước
Tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá khái quát: Tình hình kinh tế- xã hội tháng 9, quý III và chín tháng năm 2024 tiếp tục theo xu hướng tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước. Tính chung chín tháng tốt hơn cùng kỳ năm 2023 trên hầu hết các lĩnh vực.
Tại cuộc họp, Thủ tướng biểu dương sự nỗ lực, cố gắng vượt khó của một số bộ, ngành, địa phương, nhất là Hà Nội, TP.HCM đã đóng góp trên 51% tổng thu ngân sách cả nước, trong đó Hà Nội đóng góp gần 26%, TP.HCM đóng góp trên 25%.
Ông cũng biểu dương sự nỗ lực, chia sẻ khắc phục hậu quả thiên tai của các địa phương, nhất là Lào Cai, Quảng Ninh, Hải Phòng trong quá trình khắc phục hậu quả bão số 3.
Ngoài ra, một số tỉnh miền Trung, Tây Nguyên cũng nỗ lực lớn như Đắk Lắk, Đắk Nông; các tỉnh đạt tăng trưởng trên 10% như Bắc Giang, Hà Nam, Thanh Hóa, Khánh Hòa và đặc biệt là hai tỉnh Điện Biên và Lai Châu.
Bên cạnh những kết quả rất cơ bản, Thủ tướng thẳng thắn cho rằng nước ta vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế và khó khăn thách thức. Trong đó nổi bật là bão số 3 gây thiệt hại lớn; hậu quả COVID-19 vẫn còn; sức ép chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô còn cao, tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn thấp hơn cùng kỳ.
Mặt khác, những khó khăn, vướng mắc trên thị trường bất động sản vẫn còn chậm được giải quyết; nợ xấu có xu hướng tăng; tiến độ triển khai gói cho vay nhà ở xã hội 140.000 tỉ có tiến bộ nhưng chưa đáp ứng yêu cầu …
Về nguyên nhân tồn tại, hạn chế, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ ra một số bộ, ngành, địa phương chưa chủ động, tích cực, một số vướng mắc pháp lý chưa được tháo gỡ, một bộ phận cán bộ, công chức né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm, việc nắm tình hình, tham mưu, phản ứng chính sách một số trường hợp còn lúng túng…
"Xóa bỏ cơ chế xin- cho"
Phân tích tình hình trong và ngoài nước thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ chúng ta xác định có thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn.
Chính phủ, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát tình hình quốc tế, trong nước để có phản ứng chính sách phù hợp, có giải pháp kịp thời, linh hoạt, hiệu quả, với tinh thần "Quyết tâm cao độ - Nỗ lực hết mình - Hành động quyết liệt - Phấn đấu thực hiện thắng lợi toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2024, tạo đà cho năm 2025".
Thủ tướng nhấn mạnh cần phân cấp, phân quyền mạnh mẽ theo yêu cầu của Hội nghị Trung ương 10 với quan điểm "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm".
"Không có lý do gì mà chúng ta không phân cấp, phân quyền; không có lý do gì mà không xóa bỏ cơ chế xin-cho. Quá trình thực hiện có thể có vướng mắc, xuất hiện các mâu thuẫn thì chúng ta tiếp tục giải quyết" - Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.
Đáng chú ý, kết luận phiên họp, Thủ tướng lưu ý 12 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới. Trong đó, yêu cầu trước hết tập trung phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ, ổn định đời sống nhân dân, thúc đẩy phục hồi sản xuất kinh doanh; triển khai quyết liệt, hiệu quả Nghị quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi).
Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP cả năm khoảng trên 7%, tăng trưởng quý IV 7,5-8%.
Ông cũng yêu cầu điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; không điều hành "giật cục". Ngân hàng Nhà nước giữ ổn định tỉ giá, phấn đấu giảm lãi suất cho vay, tăng tiếp cận vốn tín dụng, tập trung cho lĩnh vực ưu tiên, phấn đấu tăng tín dụng cả năm khoảng 15%, kiểm soát rủi ro nợ xấu.
Bộ Tài chính được yêu cầu phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Nhà nước, quyết liệt triển khai chuyển đổi số, áp dụng hóa đơn điện tử trong quản lý thu phấn đấu tăng thu cả năm vượt ít nhất 10% dự toán…
Đặc biệt, Bộ này được yêu cầu khẩn trương nghiên cứu, đề xuất việc phát hành thêm 100.000 tỉ đồng đầu tư cho các công trình hạ tầng chiến lược quốc gia.
Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý cần xử lý dứt điểm các vấn đề, dự án tồn đọng, kéo dài, các ngân hàng yếu kém, phương án xử lý đối với Ngân hàng SCB, các dự án đầu tư xây dựng cơ sở 2 của các Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức.
Cùng với đó, khẩn trương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án nêu trong Đề án 153.
Hoàn thành hỗ trợ nhà ở cho các hộ dân ảnh hưởng bởi thiên tai
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đề nghị các bộ trưởng, lãnh đạo địa phương đặc biệt lưu ý tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt năm nhóm nhiệm vụ, giải pháp quan trọng, cấp thiết.
Một là, ưu tiên cho tăng trưởng, thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống và đẩy mạnh các động lực tăng trưởng mới.
Hai là, không để thiếu lương thực, thực phẩm, điện, xăng dầu, nước, thuốc, vật tư y tế, các vật tư đầu vào cho sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân.
Ba là, phối hợp với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, các ủy ban của Quốc hội chuẩn bị kỹ các luật, nghị quyết trình Quốc hội theo hướng tăng cường phân cấp, phân quyền, giảm thủ tục hành chính, vừa quản lý được, vừa kiến tạo phát triển, huy động mọi nguồn lực phát triển.
Bốn là, hoàn thành việc hỗ trợ nhà ở với các hộ dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, triển khai gói tín dụng 140.000 tỉ đồng phát triển nhà ở xã hội và hưởng ứng phong trào thi đua xóa nhà tạm, nhà dột nát trên toàn quốc.
Năm là, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, tạo việc làm, sinh kế, nâng cao đời sống tinh thần, vật chất cho người dân.
Thủ tướng cũng nêu rõ Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cần chú ý lắng nghe các ý kiến, khuyến nghị của người dân, doanh nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức quốc tế, nhà đầu tư, các, tiếp thu cầu thị, có giải pháp, nhiệm vụ kịp thời, phù hợp, hiệu quả.
Về kiến nghị của các địa phương, các bộ trưởng, trưởng ngành theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền tập trung chỉ đạo chủ động tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc, kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền về những vấn đề vượt thẩm quyền.
Tinh thần là rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm.
Thủ tướng Phạm Minh Chính