Ngày 3-1, ông Saad Hariri, Thủ tướng Lebanon, có chuyến bay không báo trước sang Saudi Arabia. Ban đầu, mọi người vẫn nghĩ đó là chuyến thăm định kỳ của ông Hariri đến nước đỡ đầu chính trị. Nhưng ngày tiếp theo, 4-11, ông Hariri bất ngờ thông báo từ chức qua một video phát trên truyền hình từ thủ đô Riyadh của Saudi Arabia. Tới giờ, ông Hariri vẫn chưa trở về Lebanon.
Ngày 10-11, phong trào vũ trang Hezbollah do Iran bảo trợ, một phần trong liên minh cầm quyền của ông Hariri ở Lebanon, cáo buộc Saudi Arabia cưỡng ép giữ người. Trong khi đó, chính phủ Saudi Arabia nói đang bảo vệ ông Hariri khỏi một âm mưu ám sát.
Các nhà phân tích và các nhà ngoại giao khu vực giờ đang tính toán diễn biến mới nhất liên quan ông Hariri liệu có kích ngòi nổ chiến tranh ở khu vực hay không.
Chỉ vài giờ sau khi ông Hariri tuyên bố từ chức, một tên lửa đạn đạo được phóng từ lãnh thổ nhóm nổi dậy Houthi ở Yemen vào gần sân bay quốc tế Riyadh nhưng bị bắn chặn trước khi đến mục tiêu. Cả Saudi Arabia và Mỹ đều khẳng định đây là tên lửa Qiam-1 do Iran sản xuất, cáo buộc cả Iran và Hezbollah có vai trò trong vụ này.
Áp phích ông Saad Hariri, người vừa từ chức thủ tướng Lebanon tuần trước, trên đường phố Beirut (Lebanon). Ảnh: AP
Ngày 6-11, các quan chức Saudi Arabia tuyên bố xem vụ bắn tên lửa này là hành động chiến tranh của Iran và Lebanon. Và ngày 9-11, Saudi Arabia yêu cầu công dân mình rời khỏi Lebanon.
Trường hợp ông Hariri và diễn biến Saudi Arabia yêu cầu công dân rời Lebanon đang làm căng thẳng Trung Đông leo thang rất cao, gây lo ngại về rủi ro xung đột quân sự ở khu vực.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson ngày 10-11 cảnh cáo: “Tất cả các bên, dù trong hay ngoài Lebanon, không được sử dụng Lebanon như một nơi để tạo xung đột hay gây bất ổn nước này”. Thông điệp này nhằm gửi tới cả Hezbollah, Saudi Arabia và Iran.
Ngay cả trước khi chuyện ông Hariri xảy ra, các nhà phân tích và các quan chức trong khu vực cũng đã gia tăng lo ngại về nguy cơ bất ổn, đến từ tổng hòa các yếu tố nguy cơ: các lãnh đạo Saudi Arabia liên tục đe dọa sẽ ra tay kiềm chế ảnh hưởng của Iran, Mỹ thể hiện ý gắn kết với các chính sách của Saudi Arabia, Israel cảnh báo có thể chiến tranh với Hezbollah.
Theo các chuyên gia, Saudi Arabia - vốn đang mắc kẹt trong cuộc chiến tranh với Yemen - sẽ bắt đầu một cuộc chiến mới nữa. Nhưng Israel, vốn từng chiến tranh với Hezbollah năm 2006, ngày càng lo ngại về thực tế Hezbollah mở rộng kho vũ khí ở biên giới phía Bắc của mình.
Ngày 10-11, ông Hassan Nasrallah - lãnh đạo Hezbollah cáo buộc Saudi Arabia đã yêu cầu Israel tấn công Lebanon. Ông Nasrallah không cung cấp chứng cứ cho cáo buộc này. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích khu vực và phương Tây, viễn cảnh này hoàn toàn có thể xảy ra.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu lâu nay luôn xem Iran là kẻ thù lớn nhất của Israel. Chưa kể nguy cơ Iran có vũ khí hạt nhân, Israel còn ngán ngại Iran lợi dụng nội chiến Syria để tấn công Israel, hay mở hành lang từ Iran qua Iraq, qua Syria đến Lebanon để cung cấp vũ khí cho Hezbollah chống lại Isrrael.
Hiện chưa có dấu hiệu gì Israel đang chuẩn bị chiến tranh với Lebanon, không có chuyện huy động quân đội đến biên giới với Lebanon hay kêu gọi nhập ngũ. Các nhà lên kế hoạch chiến tranh Israel đều cho rằng một cuộc chiến nữa với Hezbollah sẽ rất tàn khốc, đặc biệt nếu nó không kết thúc sớm trong vài ngày. Hezbollah hiện có hơn 120.000 tên lửa, đủ để áp đảo hệ thống tên lửa phòng thủ của Israel. Phần nhiều trong số này là tên lửa tầm xa, đủ sức đánh phá các mục tiêu quan trọng ở Israel.
Trong khi đó, theo các nhà phân tích chuyên nghiên cứu về Hezbollah, nhóm vũ trang này cũng không mong muốn chiến tranh với Israel. Hezbollah đang dính líu vào cuộc chiến Syria, ủng hộ Tổng thống Bashar al-Assad. Tuy nhiên theo tướng về hưu Israel Giora Eiland, cựu lãnh đạo Hội đồng An ninh Quốc gia Israel, vì lệ thuộc vào sự hỗ trợ của Iran, Hezbollah có thể sẽ không thể từ chối chiến tranh với Israel một khi Iran chỉ đạo.