Ngày 24-7, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã tuyên bố đổ lỗi cho Mỹ tác động đến vụ Philippines kiện Trung Quốc.
Tân Hoa xã đưa tin trả lời tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định như trên khi nhắc đến phát biểu của Trợ lý ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (Mỹ) hai hôm trước.
Ông Daniel Russel đã khẳng định trọng tài là giải pháp duy nhất để Trung Quốc và Philippines giải quyết vấn đề tranh chấp ở biển Đông.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng nhiều năm nay Trung Quốc chủ trương vấn đề tranh chấp ở biển Đông phải được giải quyết bằng đàm phán song phương. Nay Mỹ ủng hộ giải pháp trọng tài của Philippines thì Mỹ đã hành xử như “trọng tài ngoài tòa án”.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tiếp tục lặp lại lời kêu gọi đàm phán với Nhật về khai thác chung nguồn tài nguyên dầu khí trên vùng biển tranh chấp Hoa Đông.
Ngày 24-7, người dân Philippines đã tham gia biểu tình phản đối Trung Quốc quân sự hóa trên biển Đông (Philippines gọi là biển Tây Philippines). Ảnh: GMA
Hôm trước đó, Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Trình Vĩnh Hoa cho rằng Nhật lên án các giàn khoan của Trung Quốc trên biển Hoa Đông là vô căn cứ vì các giàn khoan không thuộc vùng biển tranh chấp.
Báo Asahi Shimbun (Nhật) ngày 24-7 đã đăng bài bình luận với đầu đề “Tokyo và Bắc Kinh phải tránh vòng xoáy ngờ vực lẫn nhau trên biển Hoa Đông”.
Báo nêu sự kiện chính phủ Nhật công bố các bức không ảnh chụp 16 giàn khoan Trung Quốc trên đường trung tuyến Nhật-Trung trên biển Hoa Đông.
Báo đã nhắc lại hồi tháng 6-2008, hai nước đã ký thỏa thuận về khai thác chung các mỏ khí, sau đó đàm phán về khai thác đã bị ngưng do vấn đề tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, tuy nhiên thỏa thuận này vẫn có hiệu lực.
Báo khẳng định hoạt động đơn phương của Trung Quốc nhằm thay đổi nguyên trạng là hoàn toàn không thể chấp nhận được.
Báo đề nghị chính phủ Nhật yêu cầu Bắc Kinh ngừng hoạt động khai thác và quay trở lại bàn đàm phán.
Trong khi đó, trả lời tạp chí Time (Mỹ) ngày 23-7, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nhấn mạnh: Trung Quốc cần phải cân bằng giữa mong muốn duy trì quan hệ hữu nghị với các nước láng giềng và bảo vệ lợi ích riêng của Trung Quốc trong các vấn đề như tranh chấp biển Đông.
Ông nói: “Singapore không tham gia tranh chấp nhưng Singapore có lợi ích để vấn đề tranh chấp được quản lý và giải quyết theo phương cách hòa bình, phù hợp luật pháp quốc tế và công ước (Công ước LHQ về Luật Biển) và chúng tôi có lợi ích về tự do hàng hải và tự do bay qua”.
Trả lời câu hỏi vậy Singapore sẽ nói gì với Trung Quốc, ông cho biết: Trung Quốc có quyền yêu cầu quyền lợi nhưng cùng lúc phải quan sát tương quan rộng hơn và tính toán để cách thức xử lý vấn đề biển Đông được xem như dấu chỉ của một cường quốc Trung Quốc biết khẳng định chỗ đứng trên thế giới.
Trung Quốc có thể sử dụng các đảo nhân tạo trên biển Đông để cản trở Mỹ hỗ trợ Đài Loan nếu xảy ra khủng hoảng. Chuyên gia Bonnie Glaser (Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế ở Mỹ) nhận định như trên tại hội thảo thường niên về biển Đông lần thứ 5 ở Washington hôm 23-7. Bà nhận định sự kiện quan trọng nhất ở biển Đông trong năm qua là hoạt động cải tạo đá và rạn san hô thành đảo nhân tạo của Trung Quốc. ______________________________________ Hoạt động của Trung Quốc trong khu vực cho thấy Trung Quốc đang cố bành trướng trên biển để làm như chuyện đã rồi như đã từng làm ở biển Đông, nơi Trung Quốc đã chiếm nhiều đá tranh chấp. Báo ASAHI SHIMBUN (Nhật) |