Báo South China Morning Post (Hong Kong) ngày 29-6 đưa tin tuần san Quan Điểm Phương Đông (Trung Quốc) vừa tiết lộ chi tiết các phi vụ tuần tra trên biển Đông của hải quân Trung Quốc.
Tuần san này cho biết hạm đội Bắc Hải đã điều động máy bay tuần tra trên biển Đông tối thiểu 5-6 năm nay. Ảnh chụp trên tuần san cho thấy các máy bay vận tải Y-8 đã được cải tạo lại thành máy bay do thám.
Mỗi phi công phải trải qua sáu tháng làm nhiệm vụ mỗi năm. Thời gian mỗi chuyến tuần tra kéo dài 6-7 tiếng. Trong khi đó, các phi công chỉ được huấn luyện bốn tháng, tức ngắn hơn quy định quốc tế.
Đơn vị máy bay tuần tra mang tên “Chim ưng biển” là đơn vị đa chức năng duy nhất đảm trách cảnh báo sớm phòng không, chỉ huy và kiểm soát, thông tin dữ liệu chiến thuật, chỉ định mục tiêu từ xa.
Các nhiệm vụ chủ yếu là giám sát và thu thập thông tin về các giàn khoan dầu và hoạt động cải tạo đất của các nước có tranh chấp đồng thời xác định vị trí tàu chiến nước ngoài trên biển.
Theo tuần san nêu trên, các máy bay của Trung Quốc và của nước ngoài thường gặp nhau trên biển và thường bám sát nhau 20-30 m trong hơn một tiếng.
Sân bay Đại Sơn là một trong số ít cơ sở có máy bay không người lái đã được biết đến ở Trung Quốc. Ảnh: DIGITALGLOBE
Khi được hỏi về vấn đề này, chuyên gia Antony Wong Dong ở Macau nhận định quả thật cần phải lo ngại về an toàn bay trên biển bởi lẽ thời gian huấn luyện của các phi công Trung Quốc quá ngắn. Rõ ràng nguy cơ va chạm trên biển rất dễ xảy ra!
Chuyên gia Leung Kwok-Leung ở Hong Kong nhận định đây là lần đầu tiên báo chí Trung Quốc tiết lộ chi tiết tình hình tuần tra trên vùng biển tranh chấp.
Trong khi đó, trang web bellingcat.com của Anh ngày 29-6 đã đăng bài viết với tựa đề “Ảnh vệ tinh phát hiện căn cứ máy bay không người lái mới của Trung Quốc”.
Bài viết cho biết các ảnh vệ tinh do công ty Mỹ DigitalGlobe chụp hồi tháng 4 mới rồi đã cho thấy ba máy bay không người lái BZK-005 đậu trước hầm máy bay trên đảo Đại Sơn thuộc TP Chu Sơn (tỉnh Chiết Giang).
Các máy bay không người lái ở căn cứ này hoạt động tối thiểu từ hai năm nay.
Điều này không có gì ngạc nhiên vì từ năm 2012 Trung Quốc đã hô hào xây dựng 11 căn cứ máy bay không người lái mới dọc bờ biển dài 14.500 km.
Lúc bấy giờ Đại tá Lý Kiệt ở Học viện Hải quân Bắc Kinh gợi ý dùng máy bay không người lái để theo dõi máy bay không người lái Mỹ.
Thế nhưng tháng 9-2013, Nhật phát hiện máy bay không người lái BZK-005 bay trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Theo hình ảnh vệ tinh, Trung Quốc bắt đầu cải tạo sân bay Đại Sơn từ giữa năm 2010 đến năm 2013 và đã xây hai cơ sở bảo trì mới.
Khu vực đầu tiên có bảy hầm chứa máy bay, mỗi hầm rộng 22 x 27 m đủ để hai máy bay không người lái. Khu vực thứ hai có một doanh trại. Hoạt động xây dựng nơi này bắt đầu từ đầu năm nay.
Trang web bellingcat.com ghi nhận tính đến diễn biến biển Đông hiện nay, có thể Trung Quốc sẽ sử dụng máy bay không người lái để do thám.
Tân Hoa xã đưa tin tại cuộc họp báo ngày 29-6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo hội nghị lần thứ 14 nhóm công tác chung về thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông giữa Trung Quốc và ASEAN sẽ diễn ra tại Kuala Lumpur (Malaysia) trong ba ngày từ ngày 1-7. Người phát ngôn cho biết Trung Quốc và ASEAN sẽ thảo luận về thực hiện toàn diện và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông, tăng cường hợp tác thiết thực trên biển và tiếp tục thúc đẩy tham vấn về Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông. _____________________________________ 2013 là năm Bộ Quốc phòng Mỹ đã ghi nhận hoạt động của Trung Quốc trong hệ thống không người lái rất đáng báo động. |