Thủ tướng mổ xẻ chuyện giải ngân vốn đầu tư công bị 'nghẽn'

Sáng nay (26-9), Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về thúc đẩy phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2019. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị.

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: Đầu tư công đóng góp lớn vào tăng trưởng, phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, nhất là các công trình hạ tầng quan trọng. Đầu tư công chiếm tới 10,7% tổng giá trị GDP, khoảng 32% tổng mức đầu tư toàn xã hội năm 2019.

Tình trạng chậm giải ngân đầu tư công từ gần chục năm qua đã tạo ra “nút thắt cổ chai” đối với nền kinh tế. Tình trạng chậm giải ngân này không phải năm nay mà nhiều năm qua nhưng đặc biệt năm nay giải ngân thấp.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị làm rõ các nguyên nhân của tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công. Ảnh: VPG

Thủ tướng cho rằng giải ngân vốn đầu tư công chậm ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế, kéo lùi các dòng vốn đối ứng khác của tư nhân, ảnh hưởng đến uy tín quốc gia, giảm niềm tin của các nhà đầu tư và các nhà tài trợ, gây lãng phí lớn và tăng chi phí, tăng nợ nần.

Tại hội nghị, Thủ tướng đề nghị phải làm rõ hơn những nguyên nhân khách quan, chủ quan cơ bản của tình trạng chậm giải ngân. “Các đồng chí nói là mặt bằng, thủ tục, năng lực thi công, nhất là thể chế… nhưng có nhiều địa phương, nhiều ngành cùng tình trạng như vậy nhưng giải ngân hết sức tốt, 70%-80%, có địa phương đạt cao hơn nữa. Nhưng có nhiều ngành, địa phương thì giải ngân chỉ 10%-15%. Chúng ta phải thấy trách nhiệm trước đất nước, trước xã hội chứ không thể đổ cho nguyên nhân khách quan” - Thủ tướng nói.

“Tại sao người ta làm được mình lại chậm trễ? Chậm do vốn, thủ tục phức tạp hay tinh thần, thái độ không tích cực? Có những chủ trương giải phóng mặt bằng cả năm rưỡi rồi nhưng đến giờ phút này vẫn ì xèo, tiền không ra khỏi tài khoản, ra xã hội được” - Thủ tướng nói.

Điều quan trọng nhất, theo Thủ tướng, là đưa ra các giải pháp thiết thực, cụ thể, sát đúng, mạnh mẽ hơn để công tác giải ngân tốt hơn khi còn ba tháng nữa là kết thúc năm 2019, cũng như rút kinh nghiệm năm nay để sang năm giải ngân kịp thời hơn, chặt chẽ hơn. “Làm tốt cũng nói, làm không tốt cũng phải nói ra để chúng ta rút kinh nghiệm chung”.

Thủ tướng nhấn mạnh quyết cắt vốn, chuyển vốn từ các công trình, dự án của bộ, ngành, địa phương không giải ngân được để các bộ, ngành, địa phương khác sử dụng có hiệu quả, kịp thời hơn.

Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết vấn đề phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công vẫn là một “điểm mờ” trong bức tranh sáng của tổng thể của nền kinh tế.

“Việc phân tích, làm rõ các nguyên nhân khách quan, chủ quan, trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, từng cá nhân để rút ra bài học kinh nghiệm, đề ra các giải pháp hiệu quả là rất cần thiết” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng.

Báo cáo của Bộ KH&ĐT nói đến rất nhiều nguyên nhân khiến đầu tư công chậm giải ngân vốn nhưng nói rằng: Nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu, trong đó công tác kế hoạch hóa đầu tư công còn nhiều bất cập cả ở các cơ quan tổng hợp và ở các bộ, ngành, địa phương, lập kế hoạch chưa sát với thực tế, chưa tính toán kỹ khả năng giải ngân, có tâm lý xây dựng nhu cầu vốn cao nhưng phân bổ cho các dự án chưa hợp lý, chưa phù hợp với nguyên tắc, thứ tự ưu tiên, thậm chí còn dự kiến bố trí cho những dự án chưa đủ thủ tục nên dẫn tới không thể giao được kế hoạch theo quy định pháp luật…

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói bài học rút ra là một mặt, các cấp, các ngành phải có trách nhiệm trong việc quản lý, sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công. Đây là tiền thuế đóng góp của người dân, việc phân bổ, giao kế hoạch, giải ngân vốn đầu tư công ảnh hưởng rất lớn đến kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, nên phải nhanh, hiệu quả và phải đảm bảo đúng pháp luật.

Mặt khác, để giải quyết vấn đề phân bổ và giải ngân chậm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng cần phải xây dựng giải pháp tổng thể, đồng bộ từ thể chế, pháp luật đến công tác chỉ đạo, điều hành, đôn đốc, thực hiện, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và phải có chế tài đối với các hành vi vi phạm pháp luật, sách nhiễu, tiêu cực, lợi ích nhóm, cố tình làm chậm tiến độ phân bổ và giải ngân.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm