Tại hội nghị trực tuyến Chính phủ về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) ngày 27-4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh phải xử lý nghiêm túc từ hành chính đến hình sự nhằm bảo đảm an toàn mạng sống cho người dân. Không thể để vấn đề lớn như thế, dân đang kêu mà chỉ xử lý chung chung, không ai chịu trách nhiệm.
Dân đang kêu mà chỉ xử lý chung chung
“Chúng ta đã thấy rõ những thách thức về ATTP hiện nay, chỉ thị cũng đã có rồi. Vì thế chúng ta phải triển khai một cách đồng bộ xuyên suốt từ trung ương đến địa phương. Và phải làm rõ việc để xảy ra thực phẩm bẩn đã ảnh hưởng lớn trực tiếp đến người dân nhưng không ai chịu trách nhiệm. Thực phẩm xảy ra ở xã, phường thì địa phương phải chịu trách nhiệm. Ở trung ương, bộ trưởng phải chịu trách nhiệm. Phải làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu của từng địa phương” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng yêu cầu phải thay đổi cách tiếp cận trong quản lý ATTP, nêu rõ những bất cập, đề ra những giải pháp cụ thể, lựa chọn các loại thực phẩm cụ thể, nhất là thực phẩm tươi sống, gắn bó thường nhật với đời sống người dân để tập trung giám sát, nhằm tạo sự chuyển biến rõ nét về quản lý ATTP.
Thủ tướng đề nghị phải có cách xử lý vấn đề tận gốc.
“Giáo dục mãi cũng không phải là tốt, phải xử lý nghiêm! Một số cơ quan phải ra tay trong vấn đề này, công an, thanh tra, quản lý thị trường phải tham gia, từ xử lý hành chính đến xử lý hình sự để răn đe các cá nhân, tổ chức vi phạm, bảo vệ mạng sống của nhân dân” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu phải làm rõ trách nhiệm cá nhân trong việc quản lý ATTP. Ảnh:VGP
Vẫn còn tình trạng bao che
Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng cũng cho rằng một trong những nguyên nhân hàng đầu là không xác định được trách nhiệm, không ai bị kỷ luật khi để tình trạng mất VSATTP tràn lan. Thứ hai chính là tổ chức, quy mô công tác thanh tra, kiểm soát của lực lượng chức năng không tốt, không nghiêm, còn tình trạng bao che, thông đồng vì lợi nhuận từ thực phẩm bẩn, thực phẩm lậu. Bí thư Đinh La Thăng cho rằng phải xác định rõ quyền hạn cụ thể của các cấp trong việc kiểm tra, xử lý, chẳng hạn như việc nhập khẩu salbutamol.
“Người ta cho phép anh nhập chỉ có 10 kg sabutamol mà anh nhập đến 10 tấn thì hòa cả làng rồi. Cái này phải làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm bất kỳ ai để mất an toàn thực phẩm” - Bí thư Đinh La Thăng nói.
“Hiện nay lò mổ bất hợp pháp, cơ sở mất vệ sinh xã, phường biết nhưng không ai bị xử lý cả, đây là trách nhiệm của bí thư, chủ tịch. Chúng ta cần phải xác định xử lý trách nhiệm cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan đến tình trạng lộn xộn, bất cập trong quản lý ATTP hiện nay. Cấp trên để xảy ra thì phải chịu trách nhiệm, không thể đổ lỗi cho cấp dưới” - Bí thư Thăng đề xuất.
Bí thư Đinh La Thăng đề nghị Thủ tướng cho phép các địa phương được chủ động tổ chức bộ máy quản lý ATTP trên nguyên tắc không tăng biên chế và kiến nghị cho phép TP.HCM thí điểm thành lập cơ quan thống nhất quản lý về ATTP, tiền xử phạt được để lại địa phương để đầu tư cho công tác quản lý, bảo đảm VSATTP. Đối với lực lượng thực thi trong quản lý ATTP, Bí thư Đinh La Thăng cho rằng cần phải rà soát, chấn chỉnh, bố trí đúng vai trò chức năng, nhiệm vụ.
“Tiếp tục tăng cường quản lý VSATTP nhưng các bộ ngành, địa phương không được quy định thêm “giấy phép con”, đồng thời xử phạt thật nặng để đảm bảo chặn đứng hiệu quả việc vi phạm ATTP” - Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng nhấn mạnh.
Hướng dẫn nông dân thực hiện ATTP
Thượng tướng Bùi Văn Nam, Thứ trưởng Bộ Công an, cho biết trong thời gian tới, lãnh đạo Bộ sẽ tiếp tục chỉ đạo lực lượng cảnh sát môi trường kiên quyết trong điều tra, phát hiện, xử lý các vi phạm nghiêm trọng về VSATTP.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đề nghị quy trách nhiệm theo đúng luật đồng thời cần tăng cường năng lực bộ máy, củng cố, kiện toàn ban chỉ đạo liên ngành về ATTP tại địa phương. Bộ trưởng Phát cũng đề xuất muốn có rau, thịt an toàn mà lại có hàng triệu hộ nông dân nhỏ lẻ thì không quản lý được. Do vậy, phải đưa nông dân vào hợp tác để hướng dẫn họ thực hiện theo VietGAP,
GlobalG.A.P., kết nối với doanh nghiệp phân phối.
Bộ trưởng Cao Đức Phát đề nghị phải thay đổi cách làm từ theo kế hoạch sang đột xuất, đi cùng với tăng cường giám sát, xử lý nghiêm, truy đến cùng nguồn gốc thực phẩm vi phạm. Ông Phát cam kết sẽ tiếp tục kiểm soát, tiến tới chấm dứt sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; cơ bản kiểm soát việc buôn lậu thuốc bảo vệ thực vật, chất bảo quản, chất cấm; cơ bản kiểm soát việc lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.
Mất ATTP ở đâu thì nơi đó chịu trách nhiệm Kết thúc hội nghị trực tuyến, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Văn phòng Chính phủ tiếp thu các ý kiến góp ý của các bộ, ngành, địa phương, sớm hoàn thiện dự thảo chỉ thị trình Thủ tướng ký ban hành. Thủ tướng nhấn mạnh ATTP không chỉ là vấn đề giống nòi dân tộc mà còn là uy tín quốc tế của đất nước. Chúng ta chưa thành công trong quản lý ATTP do vậy cần giải pháp mạnh, kiên quyết để quản lý. “Phải làm rõ trách nhiệm cá nhân trong quản lý ATTP. Nếu chúng ta không quy trách nhiệm người đứng đầu thì khó thành công” - Thủ tướng nói. Việc xảy ra tại xã, tại huyện, tại tỉnh thì lãnh đạo xã, huyện, tỉnh phải chịu trách nhiệm, tiếp đó là lãnh đạo các ngành phải chịu trách nhiệm. Nhấn mạnh phải có tổ chức đủ sức để làm việc này, Thủ tướng yêu cầu: “Trưởng ban chỉ đạo ATTP phải do chủ tịch UBND tỉnh, thành phố đảm nhiệm”. |