Chính phủ trong phiên họp định kỳ hằng tháng thường bắt đầu bằng nghe báo cáo, thảo luận tình hình kinh tế-xã hội của tháng trước và những giải pháp điều hành của Chính phủ thời gian tiếp theo. Thế nhưng phiên họp lần này (kéo dài hai ngày 1 và 2-6), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lại đưa lên hàng đầu nội dung về công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thuộc trách nhiệm của Chính phủ.
Dồn sức xây dựng thể chế
Báo cáo của Văn phòng Chính phủ cho thấy với các luật sẽ có hiệu lực từ ngày 1-7 tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phải ban hành 48 văn bản quy định, hướng dẫn chi tiết. Thế nhưng đến nay mới chỉ ban bành được 14 văn bản. Đấy là chưa kể ba văn bản liên quan đến các luật có hiệu lực từ năm 2015, 2016 nhưng đến nay Chính phủ vẫn đang nợ.
Ngoài số văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ, Thủ tướng, con số nợ đọng lớn hơn còn là 91 thông tư và 13 thông tư liên tịch của các bộ, ngành chưa biết có kịp ban hành để có hiệu lực vào ngày 1-7 tới không. Đó là chưa kể chiếu theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015, từ sau ngày 1-7, những vấn đề liên bộ sẽ phải xử lý bằng nghị định. Như thế, các thông tư liên tịch không kịp ban hành sẽ phải nâng lên thành nghị định, tức chuyển sang trách nhiệm cho Chính phủ.
Cũng phải nói rõ rằng món nợ trên chưa dính dáng gì tới Luật Doanh nghiệp (DN) và Luật Đầu tư - hai luật xương sống của thể chế kinh tế thị trường mà Quốc hội và Chính phủ đang kỳ vọng sẽ mang lại những động lực mới cho cộng đồng kinh doanh đang có dấu hiệu đuối sức. Hai luật này đều có hiệu lực từ ngày 1-7 tới nhưng để phát huy hiệu quả thì còn cần thêm 49 nghị định quy định chi tiết thi hành. Chính phủ đã rất nỗ lực và đến nay các bộ, ngành đã soạn thảo xong, trình Chính phủ được 35 dự thảo. Số còn lại vẫn tiếp tục hoàn thiện các quy trình, thủ tục trước khi trình ra tập thể Chính phủ cho ý kiến.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5. Ảnh: TTXVN
Khó khăn lớn nhất liên quan đến hai luật này là rà soát các điều kiện kinh doanh vốn nằm rải rác ở nhiều thông tư, xem quy định nào còn phù hợp thì giữ lại, quy định nào cần loại bỏ. Những phần giữ lại thì phải hệ thống hóa theo nhóm lĩnh vực quản lý, nâng lên thành nghị định. Cuối tháng 4, Thường trực Chính phủ đã họp, ra giải pháp tháo gỡ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có hướng dẫn. Thế nhưng đến lúc này nhiều bộ vẫn còn lúng túng, không phân biệt được điều kiện đầu tư, kinh doanh với quy trình, quy chuẩn kỹ thuật, ảnh hưởng nhiều đến tiến độ dự thảo.
Mổ xẻ những hạn chế nêu trên, Văn phòng Chính phủ cho rằng nguyên nhân chủ yếu là các bộ, ngành chưa chủ động tổ chức, nghiên cứu, soạn thảo văn bản ngay từ khi luật mới ban hành. Bản thân từng cơ quan thiếu cải tiến, linh hoạt trong thực hiện quy trình, thủ tục soạn thảo. Với hai luật quan trọng liên quan đến thể chế kinh tế, từ tháng 8-2015, Chính phủ đã có nghị quyết yêu cầu khẩn trương triển khai luật nhưng các bộ liên quan chưa thực sự quan tâm, ưu tiên.
Không đặt quy định mới gây khó doanh nghiệp
“Một câu hỏi lớn đặt ra là vì sao chúng ta vẫn chưa phát triển mạnh?”. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu câu hỏi ngay phần đầu phiên họp Chính phủ. Và Thủ tướng cũng thẳng thắn trả lời: “Một nguyên nhân rất quan trọng là vấn đề cải cách hành chính, bộ máy, thủ tục cho người dân và DN. Chúng ta chưa tạo môi trường tốt cho sự phát triển; pháp luật còn ràng buộc, tính minh bạch còn hạn chế; rồi vấn đề đạo đức công vụ, trách nhiệm của người đứng đầu, bộ máy cán bộ, công chức nơi này, nơi khác…”.
Vậy nên Thủ tướng nhấn mạnh tại phiên họp này, các thành viên Chính phủ cần bàn mạnh, nhấn mạnh vai trò của thể chế. Cần kiểm điểm xem Chính phủ còn nợ gì về thể chế, hướng khắc phục ra sao, còn vướng mắc gì cần tháo gỡ, đặc biệt là trong việc thi hành Luật DN, Luật Đầu tư.
Giải pháp tháo gỡ ấy có thể tìm thấy ngay trong Nghị quyết 35 về phát triển DN mà Chính phủ vừa ban hành mấy ngày trước. Theo đó, việc soạn thảo, thảo luận các văn bản liên quan đến thi hành Luật DN, Luật Đầu tư cần theo hướng kiên quyết cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh, loại bỏ giấy phép con bất hợp lý, đồng thời không đặt thêm quy định mới gây khó khăn cho DN. Với những điều kiện đầu tư kinh doanh giữ lại cần phải quy định rõ ràng, minh bạch, dễ thực hiện; đơn giản hóa tiền kiểm, tăng cường hậu kiểm, tạo thuận lợi cho DN làm ăn đúng pháp luật.
Về phía Chính phủ, Thủ tướng cho biết trong tháng 6, Chính phủ sẽ mở một phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật để kịp thông qua các nghị định liên quan tới các luật có hiệu lực từ ngày 1-7.