Sáng 24-11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị trực tuyến của Chính phủ về công tác xây dựng, hoàn thiện và thi hành pháp luật. Tại hội nghị, Thủ tướng lưu ý nhiều vấn đề quan trọng về xây dựng chính sách pháp luật và “phải giữ được liêm chính trong thực thi pháp luật”.
Công tác thi hành pháp luật vẫn là khâu yếu
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội (QH) Uông Chu Lưu nhận định hệ thống pháp luật của Việt Nam ngày càng đầy đủ, công khai, minh bạch và bao quát hết tất cả lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, hiện vẫn còn các hạn chế như còn những quy định chưa đồng bộ, tính khả thi, ổn định của chính sách chưa cao, nhiều chính sách còn chồng chéo, mâu thuẫn. Đặc biệt, công tác thi hành pháp luật vẫn là khâu yếu.
“Trong thực thi pháp luật, chúng ta thấy có hiện tượng người ta vi phạm pháp luật một cách rất hồn nhiên, ý thức chấp hành pháp luật chưa nghiêm túc, nhất là việc chấp hành pháp luật về an toàn giao thông, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường…” - Phó Chủ tịch QH nói.
Theo đó, ông đề nghị cần phải nhanh chóng khắc phục, hoàn thiện các bất cập trong xây dựng chính sách pháp luật, nhất là phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành của các cá nhân, tổ chức trong tuân thủ và thực hiện pháp luật…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP
Ở một khía cạnh khác, GS-TS Hoàng Thế Liên, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp, nhấn mạnh điều kiện tất yếu để một quốc gia thịnh vượng là phải xây dựng được một nhà nước pháp quyền, có hệ thống pháp luật hoàn thiện. Theo đó, hệ thống này phải đủ sức khắc phục được tình trạng làm ăn trái pháp luật, tham nhũng, tiêu cực. Nhà nước cần tận tụy thực hiện tốt các chức năng vốn có, không thực hiện những công việc mà người dân, khu vực tư nhân có thể làm được.
“Cùng với đó, chúng ta hoàn thiện thể chế để đấu tranh, tiến tới xóa bỏ cho được những thói xấu như cục bộ, cửa quyền, cát cứ, lãng phí của công, lạm dụng của công” - GS Liên nói.
Chất lượng một số dự án luật còn kém
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói thể chế pháp luật chính là yếu tố quyết định “một quốc gia thành công hay không thành công” và việc xây dựng thể chế là nhiệm vụ quan trọng được Đảng, QH và nhân dân giao phó.
“Tuy nhiên, chúng ta thường hay lo các công việc cháy nhà, chết người, dự án này, dự án kia mà chưa quan tâm đến công tác thể chế. Chúng ta phải thay đổi thói quen này” - Thủ tướng nói.
Theo Thủ tướng, nhiều năm qua, đặc biệt là nhiệm kỳ qua, QH và Chính phủ đã coi trọng việc xây dựng thể chế, hoàn thiện hệ thống pháp luật. Mặc dù đến nay hệ thống pháp luật của Việt Nam bao phủ khá đầy đủ nhưng vẫn còn các bất cập, hạn chế. Cụ thể, chất lượng một số dự án luật còn kém, vòng đời ngắn. Công tác tổng kết thực tiễn, đánh giá tác động của các dự luật làm chưa kỹ, dẫn đến tình trạng “nhiều văn bản mới ra đời đã phải sửa chữa”.
“Đặc biệt là xin lùi, xin rút vẫn còn. QH phải kêu nhiều. Nhất là công tác thi hành pháp luật, đưa pháp luật vào cuộc sống còn chưa có cơ chế đồng bộ, hiệu quả” - Thủ tướng nói.
Bên cạnh đó, tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết luật chưa khắc phục triệt để, nhiều văn bản trái luật về nội dung, thẩm quyền, nhiều quy định chồng chéo nhau. Sự phối hợp với bộ ngành yếu, cán bộ làm công tác pháp luật vừa thiếu vừa yếu. Nguồn tài chính cho công tác xây dựng pháp luật chưa đáp ứng với yêu cầu của thực tiễn.
Sáng 17-11, đã có 302 ĐBQH không đồng ý tách Luật Giao thông đường bộ thành hai luật (chiếm 62,7% tổng số ĐBQH). Về vấn đề có chuyển chức năng quản lý, đào tạo và sát hạch cấp giấy phép lái xe từ Bộ GTVT sang cho Bộ Công an hay không, có 321 ĐBQH (chiếm 66,74%) không tán thành... Ảnh: quochoi.vn
Cực kỳ tránh "quyền anh quyền tôi"
Về phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật, nhất là thực hiện đúng kỷ cương trong xây dựng pháp luật. Đảm bảo chất lượng dự án luật, đảm bảo phù hợp với điều ước quốc tế, tôn trọng, đảm bảo quyền lợi của người dân, khắc phục được tình trạng “quyền anh, quyền tôi”…
“Hiện nay có đến 90% các dự án luật trình ra Ủy ban Thường vụ QH và QH là do các bộ của chúng ta dự thảo. Nên không thể quyền anh quyền tôi, cái gì cũng cần phải qua bộ tôi. Đây là cái cực kỳ phải tránh” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng lưu ý trong xây dựng pháp luật phải chống cho được lợi ích nhóm, tham nhũng chính sách, đặc biệt phải giữ được liêm chính trong thực thi pháp luật. “Chúng ta không chấp nhận văn bản pháp luật ban hành có nội dung không vì lợi ích của toàn xã hội mà vì lợi ích riêng của một bộ, một ngành nào đó” - Thủ tướng nói.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Tư pháp, ngành tư pháp cần tiếp tục phát huy vai trò “nhạc trưởng”, cơ quan “gác cửa” trong việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật của Chính phủ và chính quyền địa phương. Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện quy trình và hiện đại hóa kỹ thuật xây dựng pháp luật, trong đó cần quy định rõ trách nhiệm, đặc biệt là sự phối hợp có trách nhiệm và hiệu quả giữa các cơ quan được giao chủ trì soạn thảo, lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động.
Xây dựng dự án Luật về tổ chức thi hành pháp luật
Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Bộ Tư pháp tiếp tục nghiên cứu, tham mưu giúp Chính phủ xây dựng, trình QH dự án Luật về tổ chức thi hành pháp luật. Luật này nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc để thực hiện các giải pháp có tính đột phá trong việc nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật, lan tỏa tinh thần thượng tôn pháp luật trong toàn xã hội.
Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành cần kiên quyết chấm dứt tình trạng nợ đọng; kịp thời ban hành các văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh để sớm đưa các quy định của pháp luật vào cuộc sống. Các bộ, ngành thực hiện công khai tình trạng nợ đọng văn bản pháp luật của các bộ, ngành hằng tháng.
Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, chủ tịch UBND cấp tỉnh phải là người trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng, thi hành pháp luật, bố trí nguồn lực thích đáng, tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương; phân công rõ trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu đối với công tác này.