Sáng 21-10, tại phiên khai mạc kỳ họp 8 Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trình bày báo cáo tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) năm 2024, dự kiến kế hoạch phát triển KTXH năm 2025.
Nhiều kết quả nổi bật trong năm 2024
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết bối cảnh thế giới năm 2024 có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, trong nước phải khắc phục nhiều hạn chế, khó khăn… nhưng với tinh thần “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, tình hình KTXH năm 2024 đã "tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước".
Cụ thể, chín tháng năm 2024 đạt nhiều kết quả quan trọng, cao hơn cùng kỳ trên hầu hết các lĩnh vực. Ước cả năm có 14/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, nổi bật là chỉ tiêu tăng năng suất lao động vượt kế hoạch đề ra, sau ba năm không đạt.
“Nếu chỉ tiêu GDP tăng trưởng trên 7% thì chỉ tiêu GDP bình quân đầu người sẽ đạt. Như vậy cả 15/15 chỉ tiêu về KTXH năm 2024 sẽ đạt” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Cụ thể, tăng trưởng GDP chín tháng đầu 2024 đạt 6,82%; ước cả năm đạt 6,8 - 7%, cao hơn mục tiêu Quốc hội giao (6 - 6,5%), thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới, được nhiều tổ chức quốc tế lớn, có uy tín đánh giá cao.
Đầu tư phát triển đạt kết quả tích cực, có trọng tâm, trọng điểm, trong đó đã hoàn thành Dự án 500kV mạch 3 Quảng Bình - Hưng Yên sau hơn sáu tháng thi công, hoàn thành một số đoạn đường bộ cao tốc, nâng tổng chiều dài lên 2.021 km…
Cơ cấu nền kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, tăng tỉ trọng khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, giảm tỉ trọng khu vực nông nghiệp, dịch vụ duy trì đà phục hồi tốt…
Đặc biệt, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết các lĩnh vực văn hoá, xã hội, giáo dục, đào tạo cũng được chú trọng đầu tư, phát triển để người dân được thụ hưởng các thành quả về phát triển KTXH.
“An sinh xã hội được bảo đảm. Thực hiện tăng lương cơ sở và điều chỉnh lương hưu, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công, trợ cấp xã hội từ ngày 1-7-2024, đồng thời triển khai hiệu quả các giải pháp để bảo đảm tăng lương nhưng không tăng giá. Thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Tín dụng chính sách xã hội được đẩy mạnh” – Thủ tướng nhấn mạnh.
Các giải pháp, chính sách giảm nghèo bền vững được triển khai hiệu quả theo tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”; tỷ lệ hộ nghèo giảm 1%, còn 1,93%; chỉ số hạnh phúc tăng 11 bậc, xếp thứ 54/143 trên thế giới; huy động trên 6.000 tỉ đồng cho phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát; hỗ trợ đồng bào thiệt hại bởi thiên tai...
Công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chuyển đổi số, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí được đẩy mạnh…
11 nhiệm vụ giải pháp cho năm 2025
Thủ tướng nhấn mạnh bước sang năm 2025 dự báo tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có diễn biến phức tạp, khó lường, thách thức và thời cơ, thuận lợi đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn.
Thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh cần “Đổi mới mạnh mẽ tư duy, cách nghĩ, cách làm như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Cái gì cũ mà xấu thì phải bỏ. Cái gì cũ mà không xấu nhưng phiền phức thì phải sửa đổi cho hợp lý. Cái gì cũ mà tốt thì phải phát triển thêm. Cái gì mới mà hay thì phải làm””.
Theo đó, Việt Nam sẽ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6,5 - 7% và phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn (7 - 7,5%) để đến hết năm 2025 xếp hạng 31-33 thế giới về quy mô GDP; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.900 USD…
Để thực hiện mục tiêu trên, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ 11 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cho năm 2025.
Nhiệm vụ đầu tiên là ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, tiếp tục làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới. Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công; thu hút chọn lọc vốn đầu tư nước ngoài; thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, nhất là chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức…
Tiếp nữa là giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, đồng bộ phối hợp hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác.
Đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế phát triển với tư duy đổi mới “vừa quản lý chặt chẽ, vừa kiến tạo phát triển, huy động tối đa các nguồn lực phát triển, tạo không gian phát triển mới” tạo khung khổ pháp lý để huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển.
Tập trung hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng trọng điểm, quan trọng quốc gia, nhất là các dự án mang tính chiến lược về hạ tầng giao thông, năng lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu...
Thúc đẩy cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực gắn với chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng công bằng, bền vững, phát triển các mô hình kinh doanh mới, hiệu quả. Chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
Tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nghị quyết về phát triển KTXH, bảo đảm quốc phòng an ninh sáu vùng KTXH; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; tăng cường tiềm lực quốc phòng, bảo vệ vững chắc, độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, không để bị động, bất ngờ, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội…
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ Việt nam đang đứng trước thời điểm rất quan trọng để bứt phá thực hiện mục tiêu kế hoạch năm 2024, năm 2025 và cả giai đoạn 2021 - 2025.
Ông nhìn nhận phía trước còn rất nhiều khó khăn, thách thức nhưng không khó khăn nào có thể cản được quyết tâm, sức mạnh đại đoàn kết của toàn dân tộc.
“Mỗi thách thức là cơ hội để chúng ta trưởng thành, khẳng định sức mạnh và bản lĩnh của con người Việt Nam. Hãy thắp lên ngọn lửa quyết tâm mãnh liệt, cùng nhau tiến bước để xây dựng tương lai tươi sáng cho đất nước” – Thủ tướng nhấn mạnh.