Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu 10 nhiệm vụ cho ngành tài nguyên, môi trường

(PLO)- Phát biểu chúc mừng tại lễ kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Bộ TN&MT, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu ra 10 nhiệm vụ quan trọng mà ngành tài nguyên, môi trường cần thực hiện trong thời gian tới.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 5-8, Bộ TN&MT tổ chức lễ kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Bộ (5-8-2002 - 5-8-2022).

Chuyển biến trong quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi lời chúc mừng tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động các thế hệ ngành tài nguyên, môi trường.

Thủ tướng nhấn mạnh, tài nguyên, môi trường là lĩnh vực rất rộng lớn, một yếu tố không thể thiếu đối với sự sinh tồn và phát triển của con người cũng như sự phát triển bền vững của đất nước. Đây cũng là lĩnh vực được Đảng, Nhà nước và nhân dân đặc biệt quan tâm.

20 năm qua, ngành tài nguyên môi trường đã vượt qua khó khăn, thách thức, không ngừng trưởng thành và phát triển, chủ động nắm bắt thuận lợi và thời cơ, bám sát thực tiễn phát triển của đất nước cũng như xu hướng quốc tế. Qua đó củng cố vững chắc nền tảng, khẳng định vị thế, vai trò đặc biệt quan trọng của ngành đối với sự phát triển bền vững của đất nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ kỷ niệm.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ kỷ niệm.

Ngành tài nguyên, môi trường đã làm tốt công tác tham mưu cho Đảng, Nhà nước về đổi mới chủ trương, chính sách, pháp luật trong quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Cả chín lĩnh vực quản lý của bộ đều có chuyển biến tích cực, tạo động lực mới để giải phóng các nguồn lực tài nguyên cho phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy chuyển đổi mô hình phát triển bền vững, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Công tác điều tra cơ bản tài nguyên được tăng cường; tiềm năng lợi thế về biển được phát huy; công tác bảo vệ môi trường đã tạo được chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của toàn xã hội; chất lượng dự báo, cảnh báo thời tiết, thiên tai ngày càng được nâng lên…

Đặc biệt, việc tham gia thỏa thuận lịch sử Paris về biến đổi khí hậu và tuyên bố cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 tại Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu (COP26) mang lại lợi ích kép cho Việt Nam.

Cụ thể là trong tiếp cận tri thức, công nghệ, tài chính để thực hiện tái cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn cũng như chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Các chỉ số về môi trường có sự chuyển biến, góp phần đưa chỉ số phát triển bền vững của Việt Nam lên vị trí 51/165 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng 37 bậc so với năm 2016.

10 nhiệm vụ cho ngành tài nguyên, môi trường

Nhằm thực hiện kế hoạch đến năm 2030, Việt Nam cơ bản đạt các mục tiêu phát triển bền vững về tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, Thủ tướng đề nghị toàn ngành tài nguyên, môi trường tập trung triển khai đồng bộ 10 nhiệm vụ, giải pháp.

Trước hết, toàn thể lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của ngành đoàn kết, phối hợp chặt chẽ để phát huy “sức mạnh và trí tuệ tập thể” trong thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Thứ hai, tập trung kiện toàn tổ chức bộ máy trong nhiệm kỳ Chính phủ mới, đảm bảo tinh gọn, hiệu lực hiệu quả.

Thứ ba, xây dựng bộ máy tinh gọn phải gắn với xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trách nhiệm, chuyên nghiệp, trình độ chuyên môn cao, có bản lĩnh và tầm nhìn dài hạn.

Thứ tư, đẩy mạnh phân cấp, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, rõ người, rõ việc, rõ thẩm quyền, rõ trách nhiệm, rõ hiệu quả, đề cao vai trò người đứng đầu. Thúc đẩy bộ máy hành chính vận hành tiến về phía trước với phương châm sáng tạo, hành động, hiệu quả phục vụ người dân, phục vụ doanh nghiệp.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu tham quan gian trưng bày thành tựu phát triển của ngành khí tượng thuỷ văn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu tham quan gian trưng bày thành tựu phát triển của ngành khí tượng thuỷ văn.

Thứ năm, rà soát, hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Đảm bảo đồng bộ, minh bạch phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, khơi thông, giải phóng tối đa các nguồn lực tài nguyên cho phát triển và bảo vệ môi trường sống an toàn cho Nhân dân.

Trong đó, trọng tâm là sửa đổi Luật Đất đai năm 2013, thể chế hóa quan điểm, chủ trương, giải pháp của Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII; khắc phục cho được những tồn tại, hạn chế trong quản lý sử dụng đất đai, giải phóng, phát huy nguồn lực quan trọng này cho phát triển đất nước.

Thứ sáu, tập trung hoàn thành việc lập, phê duyệt các quy hoạch, chiến lược đảm bảo khả thi, định hình không gian phát triển của đất nước với tầm nhìn dài hạ. Từ đó phân bổ, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực tài nguyên đáp ứng yêu cầu thực hiện chiến lược phát triển nhanh và bền vững.

Đưa các yêu cầu về bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên, ứng phó với biến đổi khí hậu thành một nội dung, nhiệm vụ trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ bảy, đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng tài nguyên số trên nền tảng dữ liệu lớn. Chậm nhất trong năm 2025 phải hoàn thành đưa vào vận hành hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu về đất đai quốc gia tập trung, thống nhất, đa mục tiêu, tích hợp, liên thông.

Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính tiếp cận quản lý theo mục tiêu, đánh giá dựa trên kết quả, cải cách triệt để, rút gọn, lồng ghép, thực hiện đồng thời các thủ tục hành chính, khuyến khích đổi mới sáng tạo.

Thứ tám, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên, khắc phục các tồn tại, hạn chế nhất là trong lĩnh vực đất đai, khoáng sản. Có giải pháp ứng phó hiệu quả với nguy cơ suy giảm, suy thoái nguồn nước, đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia.

Nghiên cứu cơ chế chia sẻ và giải quyết tranh chấp, xung đột trong quản lý, sử dụng tài nguyên nước xuyên biên giới, nhất là sông Mê Kông và sông Hồng. Khai thác tiềm năng, lợi thế của các vùng biển và ven biển, thiết lập hệ thống quản trị biển và đại dương, quản lý vùng bờ theo chuẩn mực quốc tế.

Phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam cơ bản có nền kinh tế biển xanh, bảo đảm các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển, cải thiện chất lượng môi trường biển, phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng.

Thứ chín, tập trung triển khai đưa Luật Bảo vệ môi trường đi vào cuộc sống. Xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường, thực hiện di dời các cơ sở sản xuất kinh doanh có nguy cơ ô nhiễm ra khỏi đô thị, khu dân cư; cải thiện rõ rệt tình trạng ô nhiễm môi trường ở các cụm công nghiệp, làng nghề, lưu vực sông...

Phát triển các ngành công nghiệp môi trường, tái chế, tái sử dụng tuần hoàn biến rác thải thành tài nguyên. Cải tạo, phục hồi chất lượng các nguồn nước sông, hồ đã bị ô nhiễm, suy thoái; cải thiện chất lượng không khí trong các đô thị, khu dân cư.

Cuối cùng là hiện đại hóa hệ thống mạng lưới khí tượng thủy văn; nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo thiên tai, thời tiết và giám sát biến đổi khí hậu. Thể chế hóa, lồng ghép yêu cầu giảm phát thải vào các quy hoạch, chiến lược, chuyển dịch mô hình phát triển nhằm đạt mục tiêu phát thải bằng “0” vào năm 2050.

Đẩy mạnh hợp tác hội nhập, thúc đẩy chuyển dịch mô hình phát triển; Nâng cao công tác truyền thông để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen của người dân cũng như ý thức trách nhiệm của doanh nghiệp…

Tại lễ kỷ niệm, Ban Tổ chức công bố các quyết định của Chủ tịch nước về trao tặng các phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước cho các tập thể và cá nhân ngành tài nguyên, môi trường.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước trao Huân chương Lao động hạng Nhất tặng Bộ TN&MT, Huân chương Lao động hạng Nhất tặng Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà.

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân trao các phần thưởng cao quý khác cho các tập thể, cá nhân thuộc Bộ TN&MT.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm