Thủ tướng Phạm Minh Chính: Sẽ đạt 5.000 km cao tốc đến năm 2030

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định sẽ đạt mục tiêu hoàn thành 3.000 km cao tốc đến năm 2025.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 28-4, tại khu vực phía bắc hầm Núi Vung, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tuyên bố khánh thành dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020, đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo, thông xe đưa vào khai thác dự án đường bộ cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt (đoạn từ Diễn Châu đến quốc lộ 46B).

Video: Thủ tướng Phạm Minh Chính: Sẽ đạt 5.000 km cao tốc đến năm 2030

Thêm hai cao tốc được khánh thành

Sự kiện này do Bộ GTVT phối hợp UBND các tỉnh Ninh Thuận, Hà Tĩnh, Nghệ An tổ chức tại hai điểm cầu Ninh Thuận và Nghệ An.

cao tốc 1.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính cắt băng khánh thành cao tốc tại hầm Núi Vung. Ảnh: H.H

Phát biểu chỉ đạo tại điểm cầu Ninh Thuận, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định lễ khánh thành hai dự án này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong thời điểm cả nước đón chào các ngày lễ lớn.

Theo Thủ tướng, hai dự án thành phần này được khánh thành sẽ nâng tổng chiều dài cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã làm được là 1.187 km. Bên cạnh đó, các dự án cao tốc trục Đông - Tây, trục Tây Nguyên, trục Tây Nam Bộ… cũng đang được triển khai.

"Rà soát lại, cho đến giờ này chúng ta tin tưởng chắc chắn rằng mục tiêu đạt 3.000 km đến năm 2025 và 5.000 km đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng là sẽ đạt được"- Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.

Thủ tướng ghi nhận nỗ lực của các nhà đầu tư, ban quản lý, kỹ sư, công nhân. Thủ tướng trân trọng cảm ơn nhân dân khu vực có dự án đi qua đã nhường nơi ăn chốn ở, nơi sinh sống ngàn đời, bờ xôi ruộng mật để dành cho dự án, cho lợi ích quốc gia.

cao tốc.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính tuyên bố khánh thành hai cao tốc. Ảnh: H.H

Thủ tướng Chính phủ cho rằng hai dự án này cũng đã giúp rút ra năm bài học kinh nghiệm. Đó là phải nỗ lực biến không thành có, biến khó thành dễ, càng áp lực, càng nỗ lực.

Đồng thời, phải quyết tâm cao, hành động lớn, hành động quyết liệt, bám sát thực tiễn đời sống huy động đa dạng hoá các nguồn vốn và hết sức linh hoạt trong quá trình vận dụng công cụ luật pháp luật.

Cuối cùng, phải tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân, đặt mình vào địa vị của nhân dân để giải quyết vấn đề.

Ninh Thuận kiến nghị đầu tư làn dừng khẩn cấp liên tục

Phát biểu tại lễ khánh thành cao tốc Cam Lâm- Vĩnh Hảo, ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, nói dự án thành phần Cam Lâm - Vĩnh Hảo được khánh thành, đưa vào khai thác có ý nghĩa hết sức quan trọng, là ước mơ bao đời nay của người dân Ninh Thuận và các tỉnh trong khu vực.

cao tốc cam lâm - vĩnh hảo.jpg
Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo đoạn qua Ninh Thuận. Ảnh: H.H

Dự án tạo ra động lực, không gian phát triển mới cho các địa phương có cao tốc đi qua; hình thành mạng lưới giao thông đối nội, đối ngoại đồng bộ, hiện đại, rút ngắn khoảng cách, giảm thời gian kết nối đi lại, giảm chi phí trong lưu thông hàng hóa và vận tải hành khách giữa các tỉnh, thành phố trong khu vực và cả nước với các khu công nghiệp, cảng biển, các khu du lịch vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng, danh lam thắng cảnh, khu di tích văn hóa trên địa bàn tỉnh; tạo động lực quan trọng để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của các tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho hay trong thời gian tới, tỉnh này tiếp tục tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ thực hiện hạ tầng giao thông đối nội, đối ngoại, nhất là các nút giao liên thông, các tuyến đường kết nối từ cao tốc với hệ thống đường địa phương; tận dụng hạ tầng giao thông hiện có UBND tỉnh sẽ đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư; kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư vào Ninh Thuận. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp, khu công nghiệp để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp.

cao tốc 3.jpg
Thủ tướng cùng các lãnh đạo bộ, ngành và địa phương dự lễ khánh thành tại điểm cầu Ninh Thuận. Ảnh: H.H

Tỉnh Ninh Thuận đề nghị Bộ GTVT nghiên cứu đưa vào khai thác cả hai đường hầm trong giai đoạn này để đảm bảo an toàn giao thông. Đồng thời, nghiên cứu đầu tư làn dừng xe khẩn cấp liên tục dọc hai bên tuyến đường bộ cao tốc đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo; đầu tư các trạm dừng nghỉ và các điều kiện cần thiết đảm bảm an toàn tuyệt đối.

Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo là một trong ba dự án thành phần cao tốc Bắc Nam giai đoạn 1 (2017-2020), được đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Liên danh nhà đầu tư là Tập đoàn Đèo Cả, Công ty Xây dựng Đèo Cả và Tổng công ty Đầu tư xây dựng 194.

Trên tuyến có hầm Núi Vung dài 2,2 km, quy mô ba làn xe, bề rộng hầm 14 m, giai đoạn 1 sử dụng ống hầm Phải, lưu thông 2 chiều. Đây là hầm đường bộ lớn thứ tư cả nước sau hầm Hải Vân, hầm Đèo Cả và hầm Cù Mông.

Dự án có tổng mức đầu tư 8.925 tỉ đồng, có quy mô bốn làn xe, tốc độ tối đa 90 km/giờ. Dự kiến, tuyến cao tốc này sẽ tổ chức thu phí từ ngày 2-5.

Cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo là tuyến cao tốc cuối cùng kết nối TP.HCM với TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, được đưa vào vận hành khai thác từ 7 giờ ngày 26-4.

Dự án thành phần Diễn Châu - Bãi Vọt có tổng chiều dài hơn 49 km. Giai đoạn phân kỳ, dự án được đầu tư với quy mô bốn làn xe, bề rộng nền đường 17 m. Giai đoạn hoàn chỉnh, dự án được thiết kế vận tốc thiết kế 100-120km/giờ, riêng hầm Thần Vũ vận tốc thiết kế 80km/giờ.

Dự án được đầu tư theo phương thức PPP với tổng mức đầu tư hơn 11.157 tỉ đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm