Thủ tướng: 'Pháp luật phải kiểm soát quyền lực'

Đáng chú ý, người đứng đầu Chính phủ dành nhiều sự quan tâm đối với công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách.

“Nước sôi rồi, gạo chưa được mang tới”

“Lần đầu tiên Chính phủ đã không còn nợ Nghị định hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh đã có hiệu lực. Bộ Tư pháp đóng vai trò rất lớn trong việc này” - Thủ tướng cho biết.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo hội nghị

Đánh giá công tác xây dựng pháp luật có nhiều tiến bộ, tuy nhiên Thủ tướng cho rằng pháp luật còn nhiều hạn chế, chất lượng còn thấp, thiếu ổn định nên thường xuyên phải sửa đổi, bổ sung.

“Xây dựng nhà nước pháp quyền không phải là anh xây dựng được bao nhiêu luật mà là trình độ người làm luật, thẩm tra, thẩm định luật đó. Cái này chúng ta còn nhiều bất cập” - Thủ tướng nói và chỉ rõ, việc lập chương trình xây dựng luật, pháp lệnh chưa có hiệu quả cao, có tình trạng thường xuyên xin lùi, xin rút, khi đề xuất làm luật chưa xác định được nội hàm văn bản gây khó khăn cho quá trình soạn thảo.

“Đồng chí Phó chủ tịch QH nói để QH “bắc nước chờ gạo”, nước sôi rồi gạo chưa được mang tới” - Thủ tướng dẫn chứng.

Cạnh đó, luật ban hành nhiều nhưng thực thi pháp luật vẫn là khâu yếu, rất yếu, không nghiêm, dẫn đến tình trạng nhờn luật trong xã hội. Thủ tục hành chính ở nước ta còn phức tạp, cản trở đến phát triển, kể cả lĩnh vực của chính ngành tư pháp phụ trách.

“Mấy khi được như tỉnh Đồng Tháp, khi sinh một đứa con, khi đăng ký kết hôn đều nhận được thư chúc mừng của UBND xã đó. Ở ta vẫn còn nhiều tình trạng xin-cho, gây khó khăn cho người dân” - người đứng đầu Chính phủ tâm tư.

Không chấp nhận luật ban hành vì lợi ích riêng của bộ, ngành

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh chín nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Đáng chú ý, Thủ tướng yêu cầu cần đẩy mạnh việc hoàn thiện pháp luật, gắn với tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm pháp luật vừa là công cụ để nhà nước quản lý xã hội, vừa là công cụ để nhân dân làm chủ, kiểm tra, giám sát quyền lực nhà nước.

Toàn cảnh đầu cầu Hà Nội

“Nơi nào có quyền lực, nơi đó phải có giám sát, luật pháp phải theo hướng đó. Pháp luật phải kiểm soát quyền lực, khi pháp luật trao quyền cho bất cứ ai thì phải có cơ chế để kiểm soát quyền lực đó, kể cả đối với Thủ tướng” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng đặc biệt yêu cầu cần tập trung rà soát, đề xuất hoàn thiện thể chế liên quan đến đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; đồng thời, hỗ trợ giải quyết khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, chú trọng các giải pháp nâng cao chất lượng, bảo đảm tính ổn định, đồng bộ, tính minh bạch, khả thi của TTHC, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp.

Người đứng đầu Chính phủ đặc biệt lưu ý ngành tư pháp cần làm tốt khâu thẩm định, chống lợi ích nhóm trong xây dựng thể chế.

“Chúng ta không chấp nhận pháp luật được ban hành có nội dung không vì lợi ích của toàn xã hội mà vì lợi ích riêng của một bộ, ngành nào đó. Bộ Tư pháp phải rút kinh nghiệm và làm gương việc này.

Không được cài cắm vào luật những nội dung không vì lợi ích chung mà vì lợi ích riêng của đơn vị, ngành hay một nhóm người nào đó. Việc này thời gian qua khá nhiều…” - Thủ tướng nói.

Cạnh đó, để pháp luật đi vào cuộc sống, Thủ tướng gợi ý trong thời đại của Facebook, Zalo… như hiện nay, chúng ta phải đẩy mạnh đổi mới phương thức phổ biến giáo dục pháp luật. Cần định hướng dư luận xã hội, nhất là các vấn đề liên quan trực tiếp đến người dân, DN, chủ trọng tư vấn, hỗ trợ DN, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh…

“Tôi đặt câu hỏi với Bộ trưởng Long là làm thế nào để Bộ Tư pháp mạnh lên, ngành tư pháp mạnh lên, đáp ứng đúng vai trò, vị trí của ngành? Chúng ta phải làm gì để từng cán bộ, chuyên viên BTP ngành tư pháp cả nước phát huy được hết trí tuệ và trách nhiệm?...” - Thủ tướng nói trước khi kết thúc bài phát biểu gần một giờ đồng hồ của mình.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm