Ông Hà Đình Bốn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐ-TB&XH), cho biết nhu cầu dịch vụ công tác xã hội đã có từ rất lâu ở Việt Nam. Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, cả nước có khoảng 25% dân số có nhu cầu tiếp cận, sử dụng dịch vụ công tác xã hội, cần được trợ giúp bởi các cán bộ công tác xã hội.
“Cụ thể, các đối tượng cần sự trợ giúp của nhân viên công tác xã hội gần 10 triệu người cao tuổi; 5,4 triệu người khuyết tật; 1,5 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; gần 12% hộ nghèo; hơn 2,7 triệu đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng; hơn 1,8 triệu hộ gia đình cần được trợ giúp đột xuất hằng năm; hơn 200.000 người nghiện ma túy… nhưng trong thực tế con số này còn lớn hơn” - ông Bốn khẳng định.
Khoảng 25% dân số Việt Nam cần sự trợ giúp của xã hội. Ảnh: Minh họa
Cũng theo ông Bốn, hiện nay hệ thống pháp luật Việt Nam chưa có một luật riêng biệt về hoạt động trên. “Những quy định nếu có chỉ nằm rải rác ở các luật về lĩnh vực trẻ em, hôn nhân và gia đình, không mang tính tác động trực tiếp. Các quy định này chủ yếu có tính bổ trợ và suy diễn để áp dụng trong lĩnh vực công tác xã hội. Về góc độ pháp lý, quy định rõ ràng nhất về nghề công tác xã hội mới ở cấp thông tư của Bộ LĐ-TB&XH. Vì vậy, việc xây dựng Luật Công tác xã hội không sợ trùng lặp các quy định pháp luật hiện hành…” - ông Bốn khẳng định.
Cũng theo ông Bốn, hướng xây dựng Luật Công tác xã hội là điều chỉnh đối tượng thực hiện công tác xã hội. Đồng thời, quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, nguyên tắc nghề nghiệp của nhân viên công tác xã hội. Tiếp đến phải quy định cơ quan quản lý, ai cấp chứng chỉ, ai đào tạo nhân viên công tác xã hội, quy định đạo đức nghề nghiệp như thế nào...
Được biết mới đây, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đã ký thành lập một nhóm nghiên cứu về đề án xây dựng Luật Công tác xã hội do một Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH phụ trách. Đến tháng 4-2017, Bộ sẽ gửi Chính phủ để đăng ký, trình Quốc hội thông qua.