Sáng 20-7, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị lần thứ nhất của Hội đồng điều phối Vùng đồng bằng sông Hồng. Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo các bộ, ban ngành và 11 tỉnh, thành thuộc Vùng đồng bằng sông Hồng, các chuyên gia, nhà khoa học...
Phát triển chưa xứng tiềm năng
Sau khi lắng nghe các ý kiến, kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, đây là bước cụ thể triển khai thực hiện tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị trong định hướng phát triển Vùng đồng bằng sông Hồng (Nghị quyết 30 ngày 23-11-2022 của Bộ Chính trị). Trong đó, chú trọng đổi mới cơ chế điều phối, thúc đẩy kinh tế-xã hội của vùng phát triển nhanh, bền vững, bảo vệ môi trường và bảo đảm quốc phòng-an ninh.
Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 30 với 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.
Trong đó chú trọng xây dựng thể chế điều phối vùng đủ mạnh để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả điều phối, liên kết vùng, đồng thời định hướng các nội dung về quy hoạch, phát triển hạ tầng, xúc tiến đầu tư, xử lý các vấn đề về môi trường liên tỉnh, phát triển các cụm liên kết ngành về môi trường…
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. (Ảnh: VGP) |
Thủ tướng nêu rõ thế mạnh của vùng với 11 tỉnh, thành phố, chiếm 6,42% diện tích (21.278 km2) cả nước, có trình độ phát triển kinh tế thứ hai trên cả nước (sau vùng Đông Nam Bộ), chiếm 29,4% GRDP của cả nước…
Vùng là địa bàn chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, chủ quyền biển đảo. Là cửa ngõ phía bắc của đất nước và ASEAN về kết nối phát triển kinh tế, thương mại với Trung Quốc, là cầu nối quan trọng trong giao lưu kinh tế, văn hóa quốc tế.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh Thủ đô Hà Nội là hạt nhân phát triển vùng. Là trung tâm về kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ, có bề dày phát triển hàng nghìn năm gắn với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Ngoài ra vùng cũng có hệ thống giao thông đồng bộ, phát triển mạnh, có vùng biển lớn, là vùng đất địa linh, nhân kiệt giàu truyền thống, nguồn nhân lực dồi dào…
“Tuy nhiên, kinh tế-xã hội vùng phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, vị trí. Các địa phương phát triển không đồng đều, phụ thuộc nhiều vào vốn và lao động. Các ngành sản xuất với công nghệ hiện đại chiếm tỉ lệ thấp. Cơ cấu thu ngân sách Nhà nước ở một số địa phương chưa bền vững.
Kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu. Hạ tầng giao thông thiếu kết nối. Hạ tầng du lịch còn yếu. Liên kết, hợp tác giữa các địa phương trong vùng chưa chặt chẽ, hiệu quả thấp. Chưa hình thành các cụm liên kết ngành, các vùng sản xuất nông sản tập trung…” - Thủ tướng nêu rõ.
Phát huy tính tự cường nhưng không mạnh ai nấy làm
Đánh giá cao các ý kiến, tham luận tâm huyết, trách nhiệm và trí tuệ tại hội nghị, Thủ tướng yêu cầu Bộ KH&ĐT - cơ quan thường trực Hội đồng điều phối vùng đồng bằng sông Hồng tiếp thu, nghiên cứu để hoàn thiện kế hoạch triển khai hoạt động của hội đồng trong thời gian tới.
Thủ tướng cũng chỉ rõ, Hội đồng điều phối góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong liên kết, kết nối vùng, nhưng các tỉnh, thành phố cần phát huy tinh thần tự lực, tự cường, không trông chờ ỷ lại.
“Hội đồng không làm thay việc của cấp ủy, chính quyền các địa phương, mà tập trung điều phối, liên kết, đôn đốc, kiểm tra, tạo xu thế, phong trào để làm tốt, sơ kết, tổng kết, đề xuất khen thưởng, xử lý các vấn đề còn vướng mắc, nâng cao tính tự lực, tự cường của các địa phương, tạo sức mạnh tổng hợp, góp phần phát triển vùng, phát triển đất nước” - Thủ tướng chỉ rõ.
Thủ tướng nhấn mạnh 6 nội dung quan trọng về liên kết, kết nối vùng, trước hết là trong việc thúc đẩy 3 đột phá chiến lược.
Thứ nhất, kết nối hạ tầng giao thông, nhất là tuyến đường cao tốc Ninh Bình-Nam Định-Thái Bình-Hải Phòng, tuyến đường ven biển từ Thanh Hóa ra Quảng Ninh; kết nối hạ tầng kỹ thuật về điện, nước, viễn thông;
Thứ hai, về kết nối phát triển, đào tạo và sử dụng nhân lực;
Thứ ba, kết nối xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách ưu tiên, ưu đãi, đặc thù, vượt trội cho vùng.
“Thứ tư, về tài chính, cần sử dụng hiệu quả nguồn vốn Nhà nước đầu tư cho vùng và tạo liên kết, phát huy vai trò nguồn vốn của các địa phương. Đẩy mạnh liên kết, hợp tác công tư theo Luật PPP và liên kết thu hút đầu tư FDI, sử dụng nguồn vốn ODA. Tinh thần là không phân mảnh, không chia cắt, phát huy sức mạnh tổng hợp” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Thứ năm, liên kết phát triển hạ tầng xã hội (nhất là nhà ở), y tế, giáo dục, văn hóa gắn với phát triển du lịch. Thứ sáu, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng và chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau giữa các địa phương trong vùng.
Về nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng đề nghị các bộ ngành, địa phương kiện toàn bộ máy điều phối tinh gọn để bắt tay ngay vào việc. Trước mắt là xây dựng ngay quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch vùng và các tỉnh, thành phố trong quý III-2023, riêng Hà Nội trong quý IV-2024;
Thủ tướng giao Bộ KH&ĐT chủ trì phối hợp với bộ ngành, địa phương xây dựng cơ chế chính sách đặc thù, ưu đãi, vượt trội cho vùng; hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi;
Chuẩn bị triển khai các dự án cụ thể, trong đó có dự án cao tốc Ninh Bình-Nam Định-Thái Bình-Hải Phòng; nghiên cứu phát hành trái phiếu trong nước hoặc vay vốn ODA với cơ chế đột phá để đầu tư các tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội, đường sắt kết nối Hà Nội với Hà Nam, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hòa Lạc… Nghiên cứu thành lập hình thành quỹ phát triển hạ tầng vùng.
Triển khai các dự án liên kết vùng về bảo vệ môi trường, tăng trưởng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu; liên kết trong phát triển các khu công nghiệp, khu thương mại; liên kết trong hình thành, phát triển các khu công nghệ cao, trung tâm đổi mới sáng tạo…