Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Vùng đồng bằng sông Hồng phát triển dưới tiềm năng

(PLO)- Vùng đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) chưa tận dụng hết tiềm năng, lợi thế để tạo động lực cho phát triển; chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Đây là đánh giá được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Nguyễn Chí Dũng nêu ra tại hội thảo “Phát triển đầu tư, thương mại, dịch vụ, tạo liên kết vùng cho doanh nghiệp”, ngày 30-3.

Hội thảo do Bộ Công Thương và Bộ KHĐT và UBND tỉnh Thái Bình đồng chủ trì tổ chức nhằm cụ thể hoá việc thực hiện Nghị quyết 30-NQ/TW (ngày 23-11-2022) của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSH đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;...

Chưa tận dụng hết tiềm năng, lợi thế

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, vùng ĐBSH có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước, là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hoá, lịch sử đặc sắc của dân tộc. Là vùng động lực phát triển hàng đầu, có vai trò định hướng, dẫn dắt quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng của cả nước.

Bộ trưởng KHĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: Vùng ĐBSH chưa tận dụng hết tiềm năng, lợi thế để tạo động lực cho phát triển. Ảnh: CẤN DŨNG

Bộ trưởng KHĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: Vùng ĐBSH chưa tận dụng hết tiềm năng, lợi thế để tạo động lực cho phát triển. Ảnh: CẤN DŨNG

Trong giai đoạn vừa qua, vùng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng: kinh tế vùng tăng trưởng bình quân giai đoạn 2005 - 2022 đạt 8,93%/năm, cao hơn mức bình quân cả nước; quy mô kinh tế tăng nhanh, năm 2022 đạt 2,89 triệu tỉ đồng, chiếm 30,4% GDP cả nước; Thu hút đầu tư trong và ngoài nước tăng mạnh.

Tuy nhiên, vùng ĐBSH chưa tận dụng hết tiềm năng, lợi thế để tạo động lực cho phát triển; Chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm; Thu NSNN còn dựa nhiều vào khai thác quỹ đất; Công tác quy hoạch và triển khai thực hiện các quy hoạch còn chậm; Phát triển không đồng đều giữa các tiểu vùng và giữa các địa phương trong vùng; Liên kết, hợp tác giữa các địa phương trong vùng chưa chặt chẽ, hiệu quả thấp.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, nguyên nhân của những tồn tại nêu trên là do nhận thức về vai trò liên kết vùng chưa đầy đủ, còn tư tưởng cục bộ chưa vì lợi ích chung; Thiếu cơ chế và bộ máy thực hiện liên kết, điều phối vùng hiệu quả vì không có thể chế vùng và có ngân sách riêng cấp vùng; Chất lượng quy hoạch vùng và quy hoạch các địa phương trong vùng còn thấp; Chưa có chính sách đủ mạnh để huy động nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước tham gia đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm, có tính lan tỏa của vùng.

Hội thảo nhằm cụ thể hoá việc thực hiện Nghị quyết 30-NQ/TW (ngày 23-11-2022) của Bộ Chính trị. Ảnh: CD

Hội thảo nhằm cụ thể hoá việc thực hiện Nghị quyết 30-NQ/TW (ngày 23-11-2022) của Bộ Chính trị. Ảnh: CD

Liên kết phát triển vùng cần thực chất

Đứng trước các khó khăn, thách thức nêu trên, để phát huy hết tiềm năng, lợi thế của vùng cũng như từng địa phương trong vùng, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 30. Bộ Chính trị đã đặt ra mục tiêu đến năm 2030 của vùng là vùng phát triển nhanh, bền vững, có cơ cấu kinh tế hợp lý; tập trung phát triển công nghiệp, dịch vụ hiện đại và nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, xanh, tuần hoàn có giá trị kinh tế cao; đổi mới sáng tạo, kinh tế số, xã hội số; có hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, đô thị thông minh, có tính kết nối cao.

Tình trạng ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông và ngập úng cơ bản được giải quyết. Đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng cao, dẫn đầu cả nước.

Người đứng đầu Bộ KHĐT cho rằng, vùng ĐBSH cần tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển vùng mang tính đột phá; xây dựng thể chế liên kết vùng đủ mạnh, liên kết phát triển vùng đi vào thực chất, tập trung vào một số lĩnh vực như quy hoạch, phát triển hạ tầng, xúc tiến đầu tư, xử lý các vấn đề môi trường nội vùng và liên vùng, phát triển các cụm liên kết ngành.

Các tỉnh tranh thủ, tận dụng thời cơ từ các xu thế phát triển mới theo các mô hình tăng trưởng trong các Nghị quyết của Trung ương và Chính phủ như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, cam kết phát triển “xanh” với mức phát thải “ròng” về 0 vào năm 2050.

Từ đó cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng đảm bảo mục tiêu phát triển nhanh, bền vững kinh tế ban đêm; Phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, công nghệ cao, ít phát thải khí nhà kính, có khả năng cạnh tranh, giá trị gia tăng cao, tham gia sâu, toàn diện vào mạng sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu. Ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp mới như chíp, bán dẫn, robot,....

Phát biểu tại hội thảo, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh, vùng ĐBSH là địa bàn đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của đất nước với hạt nhân là Thủ đô Hà Nội; có vai trò là 1 trong 2 “đầu tàu” kinh tế, động lực phát triển hàng đầu của cả nước với 3 cực tăng trưởng là Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh”.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: CD

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: CD

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt thuận lợi, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhìn nhận tính liên kết vùng nhìn chung vẫn còn có những hạn chế. Các công trình, dự án liên kết vùng mới tập trung ở các dự án hạ tầng do ngân sách từ Trung ương đầu tư. Các hoạt động liên kết, hợp tác giữa các địa phương còn chưa rõ nét và chưa được triển khai đẩy mạnh và chưa có cơ chế chính thức về liên kết vùng riêng; không gian và địa bàn liên kết còn mang tính tự phát giữa một số địa phương. Đặc biệt các vấn đề, nội dung liên quan đến liên kết ngoại vùng hầu như chưa có.

“Thực tiễn cho thấy sự cần thiết của việc tập trung thu hút đầu tư phát triển mạng lưới logistics, chợ đầu mối, các trung tâm trung chuyển và kho vận hiện đại, thông minh gắn với các cảng biển, cảng hàng không và cửa khẩu ở Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh để phát huy tối đa lợi thế vùng, thúc đẩy giao thương nội và liên vùng, quốc tế; Tận dụng tối đa các cơ hội của các hiệp định thương mại tự do để thu hút đầu tư” - Thứ trưởng nói.

Tạo liên kết chuỗi

PGS.TS Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đánh giá, ĐBSH đã được quan tâm đầu tư rất nhiều. Các tuyến liên kết giao thông cơ bản đã định hình được những tuyến liên kết phát triển và toạ độ liên kết phát triển. Tuy nhiên, cần nhìn nhận thực tế, hiện nay các tuyến liên kết giao thông của vùng chưa thực sự đồng bộ.

Dù đã có những bước tăng trưởng tốt nhưng vùng ĐBSH chưa thực sự phát triển đúng tiềm năng. Được xem là vùng kinh tế trọng điểm dẫn đầu cả nước nhưng tăng trưởng trung bình 10 năm vừa qua của vùng chỉ đạt mức cao gấp 1,15-1,2 lần mức chung của cả nền kinh tế.

Câu hỏi đặt ra, vì sao được đầu tư nhiều, nguồn lực có, nhân tài có, nhưng vùng lại chỉ tăng trưởng ở mức chưa xứng tầm như vậy? Đây là điều cần phải bàn, dựa trên đặc trưng, thế mạnh của vùng trong chuỗi liên kết.

Ông Trần Đình Thiên cho rằng, giải pháp ở đây là tăng cường sự kết nối liên kết các tỉnh trong vùng. Theo đó, các tỉnh cần tăng cường liên kết về giao thông, liên kết về thể chế và liên kết về doanh nghiệp. Hiện nay, ĐBSH chưa có một cấu trúc thể chế tạo ra liên kết vùng hiệu quả. Chủ yếu mới bàn về kết nối giao thông.

Các tỉnh cần phải chú ý khi mời gọi các nhà đầu tư, làm sao để có thể tạo ra liên kết chuỗi, bởi doanh nghiệp mới là nền tảng cho sự kết nối.

Các tỉnh cần xây dựng cho vùng một trung tâm logistic xứng tầm, một chợ đầu mối mang tầm cỡ quốc tế, đủ sức cạnh tranh với quốc tế. Đây là những vấn đề cần bàn một cách quyết liệt hơn, cụ thể hơn. Chỉ khi vùng trọng điểm phát triển mới có thể kéo cả nước đi lên. Từ liên kết vùng cần phải có những cụm công nghiệp chuyên ngành, cụm liên kết chuyên ngành, tạo thành những thung lũng silicon, tổ hợp phát triển.

Vùng đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) gồm 11 tỉnh, TP (Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình), có diện tích 21.253 km2, chiếm 6,42% diện tích của cả nước, mật độ dân số 1.087 người/km2, cao nhất so với các vùng khác.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm