Ngày 20-7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH), chủ trì Hội nghị lần đầu tiên của Hội đồng.
Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo các bộ, ban, ngành, 11 tỉnh, thành thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng, những chuyên gia, nhà khoa học...
Tập hợp sức mạnh của 11 tỉnh thành.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ KHĐT, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng điều phối Vùng ĐBSH nêu rõ cơ cấu hội đồng này không phải là một cấp hành chính nhưng là mô hình tổ chức hiệu quả để xem xét, quyết định những vấn đề quan trọng của vùng, góp phần giải quyết các vấn đề bất cập mà một địa phương trong vùng không thể giải quyết được.
Ngoài ra, hội đồng có thể giải quyết những vấn đề chưa đạt được sự đồng thuận hoặc vượt thẩm quyền quyết định của các bộ, ngành và địa phương trong vùng.
Hội đồng điều phối Vùng ĐBSH do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính là Chủ tịch.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng là Phó Chủ tịch Thường trực. Các Phó Chủ tịch gồm: Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh.
Vùng ĐBSH gồm 11 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình.
Bộ trưởng KH&ĐT khẳng định Vùng ĐBSH được định hướng trở thành vùng phát triển nhanh, bền vững, cơ cấu kinh tế hợp lý, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, công nghiệp, dịch vụ hiện đại, nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, xanh, tuần hoàn có giá trị kinh tế cao.
Vùng ĐBSH trở thành trung tâm giáo dục, đào tạo nhân lực chất lượng cao của cả nước, đi đầu về phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, xã hội số, hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, đô thị thông minh, có tính kết nối cao
Tình trạng ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông và ngập úng cơ bản được giải quyết, trong đó Thủ đô Hà Nội "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại" trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng và cả nước, phấn đấu ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực.
Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: VGP |
Định hướng phát triển của Vùng đồng bằng sông Hồng
Ông Dũng đề nghị hội nghị thảo luận 10 nhóm nội dung chủ yếu. Đầu tiên là định hướng quy hoạch phát triển vùng ĐBSH đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, dự kiến phát triển theo ba hướng.
Thứ nhất, tổ chức không gian phát triển vùng gắn với bốn hành lang kinh tế, bốn vùng động lực, đô thị và cực tăng trưởng, hai tiểu vùng kinh tế.
Thứ hai, phát triển tám ngành, lĩnh vực chủ yếu, với trọng tâm là phát triển công nghiệp hiện đại, lợi thế cạnh tranh của vùng, các ngành dịch vụ có hàm lượng công nghệ cao về công nghệ thông tin, tài chính - ngân hàng, logistics, giáo dục đào tạo, y tế… gắn với phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Thứ ba, tập trung phát triển kết cấu hạ tầng vùng, với trọng tâm là phát triển hạ tầng trọng yếu về giao thông kết nối liên vùng, như: các tuyến đường bộ cao tốc liên vùng và nội vùng, tuyến đường Vành đai 4, Vành đai 5 vùng Thủ đô, tuyến đường sắt tốc độ cao, hạ tầng cảng biển, cảng hàng không…
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị. Ảnh: VGP |
Ông Dũng đề nghị hội nghị thảo luận về cơ chế, chính sách huy động hiệu quả nguồn lực từ mọi thành phần kinh tế vào đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng vùng, nhất là hạ tầng giao thông, phân cấp cho các địa phương chủ động thực hiện các dự án liên vùng kết nối.
Nghiên cứu đề xuất cho phép phát hành trái phiếu quốc tế hoặc vay ODA để đầu tư đồng bộ các tuyến đường sắt đô thị của Hà Nội hoặc cho phép áp dụng những mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD) cho các tuyến đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao…
Tập trung đầu tư xây dựng phát triển hệ thống cảng biển trên địa bàn vùng gắn với xây dựng hệ thống kho bãi, logistics hiện đại. Xây dựng khu vực Hải Phòng - Quảng Ninh trở thành trung tâm kinh tế biển hiện đại, Hải Phòng trở thành trung tâm logistics quốc tế gắn với phát triển khu thương mại tự do tại Hải Phòng.
Phát triển hành lang kinh tế ven biển Quảng Ninh - Hải Phòng - Thái Bình - Nam Định - Ninh Bình gắn với các tuyến cao tốc, đường ven biển để hình thành những khu công nghiệp - đô thị hiện đại. Liên kết các khu công nghiệp, khu kinh tế ven biển để hợp tác phát triển, hình thành cụm liên kết ngành công nghiệp phụ trợ trong lĩnh vực điện, điện tử, thay vì cạnh tranh, triệt tiêu lẫn nhau.
Ngoài ra, ông Dũng cũng đề nghị hội nghị tập trung thảo luận về các vấn đề khác như giải quyết vấn đề môi trường, phát triển Vùng ĐBSH trở thành trung tâm khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số hàng đầu của cả nước, đề xuất các cơ chế đặc thù cho Vùng ĐBSH, phát triển tiểu vùng phía Nam vùng này, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu xây dựng trung tâm dữ liệu vùng.
11 nhiệm vụ, quyền hạn Hội đồng điều phối Vùng ĐBSH
- Nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về phương hướng, giải pháp, cơ chế, chính sách thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ tại Nghị quyết số 30-NQ/TƯ ngày 23-11-2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
- Điều phối các hoạt động lập, điều chỉnh và tổ chức thực hiện các quy hoạch quốc gia, quy hoạch Vùng ĐBSH thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, quy hoạch tỉnh, thành phố trong vùng này thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
- Nghiên cứu, đề xuất về thể chế, cơ chế, chính sách phát triển Vùng ĐBSH, thúc đẩy liên kết vùng, tiểu vùng bảo đảm các quy định, cơ chế, chính sách liên kết vùng, tiểu vùng được thực hiện đồng bộ, nhất quán, hiệu quả, kỷ luật, kỷ cương.
- Tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, huy động nguồn lực, thu hút đầu tư; điều phối việc sử dụng nguồn vốn đầu tư công để định hướng, dẫn dắt các nguồn lực đầu tư ngoài nhà nước (FDI, vốn doanh nghiệp, tư nhân), thúc đẩy đầu tư theo phương thức hợp tác công tư (PPP), nhất là trong phát triển hạ tầng chiến lược, quan trọng của vùng.
- Điều phối các hoạt động liên kết phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội, trong đó ưu tiên hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông. Nghiên cứu hình thành Quỹ Phát triển hạ tầng vùng.
- Hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương trong vùng giải quyết những vấn đề liên tỉnh, thành phố không thuộc thẩm quyền của các địa phương trong vùng.
- Phối hợp với các vùng khác trong việc hợp tác phát triển kinh tế - xã hội có tính chất liên kết giữa các vùng.
- Điều phối các bộ, ngành trung ương có ý kiến về đầu tư xây dựng phát triển các cơ sở giáo dục đào tạo, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư xây dựng và bố trí nhà ở, các công trình văn hóa, phúc lợi tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp, giải quyết các tệ nạn xã hội, vấn đề an ninh trật tự, an toàn xã hội.
- Điều phối các bộ, ngành trung ương trong việc phối hợp sử dụng lao động, hỗ trợ giới thiệu việc làm, hợp tác bố trí nguồn lao động và xử lý các vấn đề tranh chấp về lao động (nếu có).
- Thúc đẩy, hỗ trợ hình thành và phát triển Hiệp hội doanh nghiệp và các Hiệp hội ngành hàng, Hiệp hội liên minh, liên minh hợp tác xã của toàn Vùng ĐBSH.
- Quyết định sử dụng nguồn lực tài chính, nguồn lực khác được giao để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng vùng.