Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch tỉnh Trà Vinh thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến 2050

(PLO)- Tầm nhìn đến năm 2050, Trà Vinh là tỉnh phát triển cao của vùng ĐBSCL, có trung tâm kinh tế biển hiện đại và trung tâm năng lượng sạch của vùng.

Thủ tướng Chính phủ vừa có Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Trà Vinh thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến 2050.

Trà Vinh nằm trong nhóm đầu của vùng ĐBSCL vào năm 2050

Theo quyết định được phê duyệt, mục tiêu tổng quát đến 2030, Trà Vinh là tỉnh phát triển ở mức trung bình cao, nằm trong nhóm đầu của vùng ĐBSCL, có kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, kết nối vùng ĐBSCL và cả nước; có kinh tế biển phát triển, thích ứng với biến đổi khí hậu; các giá trị văn hóa của các dân tộc được bảo tồn và phát huy; người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Một số mục tiêu cụ thể như: về kinh tế, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đạt khoảng 11,5%/năm. GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt 148 triệu đồng.

san-xuat-tra-vinh-2.jpg
Gói bánh Tét Trà Cuôn đặc sản nổi tiếng của Trà Vinh

Giá trị xuất khẩu đạt khoảng 1.700 đến 1.800 triệu USD vào năm 2030; huy động vốn đầu tư toàn xã hội đạt từ 350 ngàn đến 400 ngàn tỉ đồng.

Mục tiêu về xã hội, tốc độ tăng dân số tỉnh Trà Vinh bình quân 0,75 %/năm. Tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 75%; tỉ lệ lao động qua đào tạo có cấp bằng, chứng chỉ đạt 40% vào năm 2030. Năng suất lao động tăng bình quân 11,65%/năm. Giải quyết việc làm mới hàng năm cho 30 ngàn lao động. Tỉ lệ hộ nghèo đạt chuẩn đa chiều giảm bình quân mỗi năm 1 - 1,5%/năm. Chỉ số phát triển con người (HDI) đạt 0,75 trở lên…

tra-vinh-tren-cao.jpg
Tỉnh Trà Vinh từ trên cao

Tầm nhìn đến năm 2050, Trà Vinh là tỉnh phát triển cao của vùng ĐBSCL, có trung tâm kinh tế biển hiện đại và trung tâm năng lượng sạch của vùng, thích ứng với biến đổi khí hậu; hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, kết nối hiệu quả với vùng ĐBSCL. Xã hội văn minh, hiện đại; quốc phòng, an ninh được bảo đảm; người dân có cuộc sống phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.

Trung tâm năng lượng sạch của vùng ĐBSCL

Cũng theo quyết định quy hoạch thì phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực quan trọng gồm: Công nghiệp phát triển nhanh, bền vững theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ mới, thân thiện với môi trường gắn với lợi thế kinh tế biển.

Cụ thể phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới thành trung tâm năng lượng sạch của vùng ĐBSCL; khai thác tối đa công suất các nhà máy nhiệt điện hiện có, từng bước nâng cao tỷ trọng nguồn điện sản xuất từ nguồn năng lượng tái tạo, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền Nam…

dien-gio-tra-vinh.jpg
Theo quy hoạch được phê duyệt thì Trà Vinh sẽ phát triển thành trung tâm năng lượng sạch của vùng ĐBSCL

Đối với lĩnh vực dịch vụ thì phát triển nhanh, đa dạng các loại hình dịch vụ theo hướng hiện đại, chất lượng cao. Tập trung phát triển một số ngành dịch vụ có lợi thế, đẩy mạnh tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu ngành. Trong đó, đầu tư phát triển dịch vụ cảng biển và logistics, khai thác có hiệu quả các loại hình vận tải đường bộ, đường thủy nội địa, đường biển; nâng cấp hệ thống kho bãi, bảo quản hàng hóa, dịch vụ hậu cần, nhất là các bến cảng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động và chất lượng dịch vụ logistics.

Còn ngành nông nghiệp thì phát triển theo hướng hiện đại, bền vững, tuần hoàn, sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn theo chuỗi giá trị, hiệu quả và có sức cạnh tranh cao dựa trên ứng dụng khoa học công nghệ và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ngoài ra quyết định phê duyệt quy hoạch của Thủ tướng cũng thể hiện phương án tổ chức các hoạt động kinh tế, xã hội. Cụ thể Trà Vinh có 2 vùng vùng kinh tế - xã hội gồm: vùng phía Đông (các huyện Duyên Hải, Cầu Ngang, Trà Cú và thị xã Duyên Hải) là vùng động lực phát triển, trở thành trung tâm kinh tế biển hiện đại, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế của tỉnh, là cửa ngõ giao thông đường thủy của ĐBSCL.

san-xuat-thuy-san-tra-vinh.jpg
Sản xuất, chế biến thuỷ sản tại Trà Vinh

Theo đó, vùng này tập trung phát triển kinh tế biển, trọng tâm là phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo; phát triển dịch vụ thương mại và du lịch biển; kết hợp khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá. Phát triển Khu kinh tế Định An thành trung tâm phát triển công nghiệp, dịch vụ cảng biển và logistics, công nghiệp và du lịch của vùng ven biển; phát triển khu du lịch Ba Động. Đồng thời hình thành và phát triển mạng lưới đô thị ven biển, lấy thị xã Duyên Hải làm trung tâm.

Còn Vùng liên huyện phía Tây, bao gồm thành phố Trà Vinh, các huyện Châu Thành, Càng Long, Cầu Kè, Tiểu Cần (huyện Tiểu Cần định hướng nâng cấp lên thị xã) là trung tâm vùng liên huyện.

03 trục kết nối chính

Cũng theo quy hoạch, không gian phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh được xây dựng trên cơ sở 03 trục kết nối chính, bao gồm:

Trục phát triển theo tuyến đường bộ ven biển, là trục phát triển kinh tế động lực của tỉnh, trọng tâm là Khu Kinh tế Định An, trong đó tập trung phát triển năng lượng tái tạo, cảng biển, logistics, công nghiệp chế biến, chế tạo, du lịch và kết nối mạng lưới các đô thị ven biển.

quan-chanh-bo.JPG
Luồng kênh Quan Chánh Bố

Trục phát triển theo tuyến quốc lộ 60, là trục kết nối không gian hướng Bắc - Nam của tỉnh (kết nối Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng), thực hiện các hoạt động giao thương hàng hóa giữa Trà Vinh với các trung tâm đầu mối tiểu vùng phía Đông và các chùm đô thị liên vùng đồng bằng sông Cửu Long, kết nối với thành phố Hồ Chí Minh.

Trục phát triển theo tuyến cao tốc Hồng Ngự - Trà Vinh (CT36), là trục kết nối Đông - Tây của tỉnh, kết nối vùng liên huyện phía Đông và vùng liên huyện phía Tây của tỉnh, thực hiện kết nối kinh tế biển của tỉnh Trà Vinh với các tỉnh thượng nguồn sông Cửu Long và nước bạn Campuchia.

Các cửa ngõ kết nối thì có 3 cửa trong đó cửa ngõ phía Đông, thông qua luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu (dự kiến mở rộng thành đường vận tải hàng hải quốc tế) và luồng Định An - biên giới Campuchia.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm