Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã thông tin như vậy khi trình bày báo cáo “tình hình kinh tế, xã hội năm 2016 và nhiệm vụ năm 2017” tại phiên khai mạc kỳ họp 2, Quốc hội khoá XIV vào sáng nay 20-10.
Cụ thể, Thủ tướng cho hay: tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm đạt thấp so với cùng kỳ (5,93% so với 6,5%). Khu vực nông nghiệp chỉ tăng 0,65% (cùng kỳ 2,08%). Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 7,4% (cùng kỳ 9,9%). Dự báo tăng trưởng GDP cả năm thấp hơn kế hoạch đề ra (6,7%).
Sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn; trong 9 tháng có khoảng 45 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và trên 8,3 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể. Tăng trưởng kinh tế không đạt kế hoạch sẽ ảnh hưởng đến các chỉ tiêu khác, trong đó tỷ lệ bội chi NSNN, nợ công, nợ Chính phủ so với GDP có thể cao hơn dự kiến.
Thủ tướng cũng cho biết, xuất khẩu 9 tháng chỉ tăng 6,7% (cùng kỳ tăng 9,1%), dự báo cả năm xấp xỉ đạt kế hoạch; trong đó xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng thấp, chỉ đạt 8,5% (cùng kỳ 18,6%); xuất khẩu vào khu vực ASEAN giảm 9,1%.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định từ nay đến cuối năm cả nước phải nỗ lực rất lớn mới xấp xỉ đạt chỉ tiêu về tăng trưởng GDP và xuất khâủ đã đề ra.
‘Trên cơ sở kết quả 9 tháng, với quyết tâm, nỗ lực phấn đấu trong những tháng còn lại, dự báo năm 2016 có 11/13 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, 02 chỉ tiêu về tăng trưởng GDP và xuất khẩu xấp xỉ đạt”, Thủ tướng nói.
Về kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm 2017, Chính phủ đề ra mục tiêu tăng trưởng GDP đạt khoảng 6,7%; tỷ lệ bội chi NSNN so với GDP không quá 3,5%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 31,5% GDP; tỷ suất tiêu hao năng lượng trên một đơn vị GDP giảm 1,5%.
Để thực hiện được mục tiêu trên, Thủ tướng cho hay sẽ thực hiện chính sách tài khoá chặt chẽ, siết chặt kỷ luật tài chính, ngân sách nhà nước. Tập trung chống thất thu, chuyển giá, mở rộng cơ sở thuế, giảm nợ đọng thuế. Triệt để tiết kiệm chi; gắn việc bố trí các dự án, nhiệm vụ chi với khả năng cân đối nguồn lực.
Đặc biệt sẽ từng bước thực hiện khoán chi hành chính, đấu thầu, đặt hàng, mua hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ công. Cơ cấu lại NSNN theo hướng tăng dần tỷ trọng thu nội địa, tỷ trọng chi đầu tư và giảm dần tỷ trọng chi thường xuyên, bảo đảm chi trả nợ. Phấn đấu giảm bội chi NSNN. Tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả nợ công; chú trọng kiểm tra, giám sát sử dụng vốn vay, nhất là vay về cho vay lại, khắc phục tình trạng các khoản vay bị tăng chi phí do chậm tiến độ và hạn chế tối đa cấp bảo lãnh mới.
“Chính phủ cũng sẽ hoàn thiện, đổi mới quy chế làm việc, phân công rõ nhiệm vụ, khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Tăng cường kỷ luật kỷ cương, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc thực hiện chỉ đạo của cơ quan hành chính cấp trên và người đứng đầu cơ quan, đơn vị”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Liên quan đến giải quyết sự cố ô nhiễm môi trường do Formosa gây ra, Thủ tướng cho biết: “Sau khi nhận được tiền bồi thường của Formosa, đã có phương án tổng thể và tạm ứng 3.000 tỉ đồng cho 4 tỉnh để chi trả cho người dân. Đồng thời chỉ đạo kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan trong vụ việc này”. |