Thứ trưởng Bộ Nội vụ nói về chuyện ‘cả họ làm quan’

Gần đây dư luận xôn xao về hiện tượng “cả họ làm quan” ở một số địa phương, cơ quan. Pháp Luật TP.HCMđã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn về vấn đề này.

Vì việc chọn người chứ đừng vì người chọn việc

. Phóng viên: Khi đặt vấn đề “cả họ làm quan” với lãnh đạo địa phương, những người có trách nhiệm đều trả lời rằng “việc bổ nhiệm là đúng quy trình”. Ông thấy sao?

+ Thứ trưởng Trần Anh Tuấn: Khi truyền thông báo chí đưa tin về vấn đề “đúng quy trình”, với trách nhiệm của mình, chúng tôi cũng suy nghĩ rất nhiều. Chúng ta cũng cần phải hiểu quy trình nói ở đây là gì? Đó là việc tuyển chọn, bổ nhiệm... phải thực hiện theo đúng tiêu chuẩn, điều kiện, trình tự, thủ tục và thẩm quyền được pháp luật quy định. Khi các cơ quan, tổ chức tiến hành tuyển chọn lãnh đạo, quản lý không thể làm trái các quy định này. Vì vậy làm đúng quy trình chính là làm đúng pháp luật. Các cơ quan khi tiến hành thanh tra, kiểm tra, điều đầu tiên là phải xem xét việc tuân thủ này.

Trong việc tuyển chọn lãnh đạo, quản lý, bên cạnh phải tuân thủ đúng quy trình quy định còn phải chú ý đến các nội dung khác, không chỉ đơn thuần là thực hiện đúng quy trình. Đó là trách nhiệm của người đứng đầu và vai trò của cấp ủy Đảng trong việc xem xét, lựa chọn nhân sự, làm sao phải khách quan, công tâm, chất lượng, phải bảo đảm nguyên tắc: “Vì việc mà chọn người chứ không phải vì người mà chọn việc”.

. Thưa ông, pháp luật hiện nay, chẳng hạn như Luật Phòng, chống tham nhũng, có quy định người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu có quy định về những việc cán bộ, công chức không được làm, tuy nhiên điều này vẫn có thể bị lách không mấy khó khăn?

+ Điều 37 Luật Phòng, chống tham nhũng đã quy định “Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị không được bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán-tài vụ, làm thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc giao dịch, mua bán vật tư, hàng hóa, ký kết hợp đồng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị đó”. Trong thời gian qua, các báo cáo thanh tra, kiểm tra và thông tin báo chí nêu về hiện tượng “cả nhà làm quan”, “cả họ làm quan”... là một vấn đề mà chúng ta cũng cần phải bình tĩnh xem xét, nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung các quy định chặt chẽ hơn, vừa bảo đảm tính khách quan, công bằng, vừa bảo đảm phù hợp với thực tế địa phương. Làm sao để thực hiện nguyên tắc: Mọi người có tài năng đều được sử dụng, trừ trường hợp có quan hệ với người đứng đầu đã bị pháp luật nghiêm cấm.

Cán bộ, công chức đang làm việc tại UBND một quận ở TP.HCM. Ảnh: HTD

Trong trường hợp pháp luật chưa quy định, người đứng đầu và cấp ủy ở các cơ quan cần thận trọng kiểm tra và xem xét kỹ mối quan hệ nhân sự trước khi xem xét quyết định bổ nhiệm. Như vậy sẽ tránh được việc xảy ra các hiện tượng mà dư luận dị nghị. Còn một điểm nữa là Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức đều có quy định cả chế độ từ chức, miễn nhiệm để những người khi được bổ nhiệm rồi mà không làm được việc thì phải ra đi để nhường chỗ cho người khác làm việc tốt hơn thay thế.

Bổ nhiệm rồi mà không làm được việc thì nên từ chức

. Có vẻ cơ chế đào thải mà ông vừa đề cập chưa phổ biến hoặc chưa được tuân thủ?

+ Luật Cán bộ, công chức, viên chức đã quy định về từ chức, miễn nhiệm rồi nhưng còn vấn đề tính tự giác và tính chủ động. Theo tôi cần phải thêm quy định nếu được bổ nhiệm mà không làm được việc thì có thể tự xin miễn nhiệm hoặc từ chức. Và cả quy định người đứng đầu khi thấy một công chức quản lý không đủ năng lực thì phải họp cấp ủy đánh giá, miễn nhiệm chức vụ để tìm người đáp ứng được yêu cầu thay thế. Cái này nó liên quan đến bản lĩnh và trách nhiệm của người đứng đầu đấy. Quy định rồi thì có dám làm không.

. Bộ Nội vụ có cách khắc phục những khiếm khuyết ấy chưa, thưa ông?

+ Để hoàn thiện cơ chế quản lý, tuyển chọn và đào thải, cần phải nghiên cứu để bổ sung và sửa đổi một số quy định trong pháp luật. Trước mắt, Bộ Nội vụ đã xây dựng đề án thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý và đã được Bộ Chính trị thông qua. Đề án này khi được thực hiện thì sẽ là một trong các giải pháp để khắc phục các khiếm khuyết, hạn chế. Tất nhiên bên cạnh đó sắp tới còn phải sửa Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, Luật Phòng, chống tham nhũng nữa.

. Xin cám ơn ông.

 

Phải đưa ra khỏi nền công vụ người lười biếng

. Phóng viên:Có ý kiến cho rằng hiện nay có tới 30% cán bộ, công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”. Ông bình luận gì về ý kiến này?

+ Thứ trưởng Trần Anh Tuấn: Điều này đã được nêu đi nêu lại trong thời gian vài năm trước đây. Bộ Nội vụ đã trả lời và giải thích nhiều lần nhưng hình như một số người cứ thích nói đến, không biết có dụng ý gì. Tôi xin nhắc lại đấy chỉ là dư luận, không phải là số liệu chính thống được khảo sát và đánh giá, các cơ quan quản lý không có số liệu thống kê chính thức nào nói rằng 30% cán bộ, công chức, viên chức “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”.

Tuy nhiên, dư luận cũng là một kênh rất quan trọng mà các cơ quan nghiên cứu xây dựng chính sách, cơ chế quản lý công vụ không thể không suy nghĩ. Cá nhân tôi cũng thừa nhận một thực tế là trong từng cơ quan, đơn vị vẫn còn có người không làm được việc, do năng lực hoặc do lười biếng. Mặc dù chưa có điều tra, khảo sát nhưng tỉ lệ này ở từng cơ quan khác nhau là không giống nhau. Và trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức là phải phân loại, tìm ra được để thực hiện tinh giản biên chế, đưa ra khỏi công vụ.

Chúng ta phải cải cách công vụ, phải tinh giản biên chế, phải nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, tăng cường kỷ luật, kỷ cương,... Cho nên theo tôi, giờ đây chúng ta hãy cùng nhau tập trung bằng hành động cụ thể chứ không chỉ đơn thuần là lời nói, để xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, phục vụ nhân dân một cách tốt nhất.

______________________________________

17.000 là con số biên chế giảm từ giữa năm 2015 tới nay khi thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm