Sáng 26-11, tại hội nghị lần thứ nhất Ban Chỉ đạo triển khai Nghị quyết 98/2023, các bộ, ngành Trung ương đã bàn về các dự án trọng điểm của TP như Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, Metro, Trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM.
Nỗ lực nhanh hơn để xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM
Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, để xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, cần sớm bổ sung quy hoạch, chuyển đổi mục đích rừng và đánh giá tác động môi trường.
Ông đánh giá việc xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM là việc cần tập trung, phải nỗ lực nhanh hơn. Ông bày tỏ quan điểm ủng hộ Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo hai dự án lớn này.
Về mô hình TOD, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị quan tâm, nghiên cứu sớm, để phục vụ cho việc xây dựng hạ tầng đô thị, Metro.
Theo ông, vừa qua, TP.HCM làm Metro quá chậm, 15 năm chỉ làm được hơn một tuyến, hiện chưa đưa vào khai thác được, trong khi đó còn đến bảy tuyến khác nữa.
“Nếu làm như thế này thì hàng trăm năm nữa cũng không xong” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói và cho rằng cần nghiên cứu các cơ chế cho TP vay vốn, tự vay, tự quản, tự trả. Ông nhìn nhận việc khai thác được không gian ngầm và cả không gian trên mặt đất là nguồn lực to lớn.
“Đó là tiền thì sẽ trả được” – ông nói thêm và đề nghị TP.HCM cần giải quyết vấn đề tắc nghẽn giao thông, chống ngập, có thể đưa các hoạt động xuống không gian ngầm để giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Bộ trưởng nhìn nhận TP.HCM cần táo bạo hơn, quyết liệt hơn và các bộ, ngành sẽ cùng TP xây dựng cơ chế, chính sách triển khai thực hiện.
"Phải có tư tưởng xoay chuyển tình thế"
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhìn nhận khi thực hiện Nghị quyết 98, cách giải quyết các vướng mắc, khó khăn, phải ở tầm cao hơn, mạnh mẽ hơn.
Với dự án Metro của TP.HCM, Thủ tướng nhấn mạnh phải có dự án tổng thể, giải quyết tập trung, trọng tâm, trọng điểm, chứ không phải các dự án lặt vặt, “mấy chục triệu, mấy trăm triệu USD”.
“Chúng ta phải làm lớn, phải có tư tưởng xoay chuyển tình thế, chuyển trạng thái, chứ không làm nhỏ lẻ, lặt vặt, mất thời gian làm thủ tục” - Thủ tướng khẳng định và đề nghị các bộ, ngành phối hợp TP.HCM xoay chuyển trạng thái, ở tầm cao, bao quát, bao trùm.
Về xây dựng cảng trung chuyển Cần Giờ, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng quan trọng nhất là bảo vệ rừng ngập mặn, bảo vệ, giữ gìn những gì thiên nhiên ban tặng, vì lợi ích của quốc gia, dân tộc, và lợi ích của TP.HCM.
Theo Thủ tướng, về kĩ thuật, có thể làm đường trên cao, có thể làm tàu điện ngầm, thậm chí có thể làm tàu điện ngầm từ đây ra Cần Giờ.
“Các nước còn làm tàu điện ngầm dưới lòng sông, chi phí cao hơn đổi lại giữ được rừng nguyên sinh mà vẫn khai thác được tiềm năng, thế mạnh” – Thủ tướng nói và đề nghị các bộ, ngành khẩn trương thực hiện; đánh giá tác động môi trường phải hoàn thành vào quý I-2024.
Về sông Sài Gòn, Thủ tướng đánh giá đây là tài sản vô giá mà thiên nhiên ban tặng, cần đưa vào quy hoạch. Thủ tướng gợi ý có thể lấy sông Sài Gòn làm trục chính, giống như Hà Nội lấy sông Hồng làm trục chính, lấy hồ Tây làm trung tâm để tạo nên tính liên vùng…
Về tín chỉ carbon, Thủ tướng đề nghị phải mạnh mẽ quyết liệt. Ông đề nghị bộ, ngành cùng TP.HCM làm ngay sàn giao dịch tín chỉ carbon, công khai minh bạch, phát triển bền vững, vừa làm vừa điều chỉnh.
“Sao mình không chủ động mà phải xem họ làm như thế nào. Mình làm thế nào cho họ học đi, có cái mình học họ, nhưng có cái đủ điều kiện thì mình làm ngay” - Thủ tướng chỉ đạo.
Về nghị định quy định thủ tục rút gọn, Thủ tướng đề nghị “phát huy quyền của Thủ tướng”, sử dụng hết quyền đề xuất.
“Hôm nay tôi đồng ý luôn, dù các đồng chí chưa đề xuất cho đỡ mất thời gian, lấy nhiều ý kiến” - Thủ tướng nói và đề nghị các Nghị định chưa đi theo thủ tục rút gọn thì thực hiện theo thủ tục rút gọn, chậm nhất tháng 1-2024 phải ban hành.
Phân cấp cho TP.HCM nhiều nhất có thể
Tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định thực hiện phân cấp, phân quyền thực hiện trên cả nước nhưng TP.HCM được “cao hơn” vì một phường của TP.HCM bằng một huyện trên cả nước, một huyện của TP.HCM bằng một tỉnh nên phải được cơ chế đặc thù.
Thủ tướng khẳng định giải quyết thủ tục hành chính phải căn cứ vào đặc thù về lãnh thổ, diện tích ít nhưng dân nhiều.
“Phân cấp càng mạnh càng tốt trên tinh thần phân cấp tối đa, cắt giảm thủ tục hành chính nhiều nhất có thể để TP.HCM vận hành thông suốt, đỡ chi phí cho người dân, doanh nghiệp” - người đứng đầu Chính phủ nói.