Sáng nay (26-11), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo triển khai Nghị quyết 98/2023 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.
Ban Chỉ đạo này được thành lập theo Quyết định 850/2023 của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 850).
Tham dự phiên họp có Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Văn Nên, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cùng lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và TP.HCM.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết với tư cách là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo 850, ông đánh giá cao quyết tâm của các cơ quan Trung ương và TP.HCM trong sự phối hợp, triển khai thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù trong Nghị quyết 98.
Có 33 nhiệm vụ được Thủ tướng giao cho các bộ, ngành và TP.HCM (11 nhiệm vụ của bộ, ngành và 22 nhiệm vụ của TP.HCM). Đến nay, đã hoàn thành chín nhiệm vụ (hai nhiệm vụ của Bộ, ngành và bảy nhiệm vụ của TP.HCM), cơ bản hoàn thành bốn nhiệm vụ.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết có một số chính sách cần thêm thời gian thí điểm. Ông đề nghị các bộ, ngành, TP.HCM báo cáo kết quả triển khai hàng tháng để Bộ KH&ĐT có căn cứ tổng hợp, tham mưu Ban Chỉ đạo về các nhiệm vụ liên quan.
Thống nhất với các nội dung báo cáo của Bộ trưởng KH&ĐT, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết thực hiện Nghị quyết 98, HĐND TP đã tổ chức ba kỳ họp, thông qua 14 Nghị quyết cụ thể hoá Nghị quyết 98, còn lại 12 nội dung theo thẩm quyền HĐND TP sẽ được thông qua vào kỳ họp HĐND TP cuối năm (dự kiến tháng 12-2023). UBND TP.HCM đã hoàn thành 4/25 nội dung, cho ý kiến 15/25 nội dung, còn lại sẽ tập trung hoàn thành trước ngày 31-12.
“Công tác cụ thể hoá Nghị quyết 98 ở cấp TP theo thẩm quyền HĐND, UBND TP để triển khai Nghị quyết 98 sẽ được hoàn thành trong năm nay 2023” – ông Mãi nhấn mạnh.
Cũng theo ông Mãi, TP.HCM đã thành lập Hội đồng tư vấn, đưa ra nhiều khuyến nghị triển khai thực hiện cơ chế, chính sách cụ thể, từ đó nghiên cứu giải quyết các vấn đề lớn TP như đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị TP, giải quyết những điểm nghẽn lớn của TP.
Chủ tịch UBND TP.HCM cũng lập các tổ công tác về đề án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, nghiên cứu mô hình TOD, xây dựng đề án phát triển đường sắt đô thị đến năm 2035…
Chủ tịch Phan Văn Mãi cũng điểm qua một số cơ chế, chính sách đã được TP.HCM ban hành và thực thi. Trong đó, cơ chế giảm nghèo đã bố trí hơn 2.700 tỉ đồng, giải ngân hơn 1.500 tỉ đồng; thực hiện chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ với việc mở rộng một số đối tượng hay việc tổ chức đơn vị hành chính, sự nghiệp TP Thủ Đức đang được triển khai đã gỡ vướng cho TP Thủ Đức...
Ông cũng nhìn nhận việc tăng thêm phó chủ tịch cho ba huyện, TP Thủ Đức và 52 xã, phường đông dân đã giúp cho các cơ quan chính quyền có thêm lực lượng cán bộ.
Theo ông Phan Văn Mãi, sau bốn tháng thực hiện Nghị quyết 98, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 850 và các bộ, ngành đã chỉ đạo quyết liệt, TP.HCM cũng chủ động triển khai sớm, nhờ vậy đã đạt được khối lượng công việc rất lớn.
Tuy nhiên, một số nhiệm vụ thể chế hoá còn chậm, một số nội dung mới chưa có khung pháp lý cần có sự phối hợp của các bộ, ngành Trung ương và TP.HCM. Trong khi đó, khối lượng công việc rất lớn so với tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ TP.HCM.
Chủ tịch UBND TP.HCM kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành sớm hoàn thiện để trình Quốc hội đề án Trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM vào kỳ họp giữa năm 2024. Đề nghị Bộ KH&ĐT có hướng dẫn cơ chế chính sách ưu đãi nhà đầu tư chiến lược, chính sách ưu đãi đầu tư giai đoạn mới để áp dụng ngay cho thực hiện Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ để sớm chỉ định nhà đầu tư chiến lược thay cho đấu thầu.